Dự kiến tới năm 2020, khoảng 100 MHz băng thông thuộc băng tần 700 MHz sẽ được giải phóng sau khi Việt Nam hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình. Lượng băng tần này sẽ được cấp phát cho lĩnh vực băng rộng di động. Đây là một trong những thông tin được đề cập trong Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện của Cục Tần số VTĐ diễn ra sáng 18/3/2015. 
 
Băng tần 700 MHz (cụ thể là từ 694-790 MHz) trước đây được sử dụng trong lĩnh vực truyền hình, để phát các kênh truyền hình analog. Với truyền hình analog thông thường, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình, còn nếu dùng truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T2, một kênh tần số có thể phát được tới 20 chương trình. Chính vì vậy, khi thực hiện lộ trình số hóa, lượng phổ tần này được giải phóng. 
 
images1484983_1.jpg700 MHz được coi là một trong những băng tần vàng bởi độ rộng vùng phủ sóng rộng gấp 3 lần so với băng 2.100 MHz, giúp giảm thiểu số lượng trạm thu phát sóng phải đầu tư.
700 MHz được coi là một trong những băng tần “vàng” bởi vừa cho tốc độ truyền dẫn cao vừa cho vùng phủ sóng rộng. Cả lĩnh vực truyền hình và di động đều rất mong muốn được sở hữu lượng băng tần này. Trên thế giới, nhất là ở các quốc gia có ngành truyền hình phát triển, cả lĩnh vực truyền hình và viễn thông đều rất tích cực vận động hành lang để dành quyền sử dụng băng tần này.
 
Chủ trương dành băng tần 700 MHz cho lĩnh vực di động ngay khi hoàn thành lộ trình số hóa đã được Bộ TT&TT đề cập tới từ đầu năm 2015, khi mới bắt tay vào thực hiện số hóa truyền hình. 
 
Như vậy, nhìn chung hiện vấn đề tài nguyên tần số với các nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước đang tương đối thuận lợi. Ngoài băng tần 2.600 MHz theo giấy phép thì Bộ cũng đã cho phép các doanh nghiệp có thể triển khai trên băng tần 1.800 MHz. Việc cấp thêm băng tần 700 MHz cho các nhà mạng sẽ là tiền đề vững chắc về tài nguyên tần số cho các nhà mạng triển khai 4G thành công. Năm 2025, có thể một trong hai mạng 2G, 3G cũng sẽ ngừng hoạt động để giải phóng băng tần cho 4G, 5G.
 
Theo XHTT