(Baonghean) - Mùa mưa lũ, nước về rất nhanh, chỉ liên tục vài giờ đồng hồ là ngập cả mét, đó là thực trạng chung, cũng là nỗi ám ảnh và khiếp sợ đối với người dân khi nói về cầu tràn.

Dẫn chúng tôi đến điểm tràn làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn), anh Trương Văn Trúc, xóm 12, chia sẻ: “Ngày nắng trông vậy thôi, chứ mùa mưa đến tràn làng Găng là nỗi ám ảnh khiếp sợ cho những người đi qua đây, đặc biệt là học sinh. Bởi lúc đó nước từ thượng nguồn đổ về, tạo dòng chảy xiết, mạnh, nhấn chìm đập tràn ngập sâu 2-3m, cả 4 xóm làng Găng hoàn toàn bị cô lập như một ốc đảo”.

Tràn làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn).
Tràn làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn).

Làng Găng có 4 xóm, với tổng số 540 hộ, 1.700 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, vì vậy đời sống còn nhiều khó khăn. Do địa bàn bị ngăn cách bởi sông Dinh, muốn ra vùng trung tâm xã, người dân ở đây đều phải đi qua đập tràn. Vào mùa khô thì không việc gì, tuy nhiên cứ hễ có mưa lớn đầu nguồn thì nước tại đập tràn này lại dâng cao, tạo dòng chảy xiết rất nguy hiểm. Theo ông Nguyễn Văn Liệu, Xóm trưởng xóm 15: Cả chục năm nay, vào mùa mưa lũ tràn thường xuyên bị ngập, có khi cả tuần lễ nước mới rút.

Tương tự, tràn Nậm Nhoóng (xã Nậm Nhoóng, Quế Phong), chỉ cần mưa liên tục trong một ngày là nước ngập băng. Theo anh Hà Văn Tình, người dân bản Na Hốc: “Cứ đến mùa mưa, cầu tràn Nậm Nhoóng nước dâng cao 3- 4m, nhân dân không thể đi lại được, học sinh không đến được trường học, các xóm vùng trong như Nhọt Nhoóng, Na Hốc … hoàn toàn bị cô lập”. 

Không riêng cầu tràn làng Găng, cầu tràn Nậm Nhoóng, mà hầu hết các cầu tràn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chung thực trạng cứ đến mùa mưa là ngập, gây khó khăn, nguy hiểm trong đi lại đối với người dân. Và thực tế, không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại các điểm tràn. Mới đây nhất, vào hồi 16h chiều 20/9, em Thò Bá Pó - học sinh lớp 7A, Trường THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) trong lúc vớt chiếc dép bị rơi tại khu vực cầu tràn Nậm Càn đã bị dòng nước cuốn trôi. Cũng tại đây, vào năm 2011, nước lũ đã cuốn trôi 2 mẹ con chị L.T.M. Trước đó, vào sáng 17/9, trên đường đi học về qua tràn bản Tạng, em Lô Minh Đăng (trú tại bản Tạng, xã Tiền Phong, Quế Phong) cũng bị lũ cuốn trôi.

Nguy hiểm tại các điểm tràn là thực tế thấy rõ, tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương hiện không có cách “gỡ”. Theo ông Nguyễn Công Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng: Tràn làng Găng thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, gây khó khăn trong đi lại đối với người dân, học sinh không thể đến trường là một thực tế. Việc này, người dân 4 xóm thuộc làng Găng cũng đã kiến nghị, phản ánh nhiều tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, theo đó xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên, tuy nhiên, vì chưa có kinh phí nên chưa thể làm cầu thay thế. Còn ông Ngân Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng cũng cho hay: Trước ẩn họa cầu tràn Nậm Nhoóng, chính quyền xã đã kiến nghị lên UBND huyện, và có tờ trình nâng cấp, xây dựng cầu tràn Nậm Nhoóng thành cầu bê tông vĩnh cửu. Tuy nhiên, vướng mắc về kinh phí là nguyên nhân khiến dự án xây cầu chưa được phê duyệt.

Chính bởi nguyên nhân nói trên nên hiện nay cứ đến mùa mưa lũ, các địa phương đều cắt cử, bố trí dân quân túc trực ngăn không cho người, phương tiện qua lại. Tuy nhiên, một thực tế đều được các địa phương thừa nhận là việc túc trực cũng chỉ là thời điểm nước dâng cao, chứ không thể túc trực 24/24 chờ nước rút hẳn. Trong khi vì nhu cầu đi lại, nhiều người dân vẫn “làm liều” nên hậu quả sẽ rất khó lường. Chính vì vậy, cùng với việc tu bổ, nâng cấp, về lâu dài các cấp, ngành cần khảo sát, có kế hoạch bố trí kinh phí để thay thế cầu tràn hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn trong việc đi lại của người dân, cũng như góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Q.A