Chia sẻ tại Hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn nội soi tiêu hóa ngày 23/3, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nội soi là phương pháp duy nhất phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý về ống tiêu hóa như tổn thương, ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng...
Khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai một ngày trung bình nội soi 300 đến 400 lượt bệnh nhân. Năm 2018, khoa thực hiện 12.836 ca nội soi đại tràng và 52.299 ca nội soi dạ dày. Bệnh nhân đông, việc khử khuẩn, tiệt khuẩn từ máy nội soi đến dụng cụ nội soi rất quan trọng. Kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt có thể gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn từ người này sang người khác.
"Khi nội soi đường tiêu hóa trên, người bệnh có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP; có thể nhiễm cả HP lẫn virus viêm gan khi nội soi mật tụy; thực hiện ở tiêu hóa đường dưới có trường hợp bị lây thương hàn...", tiến sĩ Khanh nói.
Tiến sĩ Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ dụng cụ nội soi được sử dụng phổ biến tại các khoa tiêu hóa là dụng cụ có cấu hình phức tạp, ô nhiễm nhiều dịch cơ thể sau sử dụng, khó làm sạch. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật dễ dàng nhân lên, tạo màng sinh học cản trở hóa chất và các tác nhân khử khuẩn/tiệt khuẩn phát huy tác dụng.
"Để đạt hiệu quả tối ưu trong khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ nội soi cần kết hợp thực hành an toàn, hóa chất và thiết bị khử khuẩn phù hợp", tiến sĩ Thư nói.
Theo điều dưỡng Phạm Văn Phúc, hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi tiêu hóa còn nhiều khó khăn. Nhân lực cho công tác khử khuẩn chưa được chú trọng, các khóa đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi rất ít. Khu vực khử khuẩn chưa tách biệt với phòng nội soi. Số lượng dây nội soi và máy rửa tự động hạn chế, phụ thuộc phương pháp rửa thủ công.
Điều dưỡng Phúc đề xuất, để giảm nhiễm khuẩn từ nội soi tiêu hóa, ngoài việc đào tạo kỹ thuật viên và giám sát nhiễm khuẩn, quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý dược, vật tư tiêu hóa...