Cuộc đời
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930 trong một gia đình nho học ở phố Hàng Thùng. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau 1954, khi hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc).
Năm 1960 tốt nghiệp, ông về chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (cho đến năm 1989). Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban Sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến năm 1996. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Có một thời gian dài, nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội và các nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Phú Quang, An Thuyên… đều là thế hệ học trò của ông.
Sáng tác
Nhạc sĩ Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc...
Chàng trai Lê Văn Ngọ khi ấy không bao giờ nghĩ mình sẽ là nhạc sĩ Hoàng Vân lừng danh sau này. Thậm chí như tác phẩm Hò kéo pháo, khi sáng tác, ông chỉ nghĩ rằng mình đang viết báo tường, dán lên vách hầm cho anh em đọc để cùng sẻ chia và động viên giữa những người lính Cụ Hồ trên đường kháng chiến. Không ngờ bài hát được sáng tác kịp thời để phục vụ "tại trận" ấy đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thấy bài Hò kéo pháo hay, Đại tướng đã phổ biến trên tất cả các mặt trận và nói nhất định phải cho Hoàng Vân và một số chiến sĩ đi học nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy của trường âm nhạc Ba Lan trở về, ông mới thành nhạc sĩ.
Sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu quốc và cả dòng chảy lịch sử của đất nước. Không chỉ những ca khúc cách mạng vượt thời gian, ngành ca cũng là một thể loại ghi danh nhạc sĩ Hoàng Vân muôn đời. Không ai nghĩ ngành ca tưởng như khô khan lại có thể hay, dạt dào mênh mang đến vậy.
Ngoài viết ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Vân còn có khá nhiều tác phẩm khí nhạc: “Fugue cho piano”, “Tổ khúc cho hautboy và piano”, “Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson”, “Hành khúc con voi, độc tấu flute” (“Vui được mùa”, “Hoa thơm bướm lượn”), âm nhạc cho vũ kịch: “Chị Sứ”, “Concerto cho piano và dàn nhạc”, thơ giao hưởng số 1: “Thành đồng Tổ quốc”, đại hợp xướng: “Điện Biên Phủ”… Giai đoạn sau này, ông vẫn có những tác phẩm lớn như “Giao hưởng trữ tình”.
Đời tư
Hồi trở về thủ đô, nhạc sĩ Hoàng Vân đã yêu thầm một thiếu nữ “lá ngọc cành vàng” có tên Ngọc Anh. Bà là nữ sinh ngành y, nhà ở phố Trần Quốc Toản. Chị gái Ngọc Anh là giai nhân nức tiếng Hà thành bấy giờ. Lúc đó ông chỉ là lính nghèo, phần vì biết bố mẹ bà nghiêm khắc, nên lần lữa mãi không dám đến chơi nhà. Chưa kể Ngọc Anh còn nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có họa sĩ nổi tiếng tài danh như Nguyễn Sáng.
Về sau, biết Ngọc Anh chơi đàn piano, ông bèn phổ nhạc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Thi với những ngôn từ tha thiết: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo Mây…” gửi tặng bà với bút danh Y-Na ký dưới bản nhạc. Y-Na chính là viết tắt của “Yêu Ngọc Anh”.
Nhiều bài hát sau này của ông được ra đời cũng dưới bút danh này. Tết năm đó, Ngọc Anh đến chúc Tết gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân ở phố Hàng Thùng. Tại đây bà gửi lại cho ông một chiếc hộp sơn mài chạm khảm kỹ lưỡng, bên trong là một chiếc khăn choàng lụa tơ tằm dài thêu tay đầy đủ cả bản nhạc mà nhạc sĩ đã gửi tặng.
Đó là món quà mà ông cả đời không quên được, cũng là “tín hiệu” khiến các chàng trai theo đuổi Ngọc Anh rút lui khi biết trái tim của bóng hồng dành cho ai. Nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn cất giữ kỹ món quà này, ít khi đem khoe và càng không để ai chụp ảnh, ghi hình hay đăng báo. Sau này, khi ông và Ngọc Anh nên duyên vợ chồng, đã đặt tên con gái là Y Linh - chính từ dấu vết của mối tình sâu nặng đó. Ngọc Anh trở thành người vợ, người bạn đời gắn bó, chăm sóc ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến những bài tập, bài thuốc trên giường bệnh cho đến phút cuối đời.
Sinh ra trong một gia đình nho học, có bố và ông nội đều là nhà nho, nhạc sĩ Hoàng Vân được học chữ thánh hiền từ thuở còn thơ bé. Ông cũng thừa nhận rằng, tính cách nhà nho cũng ảnh hưởng nhiều đến cốt cách của ông sau này. Khác với những bản anh hùng ca hào sảng khỏe khoắn của mình, con người nhạc sĩ lại luôn luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ và ôn hòa trong mọi hoàn cảnh.
Ông hầu như không nổi nóng, to tiếng hay cãi vã với ai. Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng được biết như một người trọng chữ tín và luôn luôn đúng hẹn. Ở ông, đó là kết hợp của sự kỹ tính và khó tính.
Quan điểm âm nhạc
Nhạc sĩ Hoàng Vân mong ước nền âm nhạc Việt Nam với những bản nhạc có tinh thần và sắc thái của ngày hôm nay. Theo ông, âm nhạc phải có nghệ thuật cao, phải đi sâu vào lòng người chứ không đơn thuần là để giải trí. Mà muốn có những bản nhạc có nghệ thuật cao thì người nhạc sĩ cần phải có cảm xúc âm nhạc và văn học. Để được như vậy cần phải học, học nhiều, phải rèn luyện rất ghê gớm.
