Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông. Trong những ngày lạnh giá, người dân cần chủ động phòng chống đột quỵ.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông. Trong những ngày lạnh giá, người dân cần chủ động phòng chống đột quỵ. Để giảm thiểu nguy biến ở nhóm nguy cơ, chúng tôi đăng bài viết của chuyên gia về vấn đề này.

Đột quỵ rất hay xảy ra đối với những người trung niên và cao tuổi, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường, số bệnh nhân bị tai biến mạch não có xu hướng gia tăng. Bên cạnh việc chủ động phòng ngừa, để mang lại cơ hội sống cũng như giảm thiểu di chứng cho người bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, ngoài việc đưa tới đúng chuyên khoa thần kinh để cấp cứu, việc phát hiện, xử trí nhanh và đúng cách cũng rất quan trọng.

Trời lạnh, người cao tuổi nhập viện do đột quỵ gia tăng. Ảnh: Trần Minh

Thời tiết lạnh làm tăng huyết áp

Thời tiết thay đổi lạnh sâu và đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Bên cạnh đó, khi trời lạnh, mọi người nhất là người đã có bệnh mạn tính thường ít vận động, dẫn tới tăng cân. Đây cũng là yếu tố làm huyết áp tăng và tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi người bị tăng huyết áp có thể không thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo gì, từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Khi không được điều trị thường xuyên và theo dõi hằng ngày, tình trạng tăng huyết áp có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy thận. 

Trong các ca bị xuất huyết não có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không uống thuốc đều đặn. Một số người uống thuốc một thời gian, thấy huyết áp trở lại bình thường thì tự ý ngưng thuốc, nghĩ mình đã khỏi bệnh, hoặc có suy nghĩ uống thêm thuốc làm huyết áp tụt... Đa số bệnh nhân đột quỵ khi chuyển tới bệnh viện đều trong tình trạng muộn màng, hậu quả là tử vong hoặc phải sống tàn phế suốt đời.

Bệnh tim và đột quỵ não

Bệnh lý của tim có thể gây đột quỵ não khi bệnh tim là nguyên nhân của việc xuất hiện những cục máu đông (huyết khối) trong buồng tim (nhất là tâm nhĩ trái hoặc tâm thất trái). Một khi cục máu đông đã được hình thành trong buồng tim, nguy cơ nó có thể bong ra, xuống tâm thất trái, vào vòng đại tuần hoàn gây tắc mạch là rất lớn. 

Cục máu đông trôi theo hệ thống động mạch (ĐM) lên não (hệ mạch cảnh và sống - nền) sau đó sẽ bị kẹt ở một nhánh ĐM nào đó và gây nên triệu chứng. Một số bệnh tim có biểu hiện rung nhĩ như bệnh hẹp van hai lá, bệnh mạch vành, viêm màng ngoài tim, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại... và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Bất kể ai cũng có thể phát hiện ra tín hiệu cảnh báo đột quỵ não của bệnh nhân chỉ trong vòng một vài phút thông qua một hay nhiều triệu chứng sau:

Đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt (cảm giác nặng tay chân, không hoặc khó nâng lên được, có cảm giác như “tay chân của người khác”), méo miệng.

Đột ngột trở nên chậm chạp, lẫn lộn, nói những câu vô nghĩa.

Đột ngột mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt.

Đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động

Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân...

Để kịp thời giúp người thân được cứu sống và có cơ hội phục hồi khi bị đột quỵ, thân nhân cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện trong 3 giờ đồng hồ (gọi là giờ vàng) kể từ khi xuất hiện các triệu chứng như: bệnh nhân đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn. Với những người đã từng bị đột quỵ, được điều trị hồi phục, cần lưu ý đến khả năng tái phát. Để giảm thiểu nguy cơ tái phát đột quỵ, những bệnh nhân này cần uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ và tái khám đều đặn.

Theo Sức khỏe và đời sống

TIN LIÊN QUAN