(Baonghean) - Di tích lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu thuộc khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn (xưa là thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn). Đây là nơi tưởng niệm và tri ân nhà chí sỹ yêu nước, bậc tiền bối cách mạng Phan Bội Châu.

Với diện tích hơn 5.000m2, di tích lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu gồm 2 khu vực chính: khu lưu niệm gồm ngôi nhà tranh và mảnh vườn của gia đình cụ Phan Bội Châu, khu tưởng niệm gồm nhà trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan và các công trình phụ trợ.

Ngôi nhà lá hiện nay là nơi rất nhiều học sinh, du khách đến tham quan học tập. Ảnh: đ.t
Ngôi nhà lá hiện nay là nơi rất nhiều học sinh, du khách đến tham quan học tập. Ảnh: đ.t

Tại khu lưu niệm, quan trọng nhất là ngôi nhà tranh của gia đình cụ Phan. Ngôi nhà này được làm theo kiểu nhà truyền thống của người Việt ở thế kỷ XIX gồm 2 phần: nhà trên và nhà dưới. Nhà trên dành cho việc thờ cúng tổ tiên, dạy học, đọc sách, tiếp khách, nghỉ ngơi của ông bà, cha mẹ và những người đàn ông trong gia đình. Nhà dưới dùng cho việc bếp núc, sinh hoạt của những người phụ nữ và con cái trong nhà. Điều đáng trân trọng nhất là toàn bộ ngôi nhà của gia đình cụ đều do học trò của cụ Phan Văn Phổ (thân sinh cụ Phan Bội Châu) dựng lên để tặng thầy nhân ngày cưới. Ông Phan Văn Phổ là một thầy đồ nghèo lấy nghề dạy học để kiếm sống. Ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Nhàn và ở rể tại đây. Mảnh đất Sa Nam này là nơi chào đời và gắn liền với tuổi thơ ấu của Phan Bội Châu. Năm Phan Bội Châu lên 3 tuổi thì gia đình phải chuyển về quê nội ở làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa (cách di tích hiện nay theo đường đê tả Lam khoảng 2 km về phía Đông Nam). Bởi gia đình ông Phổ đã 3 đời độc đinh, ông Phổ là con thừa tự nên phải về quê để hương khói thờ phụng tổ tiên. Mặt khác, một lý do tế nhị nữa là nơi đây xưa kia vốn gần chợ Sa Nam buôn bán trâu, bò mà gia đình lại hiếm muộn con nên sợ môi trường buôn bán sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái.

Nhà cụ Phan vốn ở ngoài đê “trước Lam Thủy, sau Hùng Sơn” cảnh sắc nên thơ nhưng hàng năm thường bị lụt lội, có những năm nước lụt tràn đê. Theo năm tháng, bà con trong xóm dần dần chuyển vào sinh sống trong đê, chỉ còn ngôi nhà của gia đình cụ Phan trơ trọi ngoài bãi. Năm 1990, Sở VHTT Nghệ An cùng UBND huyện Nam Đàn chuyển ngôi nhà của gia đình cụ Phan từ quê nội về quê ngoại tại vị trí hiện nay.

Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gợi nhớ đến cụ Phan Bội Châu như bộ tràng kỷ, án thư, phản gỗ, giá sách… Đây là những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với thầy Phan và những năm tháng vừa dạy học vừa dùi mài kinh sử ở quê nhà. 

Đặc biệt, ở gian giữa của ngôi nhà trên là nơi đã tiếp những người bạn tâm giao của cụ Phan đến đàm đạo thơ văn và luận bàn việc nước. Những người bạn đó được nhân dân Nam Đàn xưng tụng là “Nam Đàn tứ hổ” với câu ca bất hủ:

“Uyên bác bất như San 

Thông minh bất như Sắc

Tài hoa bất như Quý

Cường ký bất như Lương”.

