(Baonghean) - “Tôi chỉ sống một nửa với thế giới hiện thực lúc bấy giờ. Một nửa tâm trí tôi sống trong thế giới mà các nhà văn, nhà thơ đã tạo ra”. Nhà thơ Phạm Quốc Ca tự sự trong một hồi ức về tuổi thơ như thế. Và ngay cả bây giờ, tôi thấy ông vẫn thế, vẫn chỉ sống một nửa thế giới thực, còn một nửa ông dành cho những hoài vọng, trong thơ…
Tôi gặp ông, đầu tiên qua facebook, sau đó là những cuộc điện thoại. Ông tiến sỹ, nhà thơ, dịch giả, nhà lý luận phê bình… mà tôi thầm mến mộ không ngờ lại giản dị, gần gũi lạ thường. Thoáng ngại ngần khi tôi nói ý định viết chân dung về ông, nhưng rồi ông vẫn trải lòng cùng tôi. Ông kể với tôi về niềm say mê đối với văn chương, về những ký ức thiếu thời, về quãng đời cầm súng, và về nỗi nhớ quê…
“Phải trở thành nhà thơ”
Đó là một ngôi làng nhỏ bên sông Bùng - làng Thọ Khánh, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), nơi Phạm Quốc Ca cất tiếng khóc chào đời và nhen nhóm niềm yêu để dần trở thành vô tận đối với văn chương. Phạm Quốc Ca và anh em ông đã trở thành những tấm gương lớn về sự hiếu học ở làng quê nghèo này, dù bao nỗi vất vả ập đến với gia đình, đặc biệt sau khi cha ông mất vì bạo bệnh.
Ông kể: “Nhà tôi nghèo đến mức không có nổi 1 cái bàn học, phải kê cánh cửa cũ làm bàn. Nhưng đói nghèo chả có ý nghĩa mấy đối với thằng bé luôn đắm chìm trong thế giới văn chương”. Phạm Quốc Ca có người chú họ là thầy giáo dạy Văn, trong nhà có 1 tủ sách. Vậy là “tôi may mắn được ngốn ngấu tủ sách đó, khác nào “chuột sa chĩnh gạo”. Ông nói, cậu bé - tôi ngày ấy chỉ sống có một nửa đời thực, còn một nửa đã theo vào thế giới mà các nhà văn tạo ra. Điều đó khiến ông cảm thấy mình hạnh phúc và giàu có hơn.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt diễn ra trên quê hương, những ngày đó Phạm Quốc Ca là cậu bé hàng ngày đội mũ rơm đi học, những phòng học trong hầm tối với ngọn đèn dầu bọc ánh sáng bằng ống bơ. Ông nhớ nhất kỷ niệm về nhà thơ Tố Hữu, khi đi công tác vào khu IV đã ghé thăm quê mình. “Với tôi, được gặp các nhà thơ, như được thấy người Trời vậy”.
Có lẽ cũng nhờ tình yêu với văn chương, mà những vất vả, gian nan thời ấy với cậu bé Phạm Quốc Ca bỗng nhẹ nhõm. Ông là học sinh xuất sắc, đạt 5 điểm (điểm số cao nhất thời ấy) ở tất cả các môn học, 2 lần giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Văn vào các năm 1964, 1970.
Năm 1965, ông vinh dự được Bác Hồ tặng Giải thưởng, chính Người đã viết bằng bút mực lên trang đầu cuốn sổ tay tặng cho ông với dòng chữ: “Giải thưởng của Bác Hồ tặng cháu Phạm Quốc Ca”. Ông nói, mình đã run lên vì xúc động, ngắm nghía mãi những dòng chữ gầy guộc, thiêng liêng đó. Sau này, quyển sổ được ông tặng lại cho nhà trường trước khi lên đường nhập ngũ.
Năm 1967, trong đợt ôn thi học sinh giỏi môn Văn toàn tỉnh, Phạm Quốc Ca cùng các bạn được thầy giáo Nguyễn Trọng Bản đưa về nhà bồi dưỡng. Tại đây, ông đã được đọc cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Thời ấy, cuốn sách phải “đọc lén” và ông nhớ mãi cái cảm giác của mình lúc đó: “Tâm hồn tôi đã bị chấn động. Chính là cuốn sách này đã định hướng cho đời tôi: Nhất thiết tôi phải trở thành nhà thơ!”.
