Thêm một lí do để bạn hạn chế ăn bánh trung thu: Dù đảm bảo vệ sinh, hàm lượng đường và calo của bánh vẫn đủ để đe dọa sức khỏe và cân nặng.
Một mùa trung thu đang gần kề kéo theo những kí ức của tuổi thơ. Đó không chỉ là những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, chị Hằng, chú cuội… mà còn là những chiếc bánh trung thu: bánh dẻo, bánh nướng thơm lừng.
Tuy nhiên, ẩn sau những chiếc bánh truyền thống của dịp Tết thiếu nhi này lại là những tác hại không ngờ mà không phải ai trong chúng ta cũng biết. Ngay cả khi chiếc bánh trung thu đã vượt qua tiêu chuẩn đo lường khắt khe của các cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng vẫn có thể đe dọa sức khỏe người dùng. Đó không chỉ là những tác hại thấy ngay trước mắt mà còn là những hậu quả về lâu dài.
Tăng cân
Bánh trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thành phẩm, nguyên liệu, gia vị. Trung bình, một chiếc bánh trung thu chứa gần 1000 calorries, trong khi mỗi ngày cơ thể chúng ta chỉ cần nạp từ 1600 - 2200 calories.
Đa số nguyên liệu chế biến bánh đều qua chế biến hoặc sơ chế nên hàm lượng các khoáng chất, vitamin rất thấp. Trong điều kiện hàm lượng năng lượng cao, hàm lượng khoáng chất và vitamin lại thấp, sử dụng bánh quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.
Các vấn đề về béo phì sẽ dẫn đến các vấn đề về tim mạch. Mỡ bọc lấy tim dẫn đến tim khó co bóp. Mỡ cũng làm hẹp mạch vành, cản trở lượng máu vận chuyển đến nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.
Nguy cơ tiểu đường và các bệnh về gan, thận
Một trong số những điều đáng chú ý là lượng đường trong bánh trung thu chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường máu làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Hợp chất aflatoxin trong bánh trung thu cũng là một trong những nguyên nhân chính hủy hại gan và kéo dài sẽ dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, aflatoxin còn tác động lên hệ miễn dịch gây ra chứng không tăng bạch cầu, hoại tử các tổ chức và nội tạng khác trong cơ thể.
Một số loại bánh có vị mặn chứa hàm lượng muối tương đối cao lại càng trở nên nguy hiểm với người bị viêm thận bởi nước và natri bị lưu giữ sẽ khiến thận phải hoạt động quá sức, thậm chí gây phù nề.
Các vấn đề về răng miệng
Ăn bánh trung thu quá nhiều trong khi vệ sinh răng miệng kém cũng là lý do khiến các vấn đề về răng miệng có nguy cơ gia tăng trong mùa trung thu. Đặc biệt, bánh dẻo rất dễ dính răng nên sau khi ăn bánh dẻo, chúng ta nên sử dụng thêm chỉ nha khoa, nước súc miệng để đảm bảo vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, tránh cơ hội cho mảng bám phát triển gây sâu răng.
Bệnh ngoài da, mụn trứng cá
Bánh trung thu cũng cung cấp rất nhiều protein cho cơ thể, chính sự dư thừa protein là một trong những nguyên nhân gây mụn mà bạn không ngờ tới, thậm chí có thể dẫn đến viêm da. Với những người bị mụn trứng cá và các bệnh về da thì càng nên hạn chế ăn bánh trung thu vì nó sẽ làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn, khiến làm tình trạng mụn trở nên nặng nề hơn.
Để sử dụng bánh không gây nguy hại đến sức khỏe, chúng ta nên tính đến tổng năng lượng nạp vào cơ thể một ngày. Nếu sử dụng bánh Trung thu, cần hạn chế khẩu phần ăn từ cơm, chất béo, hoặc thức ăn khác để tổng lượng năng lượng nạp vào cơ thể không tăng đột biến. Thêm vào đó, bánh trung thu có thể coi là một loại "thực phẩm tươi" do hạn sử dụng thường không dài nên chúng ta cũng nên chú ý đến hạn sản xuất của bánh để được thưởng thức những chiếc bánh an toàn, thơm ngon nhất.
Theo Alobacsi.vn