(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Nghệ nắng gió trong thời kỳ mà cả đất nước lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thấu hiểu sâu sắc nỗi thống khổ, nhọc nhằn của người dân quê mình. Sau này, dù đã trở thành một người cộng sản lỗi lạc, một nhà ngoại giao xuất chúng, ở ông vẫn lưu giữ những cốt cách đáng quý của con người xứ Nghệ. 
Sinh năm 1910 trong một gia đình thuần nông tại Nghi Lộc (Nghệ An), ông tham gia vào phong trào học sinh đòi tự do hoạt động chính trị tại Thành phố Vinh từ khi mới 15 tuổi. Một năm sau, ông gia nhập Tân Việt cách mạng đảng, bước những bước chân đầu tiên trên con đường cách mạng. Những lần bị bắt giam, bị đày đoạ về tinh thần và thể xác không làm ông nhụt chí mà cứ nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng trong ông lớn dần lên. Sau này, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (cuối năm 1954), Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (1958), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1963 - 1965) và là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lâu nhất của Việt Nam (1965 - 1980). 
Có lẽ trong suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến của mình, những dấu ấn sâu đậm nhất mà ông ghi lại trong công tác đàm phán ngoại giao. Chính ông là người đại diện nói lên tiếng nói đanh thép và niềm tin vào chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam trên bàn đàm phán Hội nghị Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Sau khi đất nước thống nhất, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh lại là người kiến tạo mối quan hệ của Việt Nam với nhiều nước trong khu vực, đặt những “viên gạch” đầu tiên để Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của ASEAN – cánh cửa bước ra thế giới bên ngoài và hội nhập quốc tế. 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp quốc năm 1977. Ảnh: tư liệu
Bên cạnh những thành công trong sự nghiệp của một nhà ngoại giao, điều khiến người ta ấn tượng ở Nguyễn Duy Trinh chính sự giản dị, cẩn trọng, điềm tĩnh và cư xử rất đúng mực. Dù sống xa quê hương nhưng ông vẫn giữ những thói quen của người Nghệ, rất thích ăn những món dân dã quê mình như khoai lang, cà muối hoặc các loại mắm có vị mặn. Trong cuộc sống hằng ngày, đi từ trong nhà ra ngoài ngõ, nếu thấy một cọng rác, dù bận đến mấy ông cũng cúi xuống nhặt lên và bỏ vào thùng. Một cuốn sách đặt sai vị trí ông cũng tự tay xếp lại cho ngăn nắp, gọn gàng. Ông Nguyễn Duy Tộ, con trai thứ hai của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh kể: có lần thấy ảnh Bác Hồ để hơi nhàu, ông nghiêm khắc nhắc nhở các con rằng hình ảnh lãnh tụ phải được đặt ở vị trí trang trọng để thể hiện tấm lòng thành kính đối với vị cha già dân tộc.
Những đức tính tốt đẹp của ông Nguyễn Duy Trinh cũng gây ấn tượng mạnh mẽ và được nhiều nhà chính trị gia lúc bấy giờ kể lại. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không thể nào quên được Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh - một con người cẩn thận, chỉn chu và kỹ lưỡng đến mức tự mình kiểm tra, chữa đi chữa lại các văn kiện trình lên, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng dấu câu. Còn trong trí nhớ của ông Lý Văn Sáu, nguyên cố vấn và người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973, hình ảnh vị lãnh đạo ngoại giao gắn liền với bộ quần áo màu nâu, nghiện món cà pháo xứ Nghệ quê hương, quá đỗi giản dị và gần gũi. 
Ông Nguyễn Duy Trinh cũng để lại ấn tượng tốt đẹp với các cán bộ cấp dưới của mình bởi mọi phong thái, cử chỉ và hành động của ông đều toát lên sự mẫu mực của một nhân cách lớn. Nếu nhân viên có khuyết điểm, thiếu sót, ông chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “đừng nói như vậy”, “không nên làm như vậy”. Với những lỗi nặng, ông nghiêm giọng: “Dặn anh em nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, đó là ấn tượng của những người có cơ hội làm việc trực tiếp với ông. Các nhà lãnh đạo và hoạt động chính trị nước ta đánh giá rằng phẩm chất cách mạng của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh có thể tóm gọn trong mấy từ: khiêm tốn, giản dị, thương yêu đồng chí chân thành. 
Năm 2013, Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật biên soạn và cho ra mắt độc giả cuốn “Nguyễn Duy Trinh – Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao tài năng”. Cuốn sách gồm hai phần, phần một là hai tập hồi ký của Nguyễn Duy Trinh và phần hai là các bài viết của bạn bè, đồng chí về sự nghiệp ngoại giao của ông. Bởi những đức tính giản dị, sống chân thành, mẫu mực của ông mà khi đọc cuốn sách, người đọc không bị gò ép trong một tâm thế tiếp thu chính trị khô khan mà được gợi nhắc về lịch sử và những đóng góp to lớn của ông trong nền ngoại giao nước nhà một cách dễ gần, dễ hiểu. 
Là học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con đáng tự hào của xứ Nghệ, cái tên Nguyễn Duy Trinh vẫn thường được nhắc đến gắn liền với những hoạt động ngoại giao sôi nổi nhưng cũng đầy cam go và quyết liệt. 30 năm sau ngày mất của ông, nền ngoại giao nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu lớn, hình ảnh và vị thế của Việt Nam đã được khẳng định trong bức tranh toàn cảnh thế giới. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ đến ông với niềm tự hào và biết ơn sâu sắc dành cho người đã đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ ngoại giao của Việt Nam, làm tiền đề cho đất nước hội nhập. Tài năng và đức độ của ông là bài học lớn, là tấm gương để các thế hệ những người làm ngoại giao sau này noi theo. Xin được kết thúc những dòng hồi tưởng về ông bởi câu nói của Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan tại Hội thảo khoa học “đồng chí Nguyễn Duy Trinh và sự nghiệp ngoại giao” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 14/7/2010: “Nếu chúng ta học được những bài học ấy, cũng đáng làm người lắm rồi và xứng đáng là nhà ngoại giao lắm rồi”.
Phương Thảo