Sắp tới, trẻ sẽ được thay văcxin bại liệt từ uống sang tiêm; nếu xảy ra tai biến sẽ được bồi thường… Tuy nhiên đánh giá “lỗi” do đâu khi tai biến còn khó.
Đây là thông tin được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bên lề hội nghị báo cáo tổng kết triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng 2014-2015 do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/8.
Bổ sung 2 văcxin mới tiêm miễn phí cho trẻ
Theo báo cáo đã có gần 20 triệu trẻ, đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ từ 1 -14 tuổi, đã được tiêm văcxin sởi - rubella. 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm văcxin trên 95%. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%. Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95%, các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét, phấn đấu cả nước đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong tháng 8/2015.
Ông Phu cũng cho biết thêm, dự kiến đến tháng 5/2016, trẻ sẽ sử dụng văcxin bại liệt dạng tiêm thay vì đường uống như hiện nay. Trẻ sẽ được tiêm văcxin bại liệt thay cho văcxin bại liệt đường uống giảm độc lực hiện nay.
TS. Đặng Đức Anh,Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải thích thêm, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và duy trì được thành quả này trong 15 năm qua. Tuy nhiên để duy trì hiệu quả này thì cần chuyển sang văcxin dạng tiêm. Lý do là loại uống thải virus sống giảm độc lực của văcxin ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định độc lực quay trở lại có thể gây bệnh. Nếu dùng văcxin bại liệt đường tiêm thì sau vài năm thì có thể dừng văcxin bại liệt vì môi trường sạch.
Theo chiến lược thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, thì văcxin đường uống sau này sẽ dần chuyển sang bại liệt dạng tiêm. Văcxin đường uống được sử dụng khi bệnh dịch đang lưu hành có tác dụng rất hiệu quả, tạo miễn dịch cao, cắt đứt đường lây nhiễm. Đến khi ca bệnh giảm ổn định thì để tiến tới thanh toán bệnh toàn cầu thì chuyển sang dạng tiêm.
Người dân vẫn lo lắng
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng đạt khá cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng khi sử dụng văcxin miễn phí. Bởi lẽ, trên thực tế tỷ lệ tai biến vẫn xảy ra nhưng chưa có trường hợp nào kết luận nguyên nhân do văcxin.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, công Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã có kết quả điều tra nguyên nhân dẫn đến bé Trịnh Thanh Bình tử vong sau khi tiêm văcxin phòng lao BCG vào tháng 5/2015. Nguyên nhân cái chết được cho là phản ứng quá mẫn sau tiêm chứ không phải “do văcxin”.
Khẳng định kết luận này là chính xác, PGS Phu cho rằng, quy trình tiêm thực hiện tốt, văcxin an toàn nhưng cơ địa của trẻ phản ứng. Những trường hợp khác tiêm cùng không sao chỉ có trẻ này tử vong và nguyên nhân đã xác định do cơ địa.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết thêm: sốc là tai biến nặng do nhiều nguyên nhân. Văcxin là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng không mong muốn là sốc. Sốc cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục cao. Còn cơ địa là cố hữu. Trong hàng ngàn người có người có cơ địa đặc biệt. Không kể văcxin mà thuốc nào cũng vậy.
Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, khi sử dụng văcxin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp này được xác định nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do chất lượng văcxin.
“Nếu tai biến sẽ có hội đồng đánh giá. Hội đồng thành lập phải làm việc trung thực, khách quan. Quy định của pháp luật về bồi thường hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, để khách quan, Bộ Y tế cần có hội đồng chuyên môn để đánh giá sai xót trong tiêm chủng. Nếu đúng do sai xót trong tiêm cần được bồi thường thỏa đáng” - TS Cảm đề xuất.
Theo Infonet