(Baonghean)-Quyết tâm xây dựng thương hiệu chè sạch, Nguyễn Cảnh Tuấn (xóm 4, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn) đã không ngần ngại từ bỏ công việc ổn định ở một doanh nghiệp và chấp nhận làm lại từ đầu. Và chỉ sau gần 2 năm, thương hiệu chè Mạc Điền đã ra  đời...
 
Xưởng sản xuất chè xanh Mạc Điền còn hết sức khiêm tốn, nằm lọt ở khoảng sân phía sau gia đình anh Tuấn. Vào thời điểm này,  2 máy sấy chè nằm im, công nhân cũng nghỉ việc. Biết chúng tôi thắc mắc, chủ nhà giải thích: Mình đang tập trung xây dựng thương hiệu chè xanh cao cấp, thế nên mùa này nguyên liệu để làm chè không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Chè tốt nhất phải là chè thu hoạch từ tháng Ba đến tháng Mười...
images1462337_nguy_n_c_nh_tu_n__ang_gi_i_thi_u_v__s_n_ph_m_ch__m_c__i_n.jpgNguyễn Cảnh Tuấn trao đổi với phóng viên về những ý tưởng phát triển thương hiệu chè Mạc Điền
 
Nói chuyện với Nguyễn Cảnh Tuấn, cảm nhận sự tự tin, già dặn, kín kẽ khó đoán được năm nay anh chỉ mới chạm ngưỡng 30. Đặc biệt, Tuấn rất say mê về chè. Tuấn cho rằng, việc anh yêu cây chè là điều bình thường bởi gia đình có truyền thống trồng chè nhiều năm. Hơn nữa, Tuấn đang sống ở Hùng Sơn, một trong những địa phương có diện tích chè nhiều nhất của huyện Anh Sơn và anh cũng đã có thâm niên gần 10 năm làm trong nhà máy chè... Cũng vì yêu chè, nên điều mà Tuấn băn khoăn nhất đó là chè Nghệ An dù đã có tiếng nhưng giá thành lại thấp nhất nước. Tình cờ đầu năm 2013, Tuấn về đất chè Thái Nguyên. Tại vùng chè ngon nổi tiếng này, Tuấn nảy sinh ý tưởng về một sản phẩm chè sạch, chất lượng cho quê hương mình. Thôi thúc với dự án trên, Tuấn không ngần ngại bỏ công việc ổn định ở một doanh nghiệp có tiếng và quyết định ra làm ngoài. Thời điểm đó, bố mẹ và nhiều người can ngăn  nhưng Tuấn chấp nhận cho mình một thử thách bởi “đơn giản mình còn trẻ. Nếu thất bại thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để có thể làm lại”.
 
Những ngày đầu khởi nghiệp thật không đơn giản. Tuấn một lần nữa lặn lộn ra vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên) và xin vào làm thuê không công cho xưởng chè Hảo Đạt.  Mất gần nửa năm cần mẫn, Tuấn hiểu vì sao cũng đều là chè, cũng đều một quy trình sản xuất nhưng chè Thái Nguyên lại nổi tiếng và  giá thành cao hơn chè xứ Nghệ? “Để có chè ngon kỹ thuật sao chè rất quan trọng. Thêm nữa là nguyên liệu. Nếu nguyên liệu kém, sao quá lửa chè sẽ bị đỏ. Nếu chè bảo quản không đúng, chè bị ẩm, nước chè cũng không còn xanh”… Tuấn chia sẻ.
 
Khi bắt tay vào sản xuất, Tuấn đặc biệt coi trọng đến phần nguyên liệu. Đơn giản như, để có được tiêu chuẩn chè “một tôm hai tép” (chè một búp, hai lá), Tuấn yêu cầu chè phải hái đúng thời điểm, hái và sao trong ngày. Toàn bộ chè phải hái bằng tay tránh việc chè bị dập, nát hoặc bị lẫn chè không đạt yêu cầu. Quá trình sao chè, không thể  để lửa quá to, cũng không thể vội vàng. Hầu hết các khâu đều làm thủ công bằng tay. Chè sao xong, phải đóng gói cẩn thận, đảm bảo ít nhất phải bảo quản được 2 năm. Đặc biệt, Tuấn xây dựng thương hiệu chè sạch. Trong đó 100% đảm bảo chè không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bởi “ chỉ cần chè có một ít tạp chất mùi vị đã thay đổi”… Mất gần 3 tháng chuẩn bị và mất hơn 2 tạ chè thử nghiệm thất bại, đến giữa năm 2014 những sản phẩm chè đầu tiên ra đời. Riêng về tên gọi thì Tuấn không cần phải đắn đo và quyết định lấy tên là Mạc Điền. Đây chính là tên gọi xưa của vùng đất Hùng Sơn, và đặt tên này Tuấn mong muốn sẽ xây dựng một thương hiệu chè chất lượng cao cho quê hương của mình.
Qua gần 2 năm, thương hiệu chè Mạc Điền đến nay đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Xã và huyện cũng rất ủng hộ ý tưởng của Tuấn và thường đặt hàng để làm quà mỗi khi có sự kiện của địa phương. Bản thân Tuấn cũng xác định những ngày đầu chắc chắn sẽ gian nan, thế nên không ngại khó, vất vả Tuấn trực tiếp đi tiếp thị sản phẩm. Thời gian đầu thấy thương hiệu lạ, không ít người băn khoăn. Nhưng sau một thời gian sử dụng người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng bởi chè Mạc Điền vượt trội về chất lượng và giá thành thì “mềm” hơn nhiều so với chè cùng loại được sản xuất ở các tỉnh, thành khác. Hỏi Tuấn có tiếc không khi quyết định bỏ công việc ổn định để chọn công việc “bấp bênh” này, Tuấn cười: “Em không sợ thất bại. Hơn thế, nhờ “tự lập” nên mình khôn ngoan và mạnh mẽ hơn. Kinh nghiệm chỉ mới 2 năm nhưng bằng gần 10 năm mình đi làm công cho người khác”.
 
Từ ý tưởng của Tuấn, chính quyền xã Hùng Sơn cũng đã lên kế hoạch để phát triển thương hiệu chè Mạc Điền trở thành một sản phẩm chính của địa phương. Trước mắt sẽ giúp đỡ để Tuấn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Tiếp đó, sẽ mở rộng quy mô sản xuất theo hướng mô hình hợp tác xã. Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng: Thực ra để phát triển thương hiệu chè Mạc Điền không khó. Quan trọng nhất là đầu ra. Lợi thế của Hùng Sơn là nguồn nguyên liệu phong phú (hơn 500 ha trồng chè). Người dân cũng có nhiều kinh nghiệm nên không khó để tạo được nguồn nguyên liệu phong phú, có chất lượng.
 
Những thắng lợi bước đầu này cũng đã tạo động lực để Tuấn tiếp tục xây dựng ý tưởng và có những bước đi mạnh bạo hơn nữa trong thời gian tới. Quan trọng hơn, Tuấn đã chứng minh được rằng: dù có khó khăn, nhưng nếu nỗ lực, quyết tâm thì vẫn có thể thành công.
 
Mỹ Hà