Mỗi nền kinh tế có một thể trạng khác nhau nên với cùng một khoản nợ, khả năng chống đỡ của mỗi quốc gia lại một khác. Khoản nợ này với "nhà giàu" là bình thường, nhưng với "nhà nghèo" lại là mối nguy hiểm lớn.
 
Đó là quan điểm của thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay.
 
images1067949_no_mlaj.jpgẢnh minh họa
 
Cách tính nợ công… “không giống ai”
 
Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của Việt Nam đang ở mức “suýt soát” 64% GDP trong khi Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam quy định nợ công không được vượt quá 65% GDP. Ông có quan điểm gì về điều này?
 
Ông Bùi Ngọc Sơn:Có nhà nợ vài tỷ thì bình thường nhưng có nhà nợ 5 – 10 triệu cũng là nguy hiểm rồi. Quan trọng là do tiềm lực từng nhà. Nếu so nợ công với GDP, Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không vấn đề gì. Trong khi đó, Argentina vỡ nợ khi nợ công mới ở mức 54% GDP.
 
Điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Argentina vỡ nợ vì tốc độ gia tăng nợ rất nhanh, không kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu vay nước ngoài ồ ạt, trong khi xuất khẩu lại rất kém.
 
Nước ngoài khi cho anh vay sẽ căn cứ vào khả năng tăng trưởng và năng lực xuất khẩu. Nếu tăng trưởng chậm, xuất khẩu có vấn đề thì lập tức ngã gục ngay vì không còn ai muốn đưa tiền vào đất nước đó cả. Đó là thảm họa đã xảy ra ở Argentina.
 
Còn tại Việt Nam, thưa ông?
 
Nhiều chỉ số tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn ở mức tạm được, khoảng 5,4%. Xuất khẩu có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt nên người ta vẫn cho vay. Tuy vậy, nếu cứ trong trạng thái này thì chúng ta làm được bao nhiêu trả nợ bấy nhiêu, lúc nào cũng ở trong trạng thái nếu có vấn đề gì, người ta ngừng cho vay là rất khó khăn.
 
Nợ công 64% GDP theo báo cáo đã thể hiện hết thực tế?
 
Điều nguy hiểm là cách tính nợ công của Việt Nam khác thế giới rất nhiều. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, chứ chưa hề nói tới nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích mà nhà nước phải chịu trách nhiệm, bảo hiểm xã hội. Tức là nếu có trục trặc khó khăn gì đó ở các khu vực trên thì nhà nước phải bỏ ngân sách ra trả. Nhưng trong định nghĩa nợ công không có các khoản đó nên không chuẩn bị tiềm lực để giải quyết vấn đề xấu xảy ra.
 
Như vậy rất lộn xộn, mà trách nhiệm đó không đẩy vào ai được. Nói cách khác, chúng ta chỉ công nhận từ nợ công của thế giới chứ không công nhận tiêu chuẩn nợ công của thế giới.
 
Nên có sự khác biệt là trong năm ngoái, chúng ta báo cáo nợ công chiếm 54% GDP, thì có nguồn tính ra lên tới 106% GDP. Còn năm nay, con số đó có thể cao hơn nhiều. Con số 64% chỉ phản ánh một nửa thực tế.
 
Vậy theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ công của Việt Nam đang ở mức nào, theo ông?
 
Xét vì thực chất, nợ công của chúng ta đang ở mức thiếu an toàn nếu theo tiêu chuẩn của quốc tế từ lâu rồi.
 
Sử dụng ngân sách cũng… không giống ai
 
Điều gì đã đẩy nợ công lên tới mức thiếu an toàn như ông nói?
 
Nợ công của Việt Nam không thể giảm vì chính sách chi tiêu của Chính phủ cũng không giống thế giới. Chi tiêu thường xuyên của chúng ta như Quốc hội nói năm ngoái là 72% ngân sách, có nghĩa là sang năm phải dành tới 32% ngân sách để trả nợ, còn lại 68% dành cho chi tiêu và phát triển. Thậm chí chi tiêu cũng không đủ thì còn gì để dành cho phát triển.
 
Rơi vào tình trạng này là do ngân sách được chi cho nhiều khu vực mà đáng ra phải là nơi kiếm tiền về cho ngân sách, ví như điện ảnh, thể thao, doanh nghiệp nhà nước… Ở các nước khác, đó là những nơi kiếm tiền ra rất nhiều và đóng thuế vào cho ngân sách chứ không phải được lấy tiền ngân sách mà sống như Việt Nam.
 
Chi ngân sách thường xuyên hiện đang quá khổng lồ, phình to, trong khi mỗi bộ ngành lại xin mở rộng bộ máy.
 
