Chuyên gia Al Shimkus nhận định, IS có thể sử dụng cơ thể con người làm trung gian để lây lan virus Ebola ra khắp thế giới.

Theo chuyên gia an ninh Al Shimkus, giáo sư của trường Cao đẳng Navar War, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo có thể đã nghĩ đến việc sử dụng virus Ebola như một loại vũ khí sinh học để khủng bố trong một chiến lược lan truyền loại virus này ra toàn cầu.

Tổ chức này sẽ sử dụng chính cơ thể người bị nhiễm bệnh ở Tây Phi để phát tán loại virus chết người này. Giáo sư Shimkus cho hay: “Những cơ thể đã tiếp xúc với virus Ebola chính là vật trung gian mang mầm bệnh. Trong bối cảnh hoạt động khủng bố ngày càng trở nên tinh vi như hiện nay, việc sử dụng con người như một trung gian mang mầm bệnh là có thể”. 

Phiến quân IS có thể sử dụng virus Ebola như 1 thứ vũ khí sinh học? (ảnh: AP)
Phiến quân IS có thể sử dụng virus Ebola như 1 thứ vũ khí sinh học? (ảnh: AP)

Nhiều khu vực của Tây Phi đang bị hoành hành bởi bệnh dịch Ebola, bởi vậy, nhóm khủng bố sẽ dễ dàng tạo ra những cơ thể nhiễm bệnh và sử dụng những người này cho mục đích riêng ở những nơi khác, vào bất cứ thời điểm nào họ muốn.

Ông Shimkus giải thích, để làm được điều này, Nhà nước Hồi giáo chỉ gần gửi người của mình đến những khu vực đang bùng phát dịch và cố tình bị nhiễm bệnh. Sau khi đã mang mầm bệnh trong người, họ sẽ cố tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt ở các thành phố, quốc gia ở trong mục tiêu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ tử vong trung bình bởi Ebola là 50%. Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, con số này có thể dao động lên tới 90%. WHO cũng lưu ý rằng mặc dù hiện nay có 2 loại vaccine có khả năng chữa được bệnh nhưng cả 2 loại này đều đang trong quá trình kiểm định và chưa được cấp phép.

Virus Ebola sẽ lây lan từ người này qua người khác thông qua sự tiếp xúc với chất dịch cơ thể nhiễm bệnh (máu, nước bọt, nước tiểu, mồ hôi…). Theo Shimkus, ý tưởng sử dụng con người là vật trung gian mang mầm bệnh không phải là ý tưởng mới. Thời Trung cổ, các quốc gia từng ném những thi thể nhiễm bệnh sang khu vực quốc gia khác để lây lan bệnh dịch hạch.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng có thể sử dụng cách tương tự như vậy trong thời đại ngày nay, ông Shimkus nhận định. Ông cho biết, chúng ta có thể kiểm tra được những người nào nhiễm bệnh khi họ bước vào và rời khỏi đất nước nhưng xác suất phát hiện được không phải là 100%.

Tuy nhiên, trong trường hợp IS muốn sử dụng các cơ thể nhiễm bệnh để lây lan virus Ebola ở các nước phương Tây và Mỹ, virus này cũng sẽ không thể lây lan nhanh chóng theo cấp số nhân được, ông Shimkus nhận định. Bởi vì, về mặt lý thuyết, hệ thống chăm sóc sức khỏe tiến tiến ở những nước này sẽ nhanh chóng cách ly người bệnh và ngăn chặn virus.

Được biết, trong số báo phát hành vào tháng 5/2013 của tạp chí Chính sách toàn cầu, Amanda Teckman, tác giả của bài báo “Các mối đe dọa khủng bố sinh học từ Ebola và ảnh hưởng đối với an ninh và sức khỏe toàn cầu”, cũng đã kết luận rằng  không nên bỏ qua mối đe dọa của 1 cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học từ virus Ebola./.

Theo VOV.VN