(Baonghean) - Nếu điểm danh những địa chỉ để có thể chiêm bái, thưởng ngoạn tại tp. vinh, vẫn khẳng định rằng tiềm năng du lịch có thể rất hút du khách nếu có được những chiến lược hiệu quả.

Xúc tiến đầu tư còn hạn chế

Nằm trên tuyến giao thông xuyên Việt và xuyên Á, Vinh có hệ thống giao thông thuận lợi bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Vinh là trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch trong nước và nước ngoài thuộc khu vực Đông Bắc Thái Lan, Lào, Trung Quốc với các tour du lịch trọng điểm của Nghệ An, Hà Tĩnh như: Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đô thị du lịch biển Cửa Lò, Khu di tích Đại Thi hào Nguyễn Du, du lịch miền Tây xứ Nghệ...

Vinh còn có các di tích lịch sử, văn hóa, nhiều địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 sao đến 5 sao, hệ thống nhà hàng, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại hiện đại, sang trọng, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, mua sắm của du khách. Thế nhưng, từ lâu du lịch thành Vinh đang mang nặng là điểm trung chuyển đi các địa chỉ khác.

Công viên Trung tâm - lá phổi xanh của TP. Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
Công viên Trung tâm - lá phổi xanh của TP. Vinh. Ảnh: Sỹ Minh.

Ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin cho biết: Với hy vọng du khách đến TP. Vinh không thể không chiêm bái đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết; tìm hiểu những hiện vật tái hiện cả một thời lịch sử hào hùng tại các Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4.

Sẽ không thể không tham quan Quảng trường Hồ Chí Minh và thưởng thức những món ăn đặc sản xứ Nghệ. Tuy nhiên, để kết nối được các địa chỉ ấy trong cùng một tour tuyến chúng ta cần có những chiến lược gợi cho du khách sự tò mò, thích thú đến mức trở thành nhu cầu khi đến với Vinh.

Đây quả là một bài toán khó khi lâu nay các công ty lữ hành đều không chú trọng việc kết nối tour trong thành phố.

Thực tế trong những năm gần đây UBND thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh tổ chức khảo sát, tọa đàm đánh giá sản phẩm du lịch thành phố Vinh và khảo sát các điểm du lịch tuyến Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn để cùng liên kết xây dựng sản phẩm du lịch; phối hợp với Công ty du lịch Viettravel tổ chức khảo sát, tọa đàm đánh giá sản phẩm du lịch thành phố Vinh.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu. Về vấn đề này, bà Võ Thị Thu Hoài - Giám đốc Công ty lữ hành Viettravel cho biết: “Thực ra chúng tôi đã xây dựng tour nhỏ khép kín và hy vọng du khách sẽ thích thú nhưng chỉ một thời gian chúng tôi phải tiết giảm các điểm như các bảo tàng mà thay thế các điểm mua sắm như siêu thị hay chợ truyền thống thành phố theo yêu cầu của du khách”.

Cũng theo bà Võ Thị Thu Hoài, công ty đã chú trọng việc phối hợp xây dựng các đường bay, tour tuyến sang các nước bạn Lào và Thái Lan nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch thành phố. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch riêng đối với Vinh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đường ven sông Lam qua địa bàn TP. Vinh nhìn từ núi Dũng Quyết. Ảnh: Trần Hải.

Thời gian qua thành phố đã đầu tư các sản phẩm du lịch tâm linh nhằm thu hút du khách, nhưng để tạo dấu ấn thì chưa được như kỳ vọng. Ông Đậu Vĩnh Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết:

“Chúng tôi đã liên kết với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các công ty du lịch để tổ chức các lễ hội tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và phát thẻ ấn đền thờ Hoàng đế Quang Trung vào ngày 5/1 (âm lịch), với mục đích từng bước xây dựng thành lễ hội cấp vùng. Chúng tôi cũng đã tổ chức khai trương phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến thời đại Tây Sơn và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung”.

Thế nhưng, cũng theo ông Bùi Quang Phương - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thì: Mặc dù du khách tham dự rất đông, nhưng theo khảo sát chỉ là những du khách trong vùng và những địa bàn lân cận thành phố và không có công ty nào đăng ký xây dựng tour trong những thời điểm diễn ra lễ hội.

Ông Đậu Vĩnh Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: ông tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư đủ năng lực tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là trình độ, năng lực của cán bộ quản lý và nhân viên ngành Du lịch chưa đảm bảo yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

 Trước tình hình đó, thành phố quyết tâm đưa du lịch thành một mũi nhọn trong chiến lược hiện thực hóa đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ

Để Vinh là điểm đến hấp dẫn

Trong Đề án “Phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020” có nêu: Phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của thành phố trong mối quan hệ vùng cũng như quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn; là trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng Bắc Trung bộ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này BCH đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết phát triển du lịch thành phố Vinh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Thành phố đề ra kế hoạch: Hoàn thiện hạ tầng về du lịch chú ý khai thác các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách.

Khách du lịch đăng ký lưu trú tại Khách sạn Mường Thanh - Phương Đông (TP. Vinh). Ảnh: P.V

Đặc biệt, trong việc khai thác các sản phẩm du lịch, thành phố chú trọng về sinh thái, giải trí. Và việc quy hoạch phát triển các vùng du lịch trọng điểm có sức cạnh tranh cao, Vinh sẽ chú trọng đến tuyến đường ven sông Lam, rừng bần Hưng Hòa, khu du lịch lâm viên núi Quyết - Bến Thủy, khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam và phía Tây Nam thành phố, cụm du lịch Nam sông Vinh và hồ Cửa Nam, khu du lịch sinh thái gắn với cảnh quan các núi Bắc sông Cấm, các điểm mua sắm sản phẩm du lịch của địa phương.

Ngoài ra sẽ nâng cấp Cảng Bến Thủy thành cảng du lịch gắn kết tổ chức du lịch du thuyền trên sông Lam và đường sinh thái ven sông với du lịch Cửa Lò.

Thế nhưng, nếu chỉ đề cập đến sản phẩm du lịch thôi thì còn rất nhiều việc phải bàn. Theo Ông Bùi Quang Phương thì:

Thứ nhất, là vấn đề thu hút đầu tư vì có nhà đầu tư có vốn chúng ta mới có thể hiện thực hóa được các chỉ tiêu về sản phẩm du lịch.

Thứ hai là chúng ta cần xác định thứ tự ưu tiên cho các địa chỉ trên, bởi việc thu hút đầu tư cho các sản phẩm du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Và vì thế ngay sau khi nghị quyết được ban hành cần xây dựng ngay kế hoạch và việc tổ chức thực hiện nó.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN