Một bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, số người mắc bệnh ung thư dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 22 triệu người trong vòng 10 năm tới. Và những nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao của các loại bệnh ung thư.
images924568_nguy_co.jpg
Theo báo cáo này, chỉ tính riêng trong năm 2012, số người phải chịu đựng căn bệnh ung thư đã tăng thêm 14,1 triệu người, trong đó có 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư trước tuổi 75 là một trong năm nam, và một trong sáu nữ. Và cứ một trong tám người đàn ông, một trong 12 người phụ nữ sẽ tử vong vì bệnh ung thư.
 
Báo cáo này cũng cảnh báo, châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ là nơi tập trung 60% số ca ung thư mới, và chiếm khoảng 70% số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới
.
Bản báo cáo kêu gọi đây là lúc cần thiết phải tập trung vào các biện pháp ngăn chặn ung thư bằng cách giải quyết các vấn nạn hút thuốc, nghiện rượu và bệnh béo phì. Ở hầu hết các nước, căn bệnh ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Tuy nhiên, ở châu Phi, chủ yếu là căn bệnh ung thư cổ tử cung.
 
Đồng tác giả của bản báo cáo, bác sĩ Bernard W Stewart cho hay: “Ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, rất khó để các chính phủ cam kết tăng cường các biện pháp luật định nhằm bảo vệ người dân và thực hiện các kế hoạch ngăn chặn bệnh ung thư”.
 
Bản báo cáo của IARC được thực hiện bởi 250 nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Riêng trong năm 2010, thế giới mất khoảng 1,16 triệu USD chi phí để chữa trị căn bệnh ung thư.
 
Giám đốc IARC, bác sĩ Christopher Wild kê gọi: “Chúng ta cần thêm các nỗ lực cải tiến điều trị căn bệnh ung thư, đồng thời cần các nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này. Chúng ta đã hiểu biết rất nhiều về các nguyên nhân của bệnh ung thư, và cũng biết cách phát hiện sớm, nhưng chúng ta không thường thấy những hiểu biết này được biến thành các chính sách kiểm soát ung thư hiệu quả ở cấp quốc gia”.
   Theo NDĐT