"Mắc kẹt" với cây khoai lang

Được biết đến là vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su…, những năm gần đây, do giá cà phê, hồ tiêu, cao su đều giảm mạnh, tiêu thụ bấp bênh nên nhiều nông dân ở Gia Lai đã tìm hướng chuyển sang các loại cây trồng khác, nhất là khoai lang Nhật vì được giá.

Tuy nhiên, vụ này nhiều hộ gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng, thua lỗ nặng bởi giá xuống thấp và không có người thu mua.

102637-3.jpg

Nhiều hộ dân ở huyện Phú Thiện đầu tư trồng khoai lang với diện tích lên tới vài hecta, nhưng hiện nay giá khoai lang đang rớt mạnh, tiêu thụ rất chậm nên bà con lo lắng đứng ngồi không yên. Ảnh: Trần Hiền

Đến giờ đã quá thời vụ thu hoạch gần 2 tuần, song 3ha khoai lang Nhật của gia đình anh Trần Văn Tuyến (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) vẫn chưa biết bán cho ai, trong khi đó, nhiều củ khoai đã bắt đầu mọc mầm, bị hỏng. Anh Tuyến phải đem bán lẻ ở các chợ với giá 5.000 đồng/kg khoai to, 1.500 đồng/kg khoai loại nhỏ.

Tuy vậy, tư thương vẫn tìm cách chê ỏng chê eo, chỉ lựa mua củ đẹp nên anh Tuyến chỉ bán được một phần, 2/3 diện tích khoai còn lại buộc phải cày nát để kịp trồng lúa vụ xuân. Trong khi đó, anh Tuyến cho biết chi phí đầu tư cho mỗi ha khoai lang Nhật lên tới 50 - 60 triệu đồng.

Thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện có hơn 100 hộ dân trồng khoai lang Nhật, nhưng tới nay, mới chỉ có ít hộ liên hệ được thương lái thu mua. Hầu hết các hộ đều trong hoàn cảnh bế tắc, "bỏ thì thương, vương thì tội" vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Bà Trịnh Thị Thủy, ở thôn Kim Môn cho biết vì không bán được, không có tiền thuê người dỡ, cho cũng không ai lấy, nên gia đình bà đành lòng cày băm nát 2 ha khoai tại ruộng để thay phân xanh trồng lúa. Thế nhưng, bà Thủy cho biết, vụ sau gia đình bà vẫn tiếp tục trồng khoai lang vì không có lựa chọn nào tốt hơn.

“Chưa biết được như thế nào, nếu bà con trồng khoai thì mình vẫn phải trồng. Năm nay đã lỗ rồi thì sang năm lại phải theo tiếp, đâm lao phải theo lao. Hi vọng năm sau, giá cả sẽ ổn định để bà con được nhờ” - bà Thủy nói.

Trước đó, vào mùa vụ năm 2015, giá khoai lang cũng giảm sâu khiến nhiều gia đình thua lỗ, song tới vụ khoai năm 2016, 2017 giá khoai lại tăng cao, người dân có thu nhập khá.

Trung bình mỗi ha khoai lang cho thu hoạch từ 20 – 25 tấn củ, cá biệt có nơi năng suất lên tới 40 tấn củ/ha, nếu giá bán ổn định 10.000 đồng/kg như năm 2017, người trồng có thể thu lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/ha, gấp hai lần so với cây lúa. Chính vì thế, dù năm 2018 khoai lang cũng khó tiêu thụ nhưng bà con vẫn xuống giống trồng với diện tích lớn.

Doanh nghiệp bỏ cả tiền cọc

Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, người dân địa phương bắt đầu trồng khoai lang từ 2011 tới nay nhưng việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Tình trạng được mùa, nhưng không có đầu ra thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Mặc dù đã có doanh nghiệp đặt cọc tiền mua khoai lang, nhưng cuối cùng cũng "bỏ chạy" vì chính họ cũng sợ khoai lang mua về không tiêu thụ được.

Theo ông Toàn, năm nay khoai lang đã đến vụ nhưng không thấy tiểu thương tìm đến mua. Thậm chí có doanh nghiệp đã đặt cọc cho dân 50 triệu đồng nhưng chấp nhận mất tiền, không đến thu mua. Toàn xã có khoảng 300ha nhưng mới có khoảng 4-5 hộ bán được vài tấn cho hàng chợ.

Vụ này, toàn huyện Phú Thiện có gần 700 ha khoai lang, chủ yếu ở 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol.

Còn theo ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện, đây là cây vụ 3 được người dân trồng sau vụ lúa nhằm cải tạo đất, tăng thu nhập. Trung bình mỗi ha trồng khoai lang, chi phí đầu tư khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Đối với hộ thuê đất, chi phí này có thể lên tới 80 - 90 triệu đồng/1 ha. Vì không tìm được đầu ra cho khoai lang mà vụ này, người dân Phú Thiện thua lỗ nặng nề.

"Tình trạng không có thương lái đến mua huyện chưa nắm rõ, nên phòng sẽ cho cán bộ đi kiểm tra để có hướng xử lý, giúp dân an tâm sản xuất" - ông Thành nói.