(Baonghean) - Tình trạng bật đèn chiếu xa (hay còn gọi là đèn pha) trong thành phố vào ban đêm đang gây bức xúc cho nhiều người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nhiều người cho rằng, đây đã trở thành một “vấn nạn”, và các cơ quan chức năng cần có giải pháp để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
'Bật đèn chiếu pha, hai ta đều khổ'
Đó là câu slogan của diễn đàn Otofun Nghệ An trong đợt tuyên truyền về việc chấp hành Luật Giao thông nhân dịp kỷ niệm 1 năm sinh nhật của diễn đàn. Theo anh Võ Sỹ Tâm, thành viên Ban quản trị diễn đàn Otofun Nghệ An thì không phải ngẫu nhiên mà diễn đàn chọn vấn đề bật đèn pha trong thành phố để tuyên truyền. Theo anh Tâm, tình trạng bật đèn pha trong thành phố đã trở thành một vấn nạn. Chỉ cần đi trên các tuyến đường của thành phố Vinh vào buổi tối, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô bật đèn pha chiếu thẳng vào mặt những phương tiện ngược chiều.
“Hầu như trên tuyến đường nào cũng có tình trạng này. Cứ 3 - 4 xe thì có 1 xe bật đèn pha, đặc biệt nhiều xe còn độ đèn, lắp thêm các dàn đèn trên nóc ô tô chiếu xa đến hàng chục mét. Ánh đèn pha có độ sáng cực mạnh, chiếu thẳng vào mặt những chủ phương tiện ngược chiều, gây bức xúc cho lái xe. Chúng tôi nêu lên vấn đề này để mọi người cùng nhìn nhận đúng thực trạng và có ý thức hơn trong việc bật đèn phù hợp, tránh ảnh hưởng đến người khác”, anh Tâm chia sẻ.
20h tối 12/2 trên đường Nguyễn Sỹ Sách, rất nhiều ô tô thi nhau bật đèn pha. Mặc dù con đường này tương đối rộng nhưng lưu lượng phương tiện tham gia rất đông nên việc bật đèn pha không khác gì làm “mờ mắt” người đi đường.
Anh Nguyễn Hữu Hùng, một người lái xe taxi cho biết: Tôi hay phải đi lại trên con đường này nên rất ám ảnh về tình trạng bật đèn pha. Có lần tôi suýt đâm vào một người đi bộ trước mặt, may mà anh ta mặc quần màu trắng nên đến gần mình kịp nhận ra”. Không chỉ đường Nguyễn Sỹ Sách mà hàng chục con đường khác trong nội thành cũng có tình trạng tương tự. Bức xúc trước tình trạng này, nhiều người còn nảy sinh ý tưởng ghi hình, chụp ảnh biển số rồi gửi cho cơ quan chức năng để có hình thức xử phạt với những xe ô tô bật đèn pha tùy tiện.
Xe mô tô hoặc ô tô nào cũng có đèn với 2 chức năng “pha” và “cốt”. “Pha” là ánh đèn chiếu xa, có độ sáng trải dài. “Cốt” là ánh đèn chiếu hướng xuống đất, nên tầm phát sáng ngắn hơn. Chùm sáng mạnh của đèn pha được thiết kế nhằm giúp người điều khiển phương tiện nhìn rõ hơn khi đi đường trường, vào buổi tối và khi thời tiết xấu. Nhưng trong các các khu đông dân cư và khi có người đi ngược chiều trong phạm vi chiếu sáng của đèn pha thì không được sử dụng đèn pha, bởi ánh sáng mạnh của loại đèn này có thể làm người đi ngược chiều bị “mù” tạm thời, dẫn đến mất khả năng quan sát và có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng”.
Hiểm họa trước mắt
Theo anh Nguyễn Văn Dương, một người có ô tô cho rằng, không nhiều người quan tâm đến việc xe mình khi ra đường đang bật pha hay cốt. Có những người khi được nhắc nhở thì mới biết đến việc chỉnh đèn cho phù hợp mà lâu nay không bao giờ để ý. Thậm chí nhiều người còn trang bị thêm loại đèn xenon siêu sáng cho xe ga của mình.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều loại lỗi vi phạm Luật Giao thông, đối với lỗi bật đèn pha tùy tiện chưa được coi là thực sự “điển hình”.
Thiếu tá Nguyễn Duy Hà - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Vinh) cho biết: Không chỉ ô tô và cả xe máy, khi đi trong đô thị và khu đông dân cư đều không được bật đèn pha. Khi 2 xe đi ngược chiều nhau mà bật đèn pha thì nguy cơ gây tai nạn rất cao. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã nhiều lần lập biên bản xử phạt những trường hợp vi phạm nhưng đa phần là xe máy. Đối với xe ô tô thì rất khó để xử phạt vì việc chứng minh lỗi bật đèn pha trong thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số trường hợp khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và thông báo lỗi vi phạm thì còn cự cãi, không phối hợp. |
Hiện nay, số lượng ô tô trên địa bàn thành phố Vinh khoảng 16.000 chiếc, trong đó xe ô tô con khoảng 10.000 chiếc. Cùng với các phương tiện ô tô từ các địa phương khác đổ về nên lưu lượng ô tô tham gia trên đường hiện nay khá lớn.
Tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyễn Duy Hà thì số lượng người lái xe hiểu biết đầy đủ chức năng của đèn cũng như các quy định sử dụng đèn ô tô trong thành phố đang chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong thời gian tới, Công an thành phố Vinh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền cho các chủ phương tiện ô tô tại các cơ quan, đơn vị, khu chung cư. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ bố trí các chốt tại các điểm: Bến Thủy, ngã tư UBND tỉnh, bến xe, chợ Vinh để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở các xe vi phạm.
Sau quá trình tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ bố trí cán bộ mặc thường phục thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường để ghi hình các xe bật đèn không đúng quy định và báo cho lực lượng cảnh sát giao thông mặc cảnh phục để dừng xe và xử phạt theo đúng quy định.
Khoản 2, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư (trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định). Khoản 3, Điều 17, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa. Theo Điểm b, Điểm g, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nếu người điều khiển xe ôtô vi phạm các quy định về bật đèn chiếu xa nêu trên thì mỗi hành vi vi phạm bị xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng. Đối với người điều khiển xe máy, nếu sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều thì bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Người sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư thì bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. |
Nguyên Hưng - Lâm Tùng