(Baonghean) - Sau nhiều tháng lâm bệnh, được gia đình và các bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân (GS-NGND) Nguyễn Tài Cẩn đã từ trần tại nhà riêng ở Maxcơva lúc 19h10 phút (giờ Hà Nội) ngày 25/2/2011 (nhằm ngày 23 tháng Giêng năm Tân Mão), hưởng thọ 87 tuổi. Ngày 28/2/2011, Lễ tang Giáo sư được tổ chức trọng thể tại Maxcơva.
Tại nhà riêng của chị Nam Hoa (con gái Giáo sư) ở Hà Nội, anh em con cháu lập ban thờ phúng viếng.
Tiếng là SV Ngữ văn K22 (1977-1981) ĐH Tổng hợp Hà Nội, mãi tới đầu học kỳ thứ 5 trong 9 học kỳ chính khóa, lớp chúng tôi mới được Thầy Nguyễn Tài Cẩn lên lớp chuyên đề. Còn trước đó chúng tôi chỉ được "kính nhi viễn chi" người Thầy khả kính khí khái tới mức "nho giáo thấm sâu vào xương tủy" (chữ dùng của GS Phan Ngọc). Chiều ấy TS Ngữ học Đinh Văn Đức, Chủ nhiệm lớp Ngữ K22 thông báo: “Thầy Cẩn vừa từ ĐH Pari trở về, sáng thứ 2 tuần sau Thầy sẽ giảng chuyên đề đầu tiên”. Thầy Đức còn "bật mí" cho chúng tôi cách khai thác tối đa thời lượng quý hiếm mà Thầy Cẩn sẽ dành cho lớp.
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn làm việc tại
Đại học Tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ). Anh:Internet
Sau mấy phút tự giới thiệu làm quen, "Thầy xin các em trong thời gian trình bày cho phép Thầy được hút thuốc". Vẫn giọng xứ Nghệ nặng chịch nhưng khúc chiết, Thầy mở đầu đại thể là: Người xưa dạy "học ăn, học nói, học gói, học mở", đặt vị trí “học ăn” trước, “học nói” sau là đúng với cả quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Đứa trẻ lọt lòng đã biết bú (là một cách ăn), sau nó mới biết học nói; trong đó học nói thuộc địa hạt của ngành Ngôn ngữ. Nhân dân mình vừa thoát khỏi chiến tranh, để có hạt muối giọt dầu còn phải xếp hàng cả ngày, song không vì khó vì nghèo mà coi nhẹ học nói. Đặt bút kí vào đơn chọn theo học ngành Ngôn ngữ, 31 anh chị em sinh viên của lớp đã tự nguyện làm người lính xung kích trong việc gìn giữ và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc.
Từ trong giảng đường tôi nhìn ra thấy hằng trăm sinh viên không cùng ngành học như Văn, Hán Nôm, Sử, Triết, Luật, thậm chí cả sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ bên cạnh cũng lố nhố kín ngoài hành lang để được nghe vốn kiến thức uyên thâm của "nghệ sĩ trên bục giảng". Về sau giữa thầy trò không còn "kính nhi viễn chi" nữa, tôi biết Thầy sinh ngày 02/5/1926 tại làng Thượng Thọ (nay xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước.
Thời niên thiếu, Thầy học Quốc học Vinh và chuyển tiếp học Quốc học Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, Thầy tham gia kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1949, cũng thời gian này, Thầy bắt đầu nghề dạy học. Năm 1952, Thầy được bổ nhiệm Trợ lí đại học của lớp đại học đầu tiên ở Liên khu IV. Năm 1953 - 1954 là Trưởng phòng chuyên môn Khu giáo dục Liên khu IV. Từ năm 1955 - 1960, Bộ Giáo dục Việt Nam cử Thầy làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên tại Liên Xô (làm việc tại Đại học tổng hợp Leningrad). Năm 1960 Thầy bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về ngành Ngôn ngữ học với đề tài “Từ loại danh từ tiếng Việt”.