17 tuổi, Phạm Quốc Ca nghe theo tiếng gọi Tổ quốc đã xung phong lên đường nhập ngũ. Ông nói: “Tôi hăng hái đi vào chiến tranh với khát vọng âm thầm, lãng mạn là trở thành một nhà thơ quân đội”. Trong ba lô của chàng trai mơ mộng ấy là 2 tập tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy…
Người lính, người thầy
Phạm Quốc Ca trở thành người lính của Tiểu đoàn đặc công, Sư đoàn 9, chiến đấu ở Campuchia và Đông Nam bộ từ năm 1970 cho tới ngày toàn thắng. Chiến trường không nhiều mơ mộng như anh chàng với ước vọng thi sỹ đã vẽ ra.
Thế nhưng, một thế giới khác, khốc liệt, trần trụi lại giúp cho ông thêm những rung cảm, những yêu thương. Nó, hoàn toàn không làm ông thất vọng hay chai sạn. Giữa trận địa bom gào, giữa những sinh ly tử biệt, dưới những hàng rào dây thép gai cuồn cuộn của đêm trinh sát đồn địch…
Phạm Quốc Ca đã lặng lẽ, nén chặt nước mắt và những nỗi căm hờn, để rồi khi trở về hậu cứ, chàng lính trẻ lại chép vào sổ tay những vần thơ lửa đạn. Bài thơ đầu tiên được công bố của Phạm Quốc Ca là bài “Trong hầm vây ép” in năm 1972 trên tập san “Dũng sỹ” của Sư đoàn: “Chúng tôi ở trong hầm vây ép/ Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép/ Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương/ Nhìn nhau thêm gần gũi, thân thương…”.
Mảng đề tài về chiến tranh và người lính là một mảng đề tài quan trọng trong toàn bộ thơ Phạm Quốc Ca. Không chỉ bởi ông là một người lính cõng đồng đội bị thương trườn dưới mưa đạn quân thù. Không chỉ bởi ông đã đứng bên, nắm đôi bàn tay người Tiểu đội trưởng trước lúc nhắm mắt đã nuối thương những người thân yêu ở phía quê nhà.
Không chỉ bởi ông đã chăm sóc và chứng kiến những giây phút cuối cùng của người bạn cùng chiến đấu còn trẻ măng chưa kịp nói lời yêu ngã xuống vì mảnh đạn văng vào ổ bụng… Mà còn bởi, quê hương ông trở thành trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ. Bom Mỹ đã biến làng quê bình yên, nên thơ rợp bóng mát tre dừa thành bình địa. Và cũng vì chiến tranh, ông có người anh trai liệt sỹ mãi mãi nằm lại trên chiến trường Tây Ninh. Có người mẹ mãi ngơ ngác bàng hoàng nỗi đau mất đi khúc ruột của mình…
Trong ngày cưới của mình, Phạm Quốc Ca đã mặc bộ quân phục không còn mới của người lính đi qua chiến tranh. Và trong những bài thơ của ông, nỗi đau chiến tranh khiến người ta có thể bật khóc: “Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ/ Anh nằm lại nơi đâu?/ Bốn phương trời khói lửa/ Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh” (viết trong ngày giỗ anh - Bài thơ đoạt giải Nhất Cuộc thi thơ về đề tài thương binh, liệt sỹ của Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 1984). Hay “Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con, ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom” (Bình minh con sẽ lên đường).
Phạm Quốc Ca viết nhiều về người lính, về chiến tranh ngay cả khi ông từ chiến trường về học Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, và cho tới mãi sau này. Tốt nghiệp đại học, Phạm Quốc Ca trở thành giảng viên Trường Đại học Đà Lạt (1983). Từ năm 1989 đến 1990, Phạm Quốc Ca trở thành thực tập sinh tiếng Nga tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pietchigorxco, Cộng hòa Liên bang Nga. Bảo vệ thành công luận án tiến sỹ năm 2004, ông gắn bó với Khoa Ngữ văn của Đại học Đà Lạt từ ngày ấy đến khi về hưu.
Giờ đây, dù gặp ông trên cương vị một nhà thơ - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng, thì người ta vẫn không khó để nhận thấy chất “người thầy” trong Phạm Quốc Ca. Nét hiền lành, từ tốn, sự kín đáo, khiêm nhường và cẩn trọng, chỉn chu. Phạm Quốc Ca đã lặng lẽ sống như mảnh đất mà ông chọn, muốn khuất lấp vào với gió, với thông, với những ngọn đồi và mặt hồ im bóng...
