(Baonghean) - Sáng 1/3, nhà du hành vũ trụ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Scott Kelly cùng 2 người bạn đồng hành mang quốc tịch Nga Mikhail Kornienko và Sergey Volkov đã đặt chân xuống Trái Đất tại khu vực sa mạc ở Kazakhstan, kết thúc tốt đẹp chuyến đi dài gần 1 năm của một người Mỹ yêu thích khám phá những điều bí ẩn của vũ trụ, đưa Kelly trở thành nhà du hành của xứ sở cờ hoa có thời gian lưu lại ngoài không gian lâu nhất cho đến nay.  

Cuộc sống bên ngoài Trái Đất trong vòng 340 ngày là trải nghiệm “có một không hai” mà không phải ai cũng có cơ hội thử một lần trong đời, dù đi kèm với đó là những sự đánh đổi và mạo hiểm đáng kể về sức khỏe, các mối quan hệ xã hội,… 

Scott Kelly - phi hành gia giữ kỷ lục có thời gian sống ngoài không gian lâu nhất của nước Mỹ. Ảnh: NASA.

Trước khi Kelly trở về, không ít người lo ngại thời gian sinh sống lâu trong môi trường ngoài Trái Đất có thể ảnh hưởng nhiều đến thị giác và hệ xương của ông, tuy nhiên ông đã “trấn an” những người quan tâm rằng thể chất của bản thân vẫn rất ổn định. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn ngắn với ký giả từ quỹ đạo bay ngoài Trái Đất hồi tuần trước, vị phi hành gia 52 tuổi này vẫn hóm hỉnh: “Tôi có thể sống ngoài không gian thêm 100 ngày hoặc 100 năm nữa”.

Bên cạnh đó, về mặt tinh thần, những người tiên phong thử nghiệm cuộc sống mới mẻ trong môi trường không trọng lực cũng phải trải qua những giờ phút cô đơn, thiếu thốn tình cảm của người thân. Đối với những người như Kelly, điều khó khăn nhất là phải sống cách xa những người thân yêu của mình ở Trái Đất, không được gặp gỡ đã đành, song lại thêm hạn chế về liên lạc, trao đổi do những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Khó khăn và vất vả là vậy, song với một người yêu thích vũ trụ như Scott Kelly, sự đánh đổi nào cũng hoàn toàn xứng đáng, nhất là vào thời khắc ông được tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đẹp tới mức nghẹt thở về Trái Đất thân yêu trong hành trình hoàn tất sứ mệnh được giao.

Ông hạnh phúc khi được “tận hưởng” những góc nhìn độc đáo về hiện tượng cực quang xảy ra trên Trái Đất, cảnh tượng nhìn từ trên cao khi bay qua bầu trời Bahamas và theo dõi những trận bão lớn như cơn bão Patricia. Nhờ những ngày tháng di chuyển quanh quỹ đạo, ông có dịp quan sát, đánh giá về khí hậu của Trái Đất. Tự nhận mình mang dáng dấp một nhà môi trường học thực thụ sau khi lên “đóng quân” tại Trạm Không gian quốc tế, ông chia sẻ mối quan ngại với mọi người: “Có nhiều khu vực của Trái Đất bị ô nhiễm, thời tiết trở nên khó dự báo, bão lốc xảy ra với cường độ mạnh hơn trước rất nhiều. Đây đều là do con người tác động, hoàn toàn không phải hiện tượng thiên nhiên”.

 Chuyến đi vừa qua của Kelly sẽ giúp ích cho NASA thực hiện ý tưởng đưa người lên Sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: NASA.

Nhà du hành vũ trụ ôm nhiều trăn trở về vấn đề môi trường cũng từng đưa ra nhận định với hãng tin CNN trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu rằng bầu khí quyển của Trái Đất “trông có vẻ hết sức mong manh” khi nhìn từ trạm quan sát không gian. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan nhân loại còn nhiều cơ hội để giải quyết các vấn đề về môi trường của Trái Đất, miễn là “chúng ta dám mơ về điều đó”.

Một trong những hy vọng lớn lao nhất của Scott Kelly đối với di sản nhiệm vụ “Một năm ở không gian” của ông là nó sẽ giúp ích cho NASA trong việc chinh phục thử thách đưa phi hành gia đi xa Trái Đất hơn nữa - điều kiện cần để đưa con người du hành tới Sao Hỏa trong tương lai. Trạm không gian là một điểm đến kỳ diệu, là một nơi không thể tuyệt vời hơn để nghiên cứu khoa học vũ trụ, và Kelly hy vọng kế tiếp ông, sẽ có thêm nhiều người nữa được trải nghiệm cơ hội quý báu tương tự trong tương lai. 

Trong những ngày qua, tuy ở khoảng cách không hề gần với Trái Đất, nhưng Scott Kelly vẫn dành nhiều thời gian nhất có thể để trò chuyện với mọi người ở quê nhà, thông qua việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội. Ông đã chia sẻ rất nhiều bức ảnh do chính bản thân ghi lại ở độ cao lên tới 320 km so với mặt đất, và đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Ông cũng duy trì thói quen ghi chép nhật ký hành trình cá nhân về những trải nghiệm của mình trên trạm không gian và dự định chia sẻ toàn bộ với những người quan tâm. 

Cùng với những người bạn đồng nghiệp gắn bó, Kelly đã tiến hành vô số thí nghiệm và nghiên cứu trên trạm không gian. Ông và phi hành gia xứ sở bạch dương Mikhail Kornienko đã có nhiều nghiên cứu hỗ trợ NASA hiểu rõ hơn về những điều xảy ra với cơ thể con người ở trong không gian: mắt, não bộ, xương, cơ,… tất cả đều ít nhiều biến đổi trong môi trường không trọng lực.

Đây chính là điều NASA luôn khát khao khám phá để có thêm sự chuẩn bị sẵn sàng cho những hành trình xa hơn, mong muốn một ngày nào đó sẽ biến ý tưởng đưa con người tới sao Hỏa hoặc những hành tinh khác trở thành hiện thực trong tương lai gần. 

Cuộc sống trên Trạm Không gian quốc tế có nhiều điểm khác biệt lớn với cuộc sống bình thường trên Trái Đất. Quỹ đạo xoay quanh Trái Đất của Trạm Không gian kéo dài 90 phút, đồng nghĩa với việc các phi hành gia sẽ quan sát 16 lần Mặt trời mọc và lặn mỗi ngày.

Thói quen sinh hoạt, sở thích hàng ngày,… tất cả sẽ bị “đảo lộn” khá nhiều và cần được sắp xếp lại đối với những người vừa hoàn thành chuyến đi đặc biệt như Kelly. Do đó, trong thời gian tới, việc mà Scott Kelly cần làm là điều chỉnh để thích nghi với những điều bình dị nhất của đời sống thường nhật, ngay cả những thói quen hết sức bình thường như uống cà phê, ăn, ngủ, đi bộ, làm vườn hay ngắm sao cũng sẽ choán một khoảng thời gian điều tiết nhất định của nhà phi hành nổi tiếng này. Và sau đó, dù hành trình 1 năm dài đã khép lại, song sứ mệnh đặt lên đôi vai Kelly vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Trong vài năm tới, ông sẽ tiếp tục cùng NASA tiến hành phân tích cụ thể các cuộc thử nghiệm mà vị phi hành gia này đã tiến hành trong 340 ngày đáng nhớ vừa qua./.

Phú Bình

(Theo CNN, NASA)

TIN LIÊN QUAN