(Baonghean) - Biết và làm quen với nhà thơ Cảnh Nguyên từ những năm sau ngày đất nước ta thống nhất (1975), nhưng trước đó ít lâu tôi đã đọc thơ ông qua phần "Sóng lúa" in trong tập "Mặt cánh đồng". Một nhà giáo lúc bấy giờ nhận xét khá tinh: Thơ Cảnh Nguyên gắn bó máu thịt với đời sống bằng cảm xúc - trí tuệ, tuy rằng tính chất dàn trải hạn chế không ít tới sự cô đọng tinh chất, vốn là một đặc trưng cơ bản của thi ca nói chung.
Tới năm 1987, 14 năm sau phần "Sóng lúa", Cảnh Nguyên cho ra mắt bạn đọc tập thơ "Điều không thể giấu". Thơ ông vẫn nhiều lời, bù lại, con người nhà thơ đã hiện rõ. Đọc "Điều không thể giấu", nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không mấy khó khăn phát hiện ra con người nông dân trong Cảnh Nguyên rất đậm: "Cảnh Nguyên là người luôn có trách nhiệm trước cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống ở những nơi lam lũ, vất vả". Chính đó là một biểu hiện thiên chức nhà thơ mà ông tự vận vào mình, lắm khi tự hành hạ mình, và luôn có nhu cầu dãi bày với đồng nghiệp.
Đầu năm 1997, thời gian Cảnh Nguyên tổ chức bản thảo tập thơ mới của mình, tập "Triền miên bến đợi", tôi có gặp ông tại Nhà xuất bản Nghệ - Tĩnh, nơi ông gắn bó công việc quản lý và biên tập cho tới ngày nghỉ hưu. Lâu lâu, thấy Cảnh Nguyên ít in thơ trên các báo chí, nay gặp làm sách, tôi hơi ngờ ngợ. Thì ra, cuốn sách gồm một số bài chưa có dịp công bố, cộng với nhiều bài viết từ những năm tác giả còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bởi đấy là một sự tập hợp, nên phạm vi cuộc sống, tư tưởng phản ánh qua tâm hồn nhà thơ rất rộng. Cách viết ở đây cũng nhiều vẻ. Riêng chùm thơ 7 bài (Viết dọc đường Xuân) dễ tạo ấn tượng đậm nhờ sự kiệm lời, giàu chi tiết sống, hơi thở đời thường, tâm trạng người viết bời bời, mà vẫn sáng trong...
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhà thơ Cảnh Nguyên đã có nhiều dịp làm quen và sống gần gũi, dân dã với một số văn nghệ sĩ đàn anh của xứ Nghệ, trong đó có nhà thơ Trần Hữu Thung. Tác giả của bài thơ "Thăm lúa" nổi tiếng từ thời chống Pháp, vừa là người thầy nghiêm khắc vừa là người anh tin cậy, nhờ thế Cảnh Nguyên tiếp cận khá sớm và cơ bản một số quan niệm về văn chương, về nghề văn, về công việc bếp núc làm thơ... mãi đến sau này còn có giá trị với bản thân ông và đồng nghiệp trẻ.
Thơ, theo Cảnh Nguyên trải nghiệm chính là tấm lòng chân thực của thi nhân mở ra trước con người và thiên nhiên. Ở đó, nhà thơ phát biểu chính kiến của mình cùng những tâm tình nhắn gửi. Là người ham ủng hộ cái mới trong sáng tác, biết chấp nhận nhiều "gu" khác mình khi làm biên tập, tuy vậy ông vẫn nghĩ rằng "đổi chắc gì đã mới", và đổi mới gì đi nữa thì bạn đọc cũng phải cảm, hiểu được những điều nhà văn đang ký thác. Nghĩa là, bạn đọc không bị "đánh đố", mà họ vẫn tiếp nhận được ở phần chủ yếu tác phẩm. Bản thân thơ ông là biểu hiện cụ thể, nhất quán của quan niệm vừa nêu.
Từng lên Tây Bắc làn báo, đã được đi dọc nhiều con đường, triền núi cheo leo Tây Bắc, Việt Bắc...; rồi trở về quê Nghệ phụ trách Tiểu ban Thơ Hội VHNT Nghệ - Tĩnh; từ Hội lại sang Nhà xuất bản Nghệ An (gần 20 năm, từ 1982 đến 2000). Có thể nói, những năm tháng nhiều đam mê, day trở nhất của đời Cảnh Nguyên chủ yếu gắn với nghiệp văn. Biên tập, ông chịu khó đọc của anh em trẻ, cổ vũ đến vô tư, hồn nhiên những khi chợt gặp đâu đó cái mới cái lạ, dù le lói.