Nghĩa là học rộng không ai bằng Phan Văn San, thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc, tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý và nhớ giỏi không ai bằng Trần Văn Lương. Tình bạn của họ thủy chung như nhất cho đến cuối đời. Mỗi lần cụ Sắc lên nhà cụ Phan chơi thì cậu Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường theo cha, đứng cạnh tràng kỷ nghe các bậc cha chú luận bàn việc nước. Vì thế ngay từ nhỏ, Hồ Chủ tịch của chúng ta đã hiểu nỗi nhục mất nước, căm thù giặc và có chí quyết tâm lớn lên tìm đường cứu nước.    

Điểm nhấn quan trọng của khu này là nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan. Ngôi nhà này được xây dựng năm 1997 từ nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản. Hiện nay, nhà trưng bày có tổng số gần 150 tài liệu, hiện vật, bao gồm: tranh, ảnh, sách, báo (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Trung), các vật dụng sinh hoạt, các hiện vật khảo cổ học,… Đây là những tài liệu, hiện vật quý có giá trị về mặt nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của cụ Phan. Các mảng trưng bày ở đây được chia làm 3 nội dung chính: thứ nhất là quê hương, gia đình, bạn bè và tuổi trẻ của cụ Phan; thứ hai là sự nghiệp cứu nước của cụ Phan; thứ 3 là hậu thế tri ân cụ Phan. 

 Trải qua nhiều thời kỳ, di tích đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành để từng bước quy hoạch, đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích. Đến năm 2012, quy hoạch được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, thời điểm đó do kinh phí hạn chế, công tác dự báo quy hoạch chưa cao dẫn tới việc quy hoạch và xây dựng khu di tích chưa được đồng bộ. Qua quá trình quản lý và tổ chức hoạt động của khu di tích đã cho thấy nhiều điểm chưa hợp lý như:  

Hướng của ngôi nhà tranh không đúng với hướng nhà của Cụ. Điều này đã được nhiều người cao tuổi sống tại địa phương và cả con cháu của cụ Phan Bội Châu xác nhận. Hơn nữa, hiện nay, tuyến đường ven sông Lam đã được mở rộng, thoáng đãng, là con đường du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh nhà. Tuy nhiên, hướng chính và lối vào của khu di tích lại từ đường nội bộ nhỏ, đang bị xuống cấp khiến cho việc lưu thông khó khăn, đồng thời không thuận với quy hoạch chung của khu vực. 

Trải qua năm tháng, do những tác động của thiên nhiên, con người, nhà trưng bày đã bị xuống cấp, thể hiện rõ sự bất cập cả về nội dung và hình thức trưng bày. Hầu hết các phương tiện trưng bày đã bị hư hỏng, lỗi thời; nhiều hiện vật, tài liệu trưng bày đã và đang ở trong tình trạng bị rấm mốc, hoen ố, hư hại; một số số liệu thống kê, bản đồ di tích - danh thắng không còn phù hợp với thực tiễn… Đặc biệt, về cơ bản, do giải pháp và hình thức trưng bày tại đây đã được hình thành từ gần 20 năm trước nên đến nay đã quá lạc hậu, kém hấp dẫn, không tương xứng với nguyện vọng tri ân và tôn vinh vị anh hùng Phan Bội Châu.

Một vấn đề quan trọng nữa là mặc dù đây là khu di tích lưu niệm danh nhân nhưng hiện vẫn chưa có nhà tưởng niệm cụ Phan làm nơi cho du khách dâng hương tri ân Cụ.  

Bên cạnh đó, một số hạng mục công trình bố trí chưa hợp lý như: Nhà tiếp khách bố trí chính giữa khu di tích lấn át cả di tích gốc,  khuôn viên cảnh quan, cây xanh chưa hợp lý, chưa có bia dẫn tích, nhà thiêu hương... 

Chính vì vậy, việc quy hoạch lại và lập dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Phan Bội Châu là rất cần thiết, góp phần xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất cho khu di tích xứng đáng với công lao to lớn và thể hiện tấm lòng thành kính tri ân của hậu thế với nhà chí sỹ yêu nước, nhà cách mạng tiền bối đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Sau khi dự án tu bổ, tôn tạo hoàn thiện còn góp phần đưa Di tích Phan Bội Châu trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. 

TRẦN THỊ MỸ HẠNH

TIN LIÊN QUAN