Với những đối tượng mang tính tập thể, là sản phẩm của cả một cộng đồng thì tên gọi lại càng cần phải có lý do, ý nghĩa phù hợp với tri nhận của cộng đồng. Ở một góc độ nào đó, tên gọi thể hiện một cách cô đúc nhất, khái quát nhất những đặc điểm cơ bản của đối tượng.

Ảnh minh họa.

Qua tên gọi, người ta có thể hình dung được phần nào về đối tượng được gọi tên. Về tên gọi ví, giặm: ví và giặm là hai thể hát của dân ca xứ Nghệ, bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Người dân nơi đây vẫn thường gọi là hát ví và hát giặm.

Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn tồn tại hai cách gọi về ví, giặm và dân ca nói chung là dân ca xứ Nghệ, ví giặm xứ Nghệ, dân ca Nghệ - Tĩnh, dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh. Vì sao có những cách gọi này, có lẽ là do về mặt địa giới, Hà Tĩnh và Nghệ An chỉ ngăn cách nhau bởi con sông Lam. Phía Nam sông Lam là Hà Tĩnh, phía Bắc sông Lam là Nghệ An.

Mặc dù thuộc hai đơn vị hành chính, song về đặc điểm địa hình, khí hậu cả hai tỉnh đều có những điểm giống nhau. Về thổ âm, thổ ngữ và các phong tục, nếp sống của cư dân hai tỉnh cũng tương đồng. Có thể nói, tuy hai mà là một. Với việc gắn liền tên gọi địa danh các vùng, xứ Nghệ trở thành một danh từ, đơn vị để chỉ riêng một vùng văn hóa được kết tụ các giá trị về vật chất và tinh thần, về tự nhiên và xã hội, về phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, về địa lý, dân cư…

Dù trải qua nhiều thay đổi về tên gọi, cách gọi và sự chia cắt về mặt hành chính, song những giá trị văn hóa truyền thống không hề mất đi, mà ngược lại còn tồn tại và in đậm trong tâm thức của mỗi người, trở thành một nét văn hóa riêng có của vùng miền. Cũng bởi vậy mà tên gọi xứ Nghệ với dân ca xứ Nghệ, ví, giặm xứ Nghệ được hình thành và in sâu trong các thế hệ người dân, có tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa xứ Nghệ và trở thành một định danh gắn bó với cộng đồng hai tỉnh dù đã có sự chia tách về địa giới và tổ chức hành chính.

Tuy nhiên, dù thế nào, vùng văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn là một thể thống nhất không thể tách rời.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh,

Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ
, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh,

Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh
, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.