Tôi từng gặp Cảnh Nguyên cùng nhà thơ Phan Văn Từ tất tả chạy lo giấy phép xuất bản, chạy in ấn, chạy phát hành cho tập thơ của một tác giả nghèo ở quê xa đang chịu nhiều thiếu thốn, lận đận. Trong làng văn nghệ, báo chí ở ta, không phải ai cũng nghĩ, cũng làm được như thế đâu.
Một điều cần nói, Cảnh Nguyên sớm có ý thức bung ra với cuộc sống, cũng như trong nghệ thuật. Ở "Thư gửi bạn làm báo", có đoạn ông viết: "Tôi cứ nghiệm ra rằng, sau một chuyến đi, tâm hồn ta được thêm một thứ men say của cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà ta dựa lòng mình vào cuộc sống giàu có để làm một hòn sỏi trơn tru, mòn mỏi".
Ông đi nhiều, viết tung tẩy trên nhiều loại hình, loại thể văn học. Ngoài thơ là chính, Cảnh Nguyên còn viết bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu phẩm, kịch dân ca... Trong thơ thì có thơ ngắn, có cả trường ca. Văn xuôi của ông giàu chi tiết, sự kiện, tuy chiều sâu các số phận nhân vật là điều còn phải bàn thêm.
Sau tập bút ký "Ngày con nước" (1976), ông bắt đầu được chú ý. Có người bấy giờ nói, giá cứ tiếp tục văn mạch ấy, những nỗ lực ấy, không chừng Cảnh Nguyên đã trở thành một nhà viết ký có tên tuổi?! Điều thú vị nữa, là ông còn viết cả phê bình, tiểu luận. Gần trăm trang phần cuối cuốn tạp văn "Hạt bụi người" (1998), ngoài tiểu luận dài hơi về câu đối Việt Nam vốn là luận văn tốt nghiệp ĐHTT, đa phần tác giả dành phân tích, đánh giá, biểu dương những hiện tượng, những giá trị thơ ca của đồng nghiệp, bè bạn xa gần.
Trong khi có nhà báo cao tuổi nọ lớn tiếng bảo rằng văn chương đất Nghệ không có gì để bàn, đất Nghệ có tác phẩm đâu mà viết phê bình,... thì tại một góc nhỏ thành phố Vinh, cho dẫu hoàn cảnh gia đình lắm khi ngặt nghèo, Cảnh Nguyên vẫn lặng lẽ đọc, đọc rất rộng, chi chút ghi nhận cho bản thân mình. Và viết! Riêng bài "Đề dẫn ở Hội thảo Thơ của Hội VHNT Nghệ - Tĩnh" (1998), sinh thời GS. Lê Bá Hán có lần đánh giá đấy là một bài viết công phu, vừa bao quát vừa thẳng thắn.
Sau cuốn "Hạt bụi người" tập I, tác giả gọi là tập “Thượng”, năm 1999, tập “Hạ” ra mắt bạn đọc. Rồi mãi đến tháng 5/2008, Cảnh Nguyên mới cho xuất bản "Hạt bụi người" tập III (còn gọi là tập Chung). Tập III dày 500 trang in, chữ dày tít, gồm thơ-câu đối-văn xuôi-đàm luận-đọc sách. Cuối sách là phần phụ lục, giới thiệu lại 7 bài viết về đời và văn Cảnh Nguyên mà tác giả thấy cần được trân trọng lưu giữ. Cuối năm 2014, cuốn "Bài viết chiều hôm" ra mắt, tập hợp một số bản thảo thơ và tạp văn còn lại cho đến thời điểm đó.
Sau 3 tập trên, Cảnh Nguyên viết ít dần. Trong căn phòng nhỏ gác hai, đường Đặng Thái Thân, TP. Vinh, hai ông bà hình như "thay nhau" ốm, để còn thời gian, sức lực mà chăm nhau và chăm các cháu nội ngoại. Tôi còn nhớ, có một thời khá dài, phần lớn thời gian ông nội Cảnh Nguyên kèm cặp đứa cháu học bài, hàng tuần còn đèo cháu trên chiếc xe đạp cọc cạch đến thư viện tỉnh đọc sách báo, mượn sách học thêm cho cháu. Hội Báo Xuân năm nào cũng gặp ông tay bắt mặt mừng.
Còn Hội Văn nghệ và Nhà xuất bản, những cơ quan cũ với nhiều kỷ niệm vui buồn, thỉnh thoảng có việc thật cần, ông mới ghé qua... Sinh năm 1940 (tuổi Canh Thìn), quê làng Đệ Nhất, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An; sang năm Đinh Dậu này, nhà thơ Cảnh Nguyên đã vào tuổi 77. Cần mẫn một đời văn là thế, sự hiện diện bền bỉ máu thịt của ông trong đời sống văn hóa - văn học một vùng quê giàu truyền thống thơ ca là câu chuyện có thật, rất đáng được trân trọng và đáng được người đời biết đến!
Nguyễn Văn Hùng