Ông cho rằng các anh em nhạc sĩ phải chịu khó tìm tòi những nhạc cảm đi chói vào trong tim mình trước. Lời ca đó khiến người nghe mãi mãi không thể quên được những cảm xúc về sự kiện, nhân vật đó. Và sở dĩ người ta thích “Hò kéo pháo” vì nó được sáng tác trong nền cảm xúc hoành tráng. Nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định: “Nghe thì có vẻ công thức nhưng phải học, không học thì không thể hay được, mà phải là học thực chất, có 9 lớp thì ngay bây giờ phải học 7,8.
Bất cứ một cái tài năng âm nhạc nào cũng phải được tô điểm, củng cố trên những cảm xúc rất sâu sắc. Nhiều người ít học và không học nên có sự bắt chiếc người này người kia. Mỗi từ ngữ, mỗi nốt nhạc là phải được trau dồi, trao đổi khách quan, chọn lọc lâu năm, nhưng bây giờ nhạc được phát ra dễ dàng và ít cảm xúc”.
Ông cũng nói thêm âm nhạc Việt Nam cần xây dựng trên nền học thuật thực sự. Nhạc cảm phải giàu. Trong thời kỳ hòa bình thì cảm xúc âm nhạc và cảm xúc văn chương cần phải kết hợp nhuần nhuyễn thì những bản nhạc nó mới sống được. Theo nhạc sĩ, trong thế hệ của ông, âm nhạc được dạy trong các trường phổ thông trung học có hệ thống và trình độ cao. Chương trình chủ yếu học theo cái cổ điển của châu Âu. Học ra học và những thầy dạy rất tài năng về âm nhạc. Sau đó, ông học sáng tác ở trường Trung ương âm nhạc học viện. Thuở ấy, học nhạc một cách trực tiếp để làm cho mình rung động và tạo ra tác phẩm thực sự hay.
Nhạc sĩ Hoàng Vân nói ca khúc hay phải là lời của trái tim, phải là nghệ thuật thực sự, phải làm cho mình, cho người nghe rung động và tác phẩm ấy khiến người ta móc tiền túi người mua để nghe cho sướng. Một bài hát hay có thể lúc đầu nghe vô vị nhưng càng hát càng thấy nó ý nghĩa. Ông minh chứng bài “Hát về cây lúa hôm nay” sáng tác năm 1976 khi ông vào công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm ấy khi bài hát mới ra mắt cũng có nhiều ý kiến trái chiều lắm nhưng sau đó ai cũng phải công nhận ca từ mộc mạc nhưng ý nghĩa và giai điệu.
Tài lẻ
Ngoài gia tài âm nhạc đồ sộ, nhạc sĩ Hoàng Vân còn được biết đến như người có tài thư pháp thiên bẩm. Ông dùng giấy và mực loại bình thường, không cầu kỳ và chỉ viết tặng bạn văn, bạn nhạc tùy vào tính tình, nghề nghiệp, gia cảnh. Được biết nhạc sĩ Hoàng Vân có tay nghề thư pháp cũng một phần ảnh hưởng từ xuất thân nho gia. Ông viết vì thú tiêu dao chứ không phải nghệ nhân chuyên nghiệp, càng không bao giờ ra chợ bán chữ. Chữ ông cho không nhiều nhưng ai nhận được cũng quý. Có chuyện kể nhà văn Nguyễn Quang Sáng lần ấy ngồi uống rượu cứ khư khư một cuộn. Hỏi ra mới biết là mấy chữ của nhạc sĩ Hoàng Vân thủ bút tặng.
Đánh giá
NSƯT Bích Việt: “Bài Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân đem đến lòng người, lòng dân hay bất kể ai nghe được đều cảm thấy hưng phấn tuyệt vời, thấy tinh thần yêu nước sục sôi khí thế. Tất cả bài của nhạc sĩ tôi biết thì đều thích hát cả. Thế nhưng trong kho lưu trữ của tôi có bài “Hà Nội, Huế, Sài Gòn” mà tôi từng được hát khi tốt nghiệp hoặc trên truyền hình nhiều năm trước. Đó là bài hát mà tất cả giọng Soprano đều phải hát qua để đánh dấu một giọng hát tốt”.
Lê Nghiệp (UV BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Cần Thơ): “Gia tài nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân rất lớn. Tôi nhớ những bài như Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca cây lúa, Hò kéo pháo… như quả núi rất lớn của âm nhạc Việt Nam. Trong chiến tranh, những bài ấy động viên chúng tôi rất nhiều. Thời đó không có tivi, chúng tôi chỉ nghe qua chiếc radio nhỏ xíu mà thấy động viên rất nhiều. Nhạc sĩ Hoàng Vân là cây đại thụ của âm nhạc nước nhà”.
TS.NSND Nguyễn Thiếu Hoa: “Cũng như những nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Hoàng Vân có viết nhiều về khí nhạc, hợp xướng. Tác phẩm khí nhạc đầu tay của ông là Thành đồng Tổ Quốc đã là một tác phẩm lớn, một dấu ấn học thuật. Sau này ông viết nhiều hợp xướng cho các dàn hợp xướng của CLB, cho trẻ em… Nói về khối lượng, tôi chỉ có thể nói là quá lớn, quá đồ sộ”.