Ở các nước khác không dùng ngân sách để xây sân bay, cảng biển nhưng chúng ta dùng ngân sách vào việc này nên các tỉnh đua nhau xin ngân sách xây cảng biển, xây sân bay, khu công nghiệp. Chưa hết, mỗi bộ ngành chúng ta lại có trường đại học, bệnh viện riêng trong khi đáng ra bệnh viện thuộc về y tế và do doanh nghiệp kinh doanh, đóng thuế.
 
Theo tôi, đó là những việc của doanh nghiệp nên nhà nước chỉ cấp phép cho làm và quản lý còn doanh nghiệp tự tính kinh doanh sao cho có lãi.
 
Chúng ta nhìn thấy bài học vay tiền, đầu tư bừa bãi của Hy Lạp. Nước này mỗi năm chi tới 300 triệu euro cho các đài truyền hình. Vì thế chính phủ cải cách, cắt giảm khoản đầu tư thì lập tức bị phản đối, chống lại cho tới khi vỡ nợ hoàn toàn.
 
Vay nợ mới trả nợ cũ
 
Theo ông, bản chất nợ công của Việt Nam hiện nay là gì?
 
Nợ nước ngoài là chính, khả năng trả nợ lại đang kém dần, chi trả thường xuyên càng ngày càng phình to, các khoản nợ trước đây đã đã tới thời hạn bắt đầu phải trả lãi, gốc bắt đầu dồn lại, tăng lên. Nói một cách hình ảnh là bệnh có khuynh hướng gia tăng trong khi sức chống đỡ ngày càng yếu dần.
 
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các khoản vay nước ngoài?
 
Hiệu quả của các khoản vay còn kém. Chúng ta dành 750 triệu đô la cho các doanh nghiệp nhà nước như Vinashine thì như bay lên trời. Kinh tế bắt đầu suy yếu mà không có cách nào kích thích cho các doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng hiệu quả thì nợ nần lại chồng chất lên.
 
Một quốc gia sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì khi kịch bản vỡ nợ xảy ra?
 
Khi vòng luẩn quẩn nợ nần càng lớn thì nền kinh tế càng nguy hiểm. Giả dụ với Việt Nam, sang năm, nợ lên mức lớn mà không trả được thì Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu mới để vay nợ mới. Lúc đó Việt Nam trong trạng thái vay nợ mới để trả nợ cũ, không phải vay đầu tư mà để trả nợ.
 
Thêm vào đó, nếu tình hình nợ công tiếp tục tăng thì nền kinh tế sẽ bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đánh giá tín nhiệm các quốc gia. Lúc đó, khoản vay mới sẽ có lãi suất rất cao và đống nợ lại càng tăng lên nhanh chóng.
 
Lúc bấy giờ quốc gia đó sẽ khó có quyền tự chủ nếu nhà đầu tư nước ngoài ép phải thay đổi. Ví như, họ có thể ép phải bỏ doanh nghiệp nhà nước hay các khoản chi vô lý khác từ ngân sách mới đầu tư tiền tiếp. Khi đó, những thành phần bị mất quyền lợi từ ngân sách sẽ nổi lên chống lại, gây ra hỗn loạn.
 
Tại Việt Nam, nhìn ngắn hạn thì chưa vấn đề gì nhưng nếu tiếp tục như thế này thì tầm trung hạn chừng 4, 5 năm nữa sẽ có vấn đề, có thể sẽ gặp rắc rối khi gặp sự cố nào đó. Nếu tới giai đoạn vay lần sau để trả nợ lần trước thì rất nguy hiểm, rủi ro cao, chỉ cần bất ổn nhỏ, người ta không cho vay nữa thì vỡ nợ.
 
Khu vực tư nhân giúp vực được nợ công
 
Có quốc gia nào từng rơi vào tình trạng nợ công tương tự và đã thoát khỏi khủng hoảng?
 
Những nước nào làm ăn tốt từ đầu thì đã không rơi vào tình trạng như thế. Còn nước nào vào thế này rồi thì thậm chí còn Châu Âu cũng nợ rất nhiều. Chỉ một số nước như Italia, Pháp có chính sách tiền tệ thì mới tạm thoát được khó khăn.
 
Liệu khu vực kinh tế tư nhân phát triển có giúp thay đổi được cục diện?
 
Chắc chắn là khu vực tư nhân sẽ là động lực phát triển kinh tế. Tất cả các nước đều như thế. Doanh nghiệp nhà nước chỉ là đệm và chất xúc tác giúp tư nhân làm giàu. Nhà nước chỉ nhảy ra làm khi khu vực tư nhân núng thế, kinh tế trì truệ thì mới đỡ nó lên, khi tư nhân khỏe rồi sẽ rút về.
 
Nước Mỹ đã làm được như thế. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như năm 2008, 2009, nhà nước Mỹ chấp nhận vay nợ, kích thích nền kinh tế. Khi kinh tế mạnh lên thì nhà nước lại thu về nên giờ nợ của Mỹ được giảm rất mạnh và cân bằng được tài chính.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo khampha.vn