Lượng khách tương đương giai đoạn "tất niên" song nhiều nhà hàng lớn cho biết vẫn giữ giá. Tình trạng tăng giá vẫn diễn ra ở các quán bình dân với lý do thiếu nhân công, thực phẩm đắt... 

Theo khảo sát của VnExpress, trong những ngày đầu các cơ quan, công sở làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết, lượng khách đến các cửa hàng, quán ăn tăng khoảng 2-3 lần so với thông thường. 

Nhiều nhà hàng trên phố Giảng Võ (Ba Đình), Trung Hòa, Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), khoảng 9h30 đã được khách đặt hết bàn vào buổi trưa. Anh Tiến, quản lý một nhà hàng cho biết, sau khi số lượng bàn tại đây đã có người gọi đặt hết từ giữa buổi sáng thì vẫn còn rất nhiều khách gọi đến. 

"Thật đáng tiếc vì chúng tôi không thể có đủ bàn để nhận hết lượng khách có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu có đủ chỗ ngồi thì cũng không đáp ứng được về khả năng phục vụ vì lượng nhân viên có hạn", anh Tiến cho hay. Cũng theo anh, lượng khách đến nhà hàng trong ngày đầu mở cửa trở lại tăng khoảng 3 lần so với thông thường. 

Nhiều nhà hàng, quán ăn từ 9h30 sáng nay đã được khách hàng đặt hết bàn vào buổi trưa. Ảnh: NT

Chị Huyền, quản lý một nhà hàng trên phố Trung Hòa cũng cho biết hôm nay là ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Do đó, tuy không áp dụng chương trình khuyến mại gì đặc biệt nhưng buổi trưa 15/2, cửa hàng gần 60 bàn cũng kín chỗ ngồi.

"Không chỉ kín bàn đặt mà mỗi nhóm khách hàng đến cũng thường đông hơn ngày thường nên chỗ ngồi cũng phải cơi nới thêm", chị Huyền cho hay.  

Về giá cả sau kỳ nghỉ, các nhà hàng lớn đa số không tăng. "Chúng tôi có phương án để đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định các dịp trong năm, đồng thời phía đối tác nếu giá bất kỳ mặt hàng nào tăng phải báo trước ít nhất một tháng. Do đó, chúng tôi không thể tăng giá bừa bãi để mất uy tín với khách", chị Huyền cho hay. 

Trong khi đó, ở một số quán xá vỉa hè, mức giá các mặt hàng lại tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với ngày thường. Anh Duy, chủ cửa hàng phở tại Thanh Xuân cho biết, mấy ngày trước, mỗi bát phở anh bán giá 70.000 đồng, gấp đôi ngày thường do các chi phí nguyên liệu và nhân công đều tăng lên. Tuy nhiên, giá bán đến nay cũng giảm xuống còn 50.000 đồng, cao hơn bình thường khoảng 10.000-15.000 đồng.  

"Sau Tết, các đầu mối cung cấp hàng đều thông báo nguồn cung giảm do tâm lý 'ăn chơi' kéo dài. Hơn nữa, nhân công tôi phải thuê theo giờ vì người làm về quê nghỉ Tết chưa ra nên các chi phí đội lên cao", anh Duy nói. Anh cũng cho biết, tuy tăng giá những lượng khách đến cửa hàng cũng gấp khoảng 1,5 lần so với ngày thường vì nhiều hàng quán chưa mở cửa trở lại. 

Liên quan đến các mặt hàng thực phẩm sau Tết, tại một số chợ, mức giá nhiều mặt hàng tươi sống đã giảm đáng kể so với vài ngày trước do nguồn cung phong phú hơn. 

Cụ thể, trong ngày 15/2 (tức mùng 8 Tết), giá các mặt hàng đã giảm bằng một nửa so với 3-4 ngày trước. Cụ thể, rau cần 15.000-18.000 đồng một mớ, rau muống 25.000 đồng một mớ, su hào 10.000-12.000 đồng mỗi củ, cà chua 40.000 đồng một kg, rau cải 20.000 đồng một mớ... Riêng mặt hàng rau muống giá vẫn rất đắt, vào khoảng 25.000-30.000 đồng một mớ do thời tiết nhiều sương muối nên khan hiếm hàng. 

Theo các tiểu thương, giá các mặt hàng giảm nhẹ so với mấy ngày trước do nguồn cung dồi dào hơn. "Mấy ngày sau Tết, ra chợ đầu mối phải tranh cướp mới lấy được hàng về bán. Hàng có xấu cũng phải lấy. Tuy nhiên, hai ngày nay, hàng nhiều hơn nên các tiểu thương chợ đầu mối cũng không dám đẩy giá quá cao", bà Bích, bán rau chợ Mỹ Đình cho hay. 

Các mặt hàng thủy, hải sản cũng giảm giá từ 20.000 đến 30.000 đồng. Trong đó, cá chép từ 90.000-100.000 đồng, tôm 250.000-300.000 đồng một kg tùy kích cỡ... Trong khi đó, các mặt hàng như thịt bò giá cũng giảm 30.000 đồng còn 280.000 đến 300.000 đồng mỗi kg. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN