Tại hội thảo tham vấn xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 (Master Plan) ngày 29/3, GS Ju-Ho Lee, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, chia sẻ thực trạng giáo dục ở Hàn Quốc và đưa ra nhiều góp ý giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi để sáng tạo hơn
Ông Lee thông tin Hàn Quốc đã có những nghiên cứu về khả năng cạnh tranh trong ngành công nghệ di động, bán dẫn, ôtô, đóng tàu... Kết quả cho thấy đất nước này chế tạo rất tốt nhưng lại thiếu khả năng đưa ra ý tưởng để thiết kế sản phẩm mới. Điều này đòi hỏi nền giáo dục của Hàn Quốc phải thay đổi để nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực thiết kế cho học sinh, sinh viên.
Một vấn đề khác khá phổ biển ở Hàn Quốc và cả Việt Nam là học sinh thường xuyên được yêu cầu trả lời câu hỏi của giáo viên nhưng chưa được khuyến khích đặt nhiều câu hỏi hay vẽ những ý tưởng lên giấy. Điều đó khiến người Hàn Quốc giỏi đưa ra câu trả lời nhưng không thực sự giỏi sáng tạo.
"Việt Nam đã làm tốt trong việc cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông, điều đó được phản ánh bằng kết quả PISA. Vì vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam thay đổi giáo dục đại học nhằm tạo ra bước đại nhảy vọt”, ông Lee nói và nhấn mạnh đến việc thay đổi chương trình, phương pháp nhằm cải thiện khả năng sáng tạo của học sinh, sinh viên.
Ông Lee cho biết Hàn Quốc đã hiểu được điều này và điều chỉnh. Thời gian vừa qua, Hàn Quốc đã sáng kiến chia một năm học ra thành ba kỳ. Kỳ đầu, học sinh không phải trải qua bất kỳ bài kiểm tra nào và không bị chấm điểm. Ngược lại, các em được khuyến khích đặt câu hỏi, chủ động tương tác với giáo viên, làm dự án riêng. Điều này nhằm giảm áp lực, tăng khả năng sáng tạo của học sinh.
"Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những người có thể đi tiên phong. Giáo dục phải tạo ra những học sinh, sinh viên có thể đi tiên phong chứ không phải đi theo chân người khác", ông Lee khẳng định.
Không tạo được hứng thú cho học sinh là thất bại
Ông Ju-Ho Lee chia sẻ học sinh Hàn Quốc cũng đạt kết quả PISA tốt như học sinh Việt Nam, nhưng về sau không còn hứng thú với Toán nữa vì cứ phải trả lời câu hỏi của người khác đưa ra. Và theo khảo sát về năng lực của người Hàn Quốc, học sinh rất tập trung để vượt qua kỳ thi đại học nhưng khi đã vào trường đại học rồi lại không học nhiều nữa. Người Hàn Quốc có năng lực tốt ở độ tuổi trẻ nhưng càng lớn càng giảm đi.
Từ thực tế đó, ông Lee cho rằng không chỉ Hàn Quốc mà cả Việt Nam cần chú trọng đến học tập suốt đời và để làm được điều đó thì việc tạo hứng thú cho học sinh thay vì bắt các em học thuộc lòng là rất cần thiết.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Lee, một trong những cách giúp học sinh hứng thú học tập là ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy để tạo ra những bài giảng chất lượng, thú vị, có độ tương tác cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo viên ngừng sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống. Họ cần kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và người thầy phải tự nhận ra cần thay đổi để thích ứng với thực tế đó.
Chuyên gia giáo dục Hàn Quốc nhận định việc ứng dụng công nghệ cao trong giảng dạy nên tập trung vào các giáo viên trẻ vì họ là tương lai của nền giáo dục. "Những người lớn tuổi như tôi đôi khi cảm thấy hơi ngại khi phải nghiên cứu về công nghệ cao để có thể ứng dụng trong giảng dạy nhưng giáo viên trẻ lại rất thích thú, từ đó có khả năng ứng dụng tốt hơn”, ông giải thích.
Ngoài những góp ý trên, ông Lee cho rằng nghiên cứu cơ bản không nên tách rời nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm. Những ý tưởng trong phòng thí nghiệm ở trường đại học cần nhanh chóng được chuyển hóa thành sản phẩm và thương mại hóa nhanh. Các trường đại học cần đóng vai trò như trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hàn Quốc đang cố gắng cải thiện điều này và ông Lee gợi ý Việt Nam cũng nên chú trọng
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết bản chiến lược sẽ tập trung vào 5 trụ cột: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục đại học; và tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Hội nghị tham vấn ngày 29/3 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục đến từ Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc, Malaysia, khu vực Mỹ Latin và Caribe...