Từ năm 1961-1971, Thầy làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, được Nhà nước phong hàm giáo sư. Trong các năm 1982, 1988, 1990 là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris 7 (Pháp) và năm 1991 tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Năm 2000 Thầy được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm 3 công trình: “Ngữ pháp tiếng Việt-Từ ghép, đoản ngữ”, “Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt” và “Nguồn gốc và quá trình cách đọc Hán-Việt”. Cùng với GS Đào Duy Anh, GS Hoàng Xuân Hãn, đến thời điểm này GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong ba nhà nghiên cứu Việt ngữ học vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2008 Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Cuộc đời Thầy là tấm gương sáng của một trí thức yêu nước và cách mạng, là mẫu hình một con người lao động trí tuệ cật lực và không biết mệt mỏi. Sự nghiệp đào tạo của Thầy để lại nhiều nhân tài cho đất nước trong lĩnh vực Ngôn ngữ học. Những tác phẩm khoa học của Thầy đưa đến những tri thức khoa học cơ bản cho xã hội và gợi mở nhiều hướng tiếp cận cho các thế hệ hôm nay. Là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học nước ta, Thầy đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm, bồi dưỡng rất nhiều cán bộ chuyên môn nay đã trưởng thành. Thầy có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
GS Nguyễn Tài Cẩn giảng bài tại Đại học Paris. Ảnh:Internet
Thầy về hưu sống tại nước Nga quê vợ. Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức khỏe đã giảm, song nhiều năm liền Thầy vẫn vượt ngàn trùng cách trở về thăm quê xứ Nghệ. Những dịp về quê này, sau khi lo tròn công việc hương khói với Tổ tiên, Thầy luôn chủ động nán lại Thành phố Vinh để gặp gỡ vui vầy với bạn bè, đồng nghiệp, sống lại với thưở hàn vi. Đặc biệt, Thầy luôn chủ động gặp gỡ các thế hệ trò cũ là sinh viên Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội đang làm việc trên quê hương để động viên khích lệ, bảo ban các trò cũ đem hết khả năng của mình đóng góp xây dựng xứ Nghệ "mảnh đất mà càng đi sâu tìm hiểu về lĩnh vực địa phương học, càng thấy nó là ghê gớm" (chữ dùng của Thầy). Khoảng mươi năm cuối đời, Thầy đều đặn gửi bài viết về đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt là trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, trên chuyên san trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội ngày nay.
Về đời tư, Thầy từng có người vợ tên là Nguyễn Thị Kim Loan (quê xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên), về sau hai người chia tay. Vợ sau của Thầy là một phụ nữ Nga cũng là nhà Ngôn ngữ học có uy tín, có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt. Hơn 30 năm trước theo học tại Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, lứa chúng tôi đã được nghe một số giai thoại đẹp xung quanh mối tình quốc tế Việt - Nga giữa Thầy với cô N.V.Stankyevich.
Đầu tháng 1/2006, Thầy từ Nga về Hà Nội, hôm sau, cụ "đồ Nghệ" một mình lên tàu Hà Nội-Vinh về làng Thượng Thọ làm bổn phận của một hậu duệ dòng họ Nguyễn Tài. Về thăm quê lần ấy, Thầy cho phép tôi tháp tùng đến nhà riêng thắp hương viếng cố "quan Đốc học" Nguyễn Tài Đại, người mà Thầy gọi bằng chú thúc bá, đã mất hơn 1 năm trước đó. Khi thắp hương viếng mộ bà Nguyễn Thị Kim Loan, Thầy đã khóc rất lâu bên mộ người vợ cũ, khiến tôi thấm thía đến tận cùng câu "dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng".
Một sáng đẹp trời tôi tháp tùng Thầy sang Tiên Điền (Hà Tĩnh) dâng hương mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Dù chưa được đọc những phát hiện mới nhất của Thầy về Truyện Kiều, nhưng sau một ngày tháp tùng tôi cảm nhận sâu sắc chữ Hiếu, chữ Tâm trong người Thầy khả kính.