(Baonghean.vn)- Người Thái Nghệ An là dân tộc thiểu số sở hữu nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo, trong đó có luống. Thực ra đây là 1 dụng cụ dùng để giã gạo của bà con, tuy nhiên khi chày đánh vào lòng máng đã tạo nên âm thanh vừa mạnh mẽ, vừa dứt khoát nhờ đó khắc luống trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Clip rộn ràng khắc luống:
Luống vốn là dụng cụ dùng để giã lúa, gạo của người Thái Nghệ An. Sau mỗi mùa gặt, họ thường mang lúa về bỏ vào lòng máng và giã rời hạt ra. Tuy nhiên, những âm thanh của chày khi giã vào lòng máng đã tạo nên 1 tiếng nhạc độc đáo. Từ đó, người Thái lấy máng giã gạo làm nhạc cụ mỗi khi có hội hè, lễ Tết. Luống trở thành nhạc cụ khi dùng chày để khắc (đánh). Vậy nên, khắc luống có thể được xem là loại nhạc cụ thô sơ xuất hiện sớm nhất trong cộng đồng dân tộc Thái. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng tạo nên những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập, tùy theo nhịp độ, tiết tấu mỗi vũ điệu. Trong số những người khắc luống, luôn có một người giữ nhịp bằng cách gõ phía ngoài máng để tạo ra âm thanh vang hơn. Khắc luống được xem là nhạc cụ thể hiện tính tập thể cao, đòi hỏi các thành viên có sự phối hợp khéo léo, nhịp nhàng. Tùy theo độ dài ngắn của luống mà bố trí số lượng "nhạc công". Với người Thái Nghệ An, khắc luống có thể được tổ chức mọi lúc, mọi nơi. Trong các ngày hội, khắc luống là nhạc cụ không thể thiếu. Theo quan niệm, điệu khắc luống còn mang ý nghĩa tín ngưỡng phồn thực, trong đó cái máng tượng trưng cho người phụ nữ và cái chày tượng trưng cho sức mạnh của đấng mày râu. Dẫu vậy khắc luống là nhạc cụ dành riêng cho nữ giới. Từ thực tiễn cuộc sống, chày khắc đã trở thành 1 dụng cụ âm nhạc trong các hoạt động nghệ thuật, diễn xướng của người Thái. Đào Thọ