(Baonghean.vn) - Hiện nay lúa hè thu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang bị nhiều loại sâu bệnh gây hại với mật độ cao, trên diên rộng, đặc biệt rầy nâu, rầy lưng trắng. 

1503539868552.jpgVụ hè thu năm 2017, bà con nông dân xã biên giới Na Loi huyện Kỳ Sơn, gieo cấy trên 81 ha lúa nước. Hầu hết các diện tích ruộng trên địa bàn xã đều bị rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại. Ảnh: Lữ Phú

Do lịch nông vụ ở Kỳ Sơn thường muộn hơn các huyện miền xuôi từ 10 - 15 ngày, nên hiện nay cây lúa ở Kỳ Sơn đang bước vào thời kỳ cuối đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái làm đòng.

Tuy nhiên theo các hộ dân ở xã Na Loi cho biết, sau khi cấy xong, vào đầu tháng 8 khi cây lúa đang ở thời kỳ phát triển tốt thì xuất hiện rất nhiều rầy nâu gây hại và làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Rầy nâu mật độ gây hại từ 100 - 200 con/m2, nơi cao từ 800 - 1.000 con/m2, thậm chí có nơi cục bộ lên đến 1.500 con/m2. Ảnh: Lữ Phú

"Đây là năm đầu tiên ruộng nước của gia đình tôi bị bệnh rầy gây hại, mọi năm không có sâu bệnh lúa rất tốt, năng suất khá cao, năm nay thì có nguy cơ mất mùa rất cao" - chị Pịt Thị Thanh, bản Na Loi, xã Na Loi cho biết 

Gia đình bà Lay Thị Phượng, cùng bản Na Loi có hơn 5 sào lúa cũng có nguy cơ mất trắng, do dịch rầy lưng trắng gây hại, bà Phượng cho biết, chưa năm nào thấy loại sâu bệnh gây hại làm cây lúa vàng lá và còi cọt như năm nay. "Không biết có lúa để gặt không nữa" - bà Phượng thở dài

Vụ hè thu năm 2017, bà con nông dân xã biên giới Na Loi, huyện Kỳ Sơn gieo cấy trên 81 ha lúa nước, cơ cấu 3 giống lúa: Thiên ưu 888, Nếp Hà Nội và lúa tẻ địa phương. Trong quá trình chăm sóc người dân ở các bản Na Loi, Na Khướng, Piêng Lau, Huồi Ngôi và Đồn Bọng đã phát hiện rầy Nâu, rầy lưng trắng gây hại, làm chết một số diện tích lúa, với mật độ phổ biến từ 100 - 200 con/m2, nơi cao từ 800 - 1.000 con/m2, thậm chí có nơi cục bộ lên đến 1.500 con/m2.

Người dân được hướng dẫn tích cực phun thuốc trừ dịch. Ảnh: Lữ Phú

Ông Kha Văn Thén - Bí thư Chi bộ bản Na Loi, xã Na Loi chia sẻ: "Rầy nâu năm nay mới thấy xuất hiện, không biết có phải do mưa nhiều hay không. Hơn 30ha lúa của bản đều bị nhiễm rất nặng. Tuy nhiên do thuốc cung cấp từng đợt nên không phun đại trà một lúc được…".

Hiện nay do thời tiết vào thời điểm giao mùa, mưa nhiều, nắng to, độ ẩm trong không khí cao nên thích hợp cho sự lây lan và phát sinh sâu bệnh. Nếu không kịp thời phun trừ và đúng kỹ thuật, dịch rầy sẽ lây lan, thậm chí có nguy cơ gây cháy nhiều diện tích lúa ở giai đoạn này. Hiện nay chính quyền xã Na Loi đã huy động các lực lượng cùng người dân xuống các chân ruộng phun thuốc trừ dịch.

Theo dự báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kỳ Sơn, trong thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và mức độ gây hại. Nếu không phun thuốc diệt trừ nguy cơ mất trắng là thực tế nhìn thấy trước. Ảnh: Lữ Phú

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kỳ Sơn, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn huyện đều bị nhiễm rầy, tập trung nhiều ở các xã Na Loi và Nậm Cắn. Nghiêm trọng hơn trong thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và mức độ gây hại, nhiều diện tích có mật độ rầy cao sẽ gây “cháy rầy” nếu không được tổ chức phun trừ kịp thời.

Để cứu lúa hè thu của huyện trước nguy cơ mất trắng, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã có công văn yêu cầu UBND các xã chỉ đạo ban nông nghiệp xã và ban quản lý các bản, bám sát đồng ruộng, phân vùng và tổ chức hướng dẫn bà con phun trừ, dập dịch kịp thời ngăn chặn sâu bệnh lây lan cục bộ trên địa bàn toàn huyện./.

 Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN