(Baonghean) - Những năm gần đây, kinh tế thủy sản vươn lên là một mũi nhọn của ngành Nông nghiệp trong việc tạo ra nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành Thủy sản nói chung và ngành Nuôi trồng thủy sản nói riêng cũng đang đối đầu với những thách thức lớn vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia đơn lẻ. Đó là sự suy thoái về môi trường, dịch bệnh thủy sản phát sinh ngày càng nhiều, những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm và cuộc sống của người dân nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn và rủi ro. Để giải quyết những thách thức này, cần thiết phải phát triển thủy sản bền vững theo hướng VietGap và để phát triển thủy sản bền vững thì phải thực hiện tốt nguyên tắc "4A", đó là: An toàn vệ sinh thực phẩm; An toàn môi truờng; An sinh xã hội và An toàn dịch bệnh.

* Đối với an toàn dịch bệnh: Phải lập kế hoạch quản lý sức khoẻ động vật thủy sản từ khi bắt đầu chọn con giống (phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), chọn thức ăn (phải đảm bảo tiêu chuẩn về độ đạm), theo dõi tỷ lệ sống cho đến phòng và điều trị bệnh. Người nuôi phải nhận diện được các mối nguy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ động vật thủy sản như các tác động từ những yếu tố môi trường, các tác nhân gây ra bệnh để có biện pháp phòng và điều trị một số bệnh cho thủy sản kịp thời.

* Đối với an toàn môi trường: Phải bảo vệ được môi trường trong phạm vi hoạt động nuôi trồng thủy sản, tức là phải đánh giá được tác động do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra, phải quản lý được việc sử dụng nước và thải nước sau khi nuôi và kiểm soát được địch hại gắn liền với bảo vệ động vật hoang dã để từ đó nhận diện được các mối nguy ảnh hưởng trực tiếp đến ao nuôi thủy sản và có biện pháp kiểm soát không để dịch bệnh xảy ra.

* Đối với an toàn vệ sinh thực phẩm: Người nuôi phải giám sát được từ khâu nuôi trồng đến chế biến thành thực phẩm tiêu thụ có những mối nguy nào gây mất an toàn và các tác nhân nào gây mất an toàn như: tác nhân vật lý, tác nhân hoá học hay tác nhân sinh học có khả năng gây hại cho sức khoẻ người sử dụng, từ đó có biện pháp kiểm soát những mối nguy gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.

* Đối với an sinh xã hội: Để nuôi thủy sản bền vững theo hướng VietGap được ổn định thì vấn đề an sinh xã hội phải được quan tâm đúng mức, như: Chủ cơ sở sản xuất phải tạo điều kiện làm việc cho người lao động hợp lý theo mức độ nặng nhẹ, từng độ tuổi lao động, khi làm việc phải có hợp đồng lao động và chế độ tiền lương theo đúng quy định của nhà nước, phải thường xuyên liên lạc với công nhân bằng các kênh liên lạc như họp định kỳ, gặp trực tiếp... để hiểu được tâm tư nguyện vọng của công nhân và có biện pháp đáp ứng yêu cầu kịp thời và hợp lý.


Vũ Xuân Nam (Trạm Khuyến nông TP. Vinh)