Nửa đời “mơ quê”
Gắn bó với mảnh đất cao nguyên Đà Lạt hơn 30 năm. Đà Lạt cho ông nhiều ân tình, nhưng một với Phạm Quốc Ca, ông đã dành một nửa tâm hồn mình để “mơ quê”. Ông nói: “Làng Thọ Khánh ấy là một phần máu thịt của tâm hồn tôi, làm nên phần trữ tình đậm đà nhất trong thơ tôi”.
Luôn luôn trong tâm trí Phạm Quốc Ca, dòng sông Bùng nhỏ bé trên đất Diễn Kỷ không chỉ là một kỷ niệm thân thương gắn bó với những năm tháng tuổi thơ, mà còn gần như một tín hiệu của tâm thức chỉ dẫn về quá khứ, cội nguồn, đánh thức nỗi niềm yêu thương sâu kín và cả những xót xa từng dậy sóng trong ông cũng như trong lòng bao người dân Diễn Kỷ. Sông Bùng, cầu Bùng, chợ Si, những năm tháng chiến tranh, những người anh, người bạn đã vĩnh viễn ngã xuống, nằm lại trên đất mẹ. Dường như tất cả đều in bóng dưới dòng sông bé nhỏ đến nỗi không có nấy một cái tên trên bản đồ Tổ quốc ấy. Nhưng nó ắt hẳn đã có mặt, luôn luôn có mặt trong một bản đồ khác, thứ bản đồ mà người ta không nhìn thấy bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. “Nhớ hun hút những ngày gió bấc/ Mưa bay mờ mịt cánh đồng/ Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông” (Nhớ quê).
Tôi đã gặp ông, lặng đứng “Bên mồ mẹ”, đến “Thăm chị”, giật mình “Thức với tiếng gà” (như tên các bài thơ của ông). Để rồi, trong hun hút hành trình tha hương, gặp ông thảng thốt nhớ: “Tôi để lại làng dừa Thọ Khánh/ Dòng sông trăng nơi tôi yêu em”, “Tôi để lại căn nhà cho gió thổi/ Đêm đêm trăng giãi vườn không/ Bao tiết thanh minh không về thắp hương mồ mẹ/ Thương những chiều vàng vọt hoàng hôn” (Căn nhà để lại).
Quê ông, cái mảnh đất đến lạ, nghèo đói, chiến tranh tàn khốc cũng không ngăn cản được truyền thống hiếu học của người dân. Đến tận sau này, những cái tên người thầy như Phạm Đạt, Nguyễn Trọng Bản, Nguyễn Hòe vẫn còn in đậm trong trí nhớ Phạm Quốc Ca. “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân, cuốn sách đã “định hướng cuộc đời” Phạm Quốc Ca để ông trở thành một nhà thơ, dường như giờ đây vẫn nằm mở ở trang nào đó trên tủ sách của người thầy, trong căn nhà xưa mà lúc nào Phạm Quốc Ca cũng đinh ninh vẫn ở đó đợi ông về, vẫn vẫy gọi ông bằng những ngôn từ bay bổng và quyến rũ. Để dọc miền thơ cảm của mình, Phạm Quốc Ca có cơ hội được trở về với làng Thọ Khánh, dòng sông Bùng, người mẹ đã nuốt nước mắt vào trong khi tiễn ông nhập ngũ, và những điều đã gắn bó với cuộc đời ông. Trở về, một lần nữa, bằng âm vọng của thi ca.
PHẠM QUỐC CA (bút danh Khánh Thi) - Sinh năm 1952 quê Diễn Kỷ, Diễn Châu. - Nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Đà Lạt, Phó Tổng biên tập Tạp chí Lang Bian, Ủy viên BCH Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đông Nam bộ. Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH Đà Lạt. - Hiện là Ủy viên UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiếng trầm (tập thơ, 1987); Chân trời mở (tập thơ, 1994); Làng trong nỗi nhớ (tập thơ, 1996); Những cánh rừng, những bài ca (tập thơ, 2004); Mấy vấn đề trong thơ Việt Nam 1975 – 2000 (chuyên luận, 2003). Thơ viết trong Album (tập thơ, 2010), Thơ và mấy vấn đề văn học (chuyên luận, 2017)… |
Thùy Vinh