Tấm ảnh một phóng viên ảnh người Syria quỳ khóc nức nở bên cạnh thi thể một nạn nhân trẻ em đang làm lay động cư dân mạng.

images1878075__nh__b_o_qu__kh_c_n_c_n__b_n_x_c_em_b__ch_t_v__bom__58f483b3500ed.jpgHình ảnh Habak bồng bé trai chay về xe cứu thương và cảnh anh khóc vì bất lực sau đó đang trở thành hiện tượng trên mạng. Ảnh: Twitter

Abd Alkader Habak là một phóng viên ảnh tự do. Nhìn dáng vẻ bặm trợn của anh, không ai có thể tin anh là người yếu đuối được.

Hơn thế, Habak là phóng viên ảnh của các sự kiện nóng nên đã quá quen với cảnh bom đạn, bạo lực vốn triền miên nhiều năm qua ở đất nước anh. 

Nhưng lần này anh cảm thấy mình như bất lực trước sự tàn ác đỉnh điểm. Anh như mất hết sức lực của người đàn ông vững chãi, quì phệt xuống bãi cỏ.

Anh đã khóc, khóc rất nhiều, người run bần bật như tất cả những uất ức dồn nén trong bao năm tháng hoạt động nghiệp vụ đã chứng kiến những cảnh bạo lực giờ được giải tỏa ra.

Habak đã đi tháp tùng với đoàn xe chở thường dân Syria được di tản gần thành phố Aleppo.

Vì thế anh có mặt đúng tại hiện trường của vụ đánh bom cảm tử nhằm vào đoàn xe.

Phần lớn những người thiệt mạng là dân của hai làng al-Foua và Kafraya thuộc tỉnh Idlib, ngoài ra còn một số tay súng bảo vệ đoàn xe này.

Vụ tấn công hôm 15/4 đã làm thiệt mạng ít nhất 126 người, trong đó có ít nhất 80 trẻ em.

Không chỉ tác nghiệp tại hiện trường, Habak còn làm thêm việc cứu giúp những đứa trẻ khỏi khu vực còn bùng bùng khói lửa do bom nổ gây ra.

Các đồng nghiệp đã ghi lại hình ảnh anh bồng đứa trẻ trên hai tay chạy đi; chiếc máy ảnh lủng lẳng trên cánh tay phải.

Habak quỳ khóc nức nở trong nỗi căm giận và sự bất lực. Ảnh: Twitter

Trong tấm ảnh anh quỳ khóc vì giận dữ và tuyệt vọng, người ta thấy bên cạnh có thi thể một trẻ em là nạn nhân vụ đánh bom và hậu trường là những chiếc xe còn bốc cháy ngùn ngụt.

"Đây là đồng nghiệp Abd Alkader Habak đang khóc vì bất lực và vì đau đớn trước những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố", đồng nghiệp chụp tấm ảnh đưa lên kèm theo dòng tweet như thế. 

Tấm ảnh đã nhanh chóng lan đi trên mạng xã hội rồi đến với báo chí chính thống.  

Abd Alkader Habak kể lại với đài Chanel 4 News: “Các ngôn từ không thể mô tả được những gì đã xảy ra. Tôi đứng bên cạnh chiếc xe chở thực phẩm cho trẻ em thế rồi chỉ cách đó vài mét có tiếng nổ đinh tai”.

Cỡ người đàn ông cao lớn như Habak cũng còn bị hất văng ngã ngửa do sức nổ.

Theo bản năng, anh bật dậy tìm lại máy để tác nghiệp.

Anh ghi hình cảnh tượng diễn ra trước mắt mình. Rồi thì anh thấy một bé trai đang cần được giúp đỡ. Anh quyết định ngưng tác nghiệp để làm việc cần làm.  

"Tôi nhìn thấy cậu bé còn thở. Tôi bồng nó lên tay và cắm đầu chạy về phía xe cứu thương. Thực sự tôi không biết cậu bé có sống nổi không, nhưng tôi chỉ đã làm được những gì mình có thể làm. Tôi chỉ biết cậu bé đã được chở đi bệnh viện", Habak nhớ lại.  

Habak đã ngưng hoạt động nghiệp vụ để cứu lấy đứa bé. Ảnh: Twitter

Trên mạng xã hội, nhiều người gọi Habak là một anh hùng, một nhà báo có nhân tính.

Nhưng anh và các đồng nghiệp vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: Ai là thủ phạm của vụ tấn công khủng bố nhắm vào thường dân?

Vụ tấn công nhằm vào đoàn xe buýt chở người Hồi giáo dòng Shiite đang chờ để vượt qua khu vực của quân nổi dậy kiểm soát tới khu vực do quân đội chính phủ quản lý theo thỏa thuận sơ tán đã được các bên tham chiến ký kết. 

Hiện thỏa thuận sơ tán dân thường ở các thị trấn xung quanh Aleppo đang bị đình chỉ.

Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ, có khoảng 3.700 dân thường đang mắc kẹt tại Rashidin trong khi khoảng 2.200 người khác sơ tán từ thị trấn Madaya và Zabadani cũng bị mắc kẹt tại một điểm trung chuyển khác.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN