(Baonghean) - Đó là câu chuyện xẩy ra ở huyện Anh Sơn, được nêu tại lá đơn của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên cán bộ Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế huyện Anh Sơn. Ông Minh kiến nghị các cơ quan chức năng có ý kiến để đơn vị cũ (nay là Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Tháng Mười) giải quyết món nợ vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện mà vì trách nhiệm với tập thể, ông đã đứng tên vay hộ...
 
images991211_4a.jpgVườn chè công nghiệp được trồng từ vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Anh Sơn.
 
Theo đơn, năm 2006, Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế huyện Anh Sơn được UBND huyện giao chỉ tiêu trồng 20 ha chè công nghiệp; mỗi ha được đầu tư 5 triệu đồng, ngân sách huyện trả lãi suất trong 2 năm. Cũng trong năm này, UBND huyện đã chỉ đạo tổng đội lập dự án vay vốn cho các hộ trồng chè từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Do là đơn vị sự nghiệp, hình thức vay phải do nhóm hộ gia đình, nên tổng đội đã vận động 15 người gồm những cán bộ và hộ gia đình có tinh thần trách nhiệm cao đứng tên trong hồ sơ khế ước để vay hộ vốn, thời hạn trả là năm 2009. Với khoản vay 100 triệu đồng, tổng đội đã thực hiện được 23,7 ha chè công nghiệp, vượt chỉ tiêu kế hoạch ban đầu.
 
Tháng 10/2007, Tổng đội TNXP Anh Sơn chuyển thành Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười (thực hiện Quyết định 3383 của UBND tỉnh về việc sáp nhập nguyên trạng Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế huyện Anh Sơn sang Công ty Đầu tư phát triển Chè Nghệ An - nay là Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An). Là Trưởng phòng Kế hoạch của tổng đội, ông Nguyễn Hồng Minh đã cùng các cán bộ trực tiếp bàn giao nội dung dự án đầu tư trồng mới chè công nghiệp và khoản vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với Công ty Đầu tư phát triển Chè Nghệ An. Cuối năm 2008, ông Minh chuyển công tác về UBND Thị trấn Anh Sơn. Và từ đó đến nay, Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười tròn 7 năm tuổi, qua 2 đời giám đốc, vậy nhưng chưa hoàn trả hết nợ dự án trồng chè công nghiệp. Do đứng tên trong khế ước vay vốn, ông Nguyễn Hồng Minh đã 4 lần nhận giấy thông báo nợ của ngân hàng. Trong những năm qua, ông Minh đã đề xuất lãnh đạo Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười trả nợ thì được trả lời không có tiền, chờ công ty. Do nợ đọng quá lâu, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quyết định lập hồ sơ gửi sang cơ quan pháp luật. 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Minh cho biết: “Khi lập hồ sơ, tôi đứng tên vay 9 triệu đồng, hiện nay cả vốn và lãi là trên 12,7 triệu đồng. Vì tập thể, vì chủ trương của huyện trong phát triển cây chè công nghiệp mà tôi mang nợ với ngân hàng và bây giờ có nguy cơ phải đối diện với cơ quan pháp luật. Buồn nhất là mỗi lần giấy báo nợ gửi về cơ quan là mọi người lại xì xào, bàn tán nhỏ to. Cực chẳng đã, tôi mới phải viết đơn kiến nghị để Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An hoàn tất số tiền nợ với ngân hàng. Xin đừng để sự việc đi quá xa...".
 
Qua tìm hiểu, Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười đã trả được trên 80 triệu đồng cho 11 hộ đứng tên, tổng số nợ còn lại là 28.461.519 đồng gồm các ông Nguyễn Hồng Minh, Đặng Ích Cửu, Nguyễn Việt Trung, Bùi Văn Thắng. 
 
Theo ông Đặng Ích Cửu (nguyên Tổng đội phó Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế huyện Anh Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười) thì sự việc ông Minh nêu là đúng sự thật. Và ông Cửu cũng có số nợ tại ngân hàng là 2.720.000 đồng. Ông Cửu chia sẻ: "Tôi cũng rất buồn trước sự việc này. Những người đứng tên vay tiền cho tổng đội đều có tinh thần trách nhiệm cao với tập thể. Họ vay nhưng nào có cầm tiền, và số tiền đó được sử dụng rất hiệu quả, vượt chỉ tiêu đề ra, được tổng đội, UBND huyện tuyên dương. Khi sáp nhập vào Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An và trở thành Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười, món nợ này đã được làm rõ, bàn giao đầy đủ và được trả dần theo từng năm. Tuy nhiên, vì khó khăn, và cả vì lãnh đạo xí nghiệp thiếu thiện chí, nên dù số nợ không đáng là bao nhưng dây dưa mãi khiến ngân hàng tính đến việc kiện ra tòa. Bản thân tôi cuối năm 2013 đã chuyển về Trung tâm Dạy nghề huyện làm giáo viên, tuổi đã cao nên có ra tòa cũng không sao, chỉ tội cho mấy người trẻ...".
 
Các tờ trình xin tạm ứng tiền và gia hạn nợcủa Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười.
 
Hiện tại, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Tháng Mười đang ở thực trạng hết sức khó khăn. Vì không mở rộng được diện tích trồng mới; không cạnh tranh thu mua nguyên liệu được với tư thương nên không thu hồi được công nợ, nên từ năm 2013 đến nay, cán bộ nhân viên xí nghiệp không có lương và cũng không được đóng nộp bảo hiểm. Theo kế toán Đặng Thị Thương, đã nhiều lần lãnh đạo xí nghiệp đề xuất công ty có hướng giải quyết, đồng thời cho tạm ứng tiền để trả nợ dứt điểm ngân hàng nhưng chưa được giải quyết. "Xí nghiệp biết việc ngân hàng làm hồ sơ kiện những cá nhân đứng tên vay nợ nhưng tình hình khó khăn, trong khi công ty thì chưa cho tạm ứng tiền..." - kế toán Đặng Thị Thương nói.
 
Xem các tài liệu của xí nghiệp, ngoài văn bản đề xuất Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An cho tạm ứng tiền trả nợ thì có cả tờ trình xin Ngân hàng Chính sách huyện Anh Sơn gia hạn nợ. Tại Tờ trình số 19TT-XN ngày 12/8/2010 gửi Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn, bên cạnh xác nhận việc 15 hộ đứng tên vay vốn để Tổng đội TNXP huyện Anh Sơn thực hiện dự án trồng chè công nghiệp theo chỉ đạo của UBND huyện, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười, ông Nguyễn Văn Hải đã đề nghị: "Do tính chất phát triển của cây chè công nghiệp từ khi trồng thì phải 3 năm sau mới thu hoạch. Bởi vậy, việc thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng theo đúng hạn gặp khó khăn. Đến ngày 12/10/2009, xí nghiệp mới thu và trả nợ cho ngân hàng được 28 triệu đồng... Do khó khăn chậm thu hồi vốn như vậy nên xí nghiệp làm tờ trình này kính đề nghị Ngân hàng Chính sách huyện gia hạn thời gian vay của nguồn vốn trên cho xí nghiệp đến hết ngày 12/10/2013".
 
Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Anh Sơn - ông Lê Xuân Cần biết rất rõ món vay 100 triệu đồng thực chất các cá nhân chỉ đứng tên cho tập thể. Tuy nhiên, "án tại hồ sơ", tiền không trả thì các cá nhân này phải chịu trách nhiệm. Ông Cần nói: "Tôi cũng đã có đến xí nghiệp để trao đổi nhưng giám đốc xí nghiệp không hợp tác. Hiện nay, ngân hàng tỉnh đang đôn đốc xử lý nợ quá hạn. Món vay này đã quá lâu, vì vậy, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuyển cơ quan pháp luật...".
 
Trước sự việc nêu trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An giao cho kế toán trưởng công ty làm việc trả lời phóng viên, đồng thời, ông nói: "Vấn đề này không lớn nhưng để xử lý, công ty cần phải giao lãnh đạo xí nghiệp báo cáo về món nợ, việc sử dụng, làm rõ xem đã trả được bao nhiêu, còn bao nhiêu...". Qua trao đổi, ông Đặng Đình Trung - Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An xác nhận: "Công ty có một lần nhận được tờ trình của xí nghiệp với nội dung xin công ty cho tạm ứng tiền trả nợ ngân hàng". Và cũng như lãnh đạo của mình, ông Trung nói: "Chúng tôi sẽ giao xí nghiệp báo cáo về nguồn vốn vay năm 2006; quá trình vay, trả; đối tượng vay... Sau đó, sẽ có hướng giải quyết dứt điểm".
 
Theo tìm hiểu, hiện nay Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười còn đọng trong dân trên 1,5 tỷ đồng mà chưa thể thu hồi; việc sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho cán bộ, công nhân viên là một bài toán thực sự khó giải. Dẫu vậy, xí nghiệp cũng không thể chậm hoàn trả dứt điểm món nợ 28.461.519 đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn, để các cá nhân - là những người có công với tập thể phải đối diện với cơ quan pháp luật. Vì vậy, đề nghị Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Tháng Mười và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An cần sớm có hướng giải quyết.
 
Hà Giang