(Baonghean) - Nhìn cơ sở sản xuất gạch tuynel trên mặt bằng 2 ha luôn rộn tiếng máy, công nhân làm việc nhộn nhịp, xe ra vào bốc và đổ hàng liên tục, ít ai nghĩ đây là một phần gia sản của một ông chủ từng bị “trọng thương” đến 3 lần trong cuộc đời, mà lần nào cũng “trối chết”... Anh Phạm Tiến Sơn – Trưởng phòng LĐ-TB&XH UBND huyện Nghĩa Đàn nói với chúng tôi: Ở Nghĩa Đàn, bác Lê Văn Đàm là đối tượng chính sách làm ăn táo bạo, có quy mô sản xuất lớn nhất và hiệu quả nhất hiện nay.
Vừa dẫn chúng tôi thăm cơ sở sản xuất gạch Tuynel của gia đình ở khối Tân Hồng, Thị trấn Nghĩa Đàn, người cựu chiến binh hay chuyện Lê Văn Đàm vừa kể về cuộc đời của mình. Năm 1974, tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ và lên đường tham gia kháng chiến. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia tấn công ở Xuân Lộc, Long Khánh. Trên đà thắng lợi tiến về Sài Gòn thì ngày 26/4/1975, ông trúng đạn địch ngay ở Biên Hòa. Sau đó, ông được chuyển ra Bắc và đi học ngành Địa chất; năm 1980, trở thành công nhân địa chất Nông trường Quốc doanh 1/5 Nghĩa Đàn. Để phát triển kinh tế, ông mua lại cơ sở làm gạch của nông trường, nhưng năm 1991 bị mất trắng do chưa có kinh nghiệm quản lý.
Đó là một ngày mà đến nay ông vẫn còn nhớ như in: Vì không có tiền trả nợ, nên chủ nợ đã cho người đến dỡ đi nếp nhà gỗ mới cất từ năm 1987. Lần khác, ông chung tiền làm ăn với một ông chủ ở ngoài Bắc, thuê thợ Bắc vào làm, nhưng do suy thoái kinh tế, các cộng sự và nhân công không đoàn kết, dẫn đến sản xuất đình đốn, hàng hóa ế ẩm, máy móc chất đống, nợ Nhà nước gần 200 triệu, cuối năm 2011, ông lại đứng trước nguy cơ trắng tay. Tuy nhiên, ông Đàm cho rằng, cơ hội làm ăn ở đất Nghĩa Đàn vẫn luôn rộng mở, vì thế, cuối năm 2011, ông quyết tâm vực dậy cơ sở sản xuất gạch bằng phương pháp làm mới: Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tranh thủ sự tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là sử dụng đội ngũ thợ chính có tay nghề chuyên môn cao, được đào tạo qua trường lớp, và sử dụng công nhân lao động ngay tại địa bàn.
Cuối năm 2011, ông Đàm tu sửa lại nhà xưởng, xây dựng trạm biến áp, đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel với dây chuyền sản xuất 50 vạn viên gạch mộc mỗi ngày, hệ thống lò đốt hiện đại 5 khoang nung, mỗi khoang nung được 25 vạn gạch. Tính trung bình, mỗi ngày ra lò một khoang. Do quan tâm phát triển thị trường, tổ chức quản lý lao động và sản xuất chặt chẽ, khoa học, chất lượng sản phẩm tốt và giá cả hợp lý, nên khách hàng đến với cơ sở ngày càng nhiều. Năm 2012, cơ sở ông sản xuất được 2 triệu viên gạch, tổng doanh thu 2 tỷ đồng, thu về lãi ròng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động, với mức lương bình quân mỗi lao động 3,5 triệu đồng/tháng. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, sản xuất được 3,5 triệu viên gạch, tổng doanh thu trên 3 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 350 triệu đồng, tạo việc làm cho 35 lao động, với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Sau gần 4 năm sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, cơ sở của ông đã thanh toán hết các khoản thua lỗ, nợ Nhà nước và tư nhân trước đó để lại; đồng thời, trả hết số tiền vay mượn, huy động để mua dây chuyền sản xuất gạch, lò đốt tuynel và hệ thống nhà xưởng trị giá khoảng 8 tỷ đồng.
Một kinh nghiệm thành công mà ông rất tâm đắc, đó là sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ. Ông Đàm chia sẻ: Những lần trước thất bại là do không tin vào thợ kỹ thuật, vào các tay nghề của địa phương, nên phó mặc và phụ thuộc vào thợ kỹ thuật ở xa, ý thức kém, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Lần này, ông sử dụng toàn bộ thợ kỹ thuật và công nhân trên địa bàn, trong đó ưu tiên đối tượng con em cựu chiến binh, gia đình chính sách. Ví như chị Trương Thị Anh, con ông Trương Công Đồng, thương binh hạng 1 ở xóm Trung Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Thái Hòa) vào làm việc tại cơ sở gạch tuynel của ông Đàm được 4 năm. Chị Anh cho biết: Cùng vào làm một đợt với chị còn có chị Trần Thị Quý là con liệt sỹ, chị Hồ Thị Minh là con cựu chiến binh... Trao đổi với chị Nguyễn Thị Loan, ở xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội, là công nhân của cơ sở được biết: Công nhân lao động ở nhà máy hoàn toàn là người trên địa bàn. Trong đó, chủ yếu là con em ở thị trấn, ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Bình... Người lao động ở đây được tổ chức lao động sản xuất theo ca, giờ giấc và sản lượng được quy định rõ ràng, các chế độ thanh toán kịp thời, vì thế các lao động rất yên tâm làm việc.
Ngoài ra, sử dụng lao động địa phương cũng là một cách hàm ơn của người ông với mảnh đất bao dung này. Bởi theo ông Đàm, lần ông bị chủ nợ đến dỡ nhà năm 1991, ban ngày chủ nợ đến dỡ nhà, thì tối đến bà con xóm Bình Hồng, xã Nghĩa Bình (nay là khối Tân Hồng, Thị trấn Nghĩa Đàn) đã họp xóm và vận động quyên góp ủng hộ gia đình ông, người 500 đồng, người 1 nghìn đồng, người thì ủng hộ lúa, gạo, khoai... Những tình cảm xóm làng ấm áp lúc hoạn nạn đã làm ông vực dậy tinh thần, ý chí vươn lên để trả nợ tình, nợ nghĩa. Ông có 6 người con, thì 3 người con đều cho đi học nghề và về làm việc tại cơ sở. Con trai thứ 3 là Lê Tiến Hội, sau khi học cao đẳng nghề về phụ trách kỹ thuật, điều hành máy sản xuất gạch, con trai thứ 5 Lê Tiến Hòa sau khi học cao đẳng nghề về làm kỹ thuật cơ khí - điện lò nung gạch. Người con trai thứ hai - Lê Tiến Đàn hiện là xưởng trưởng xưởng cơ khí sửa chữa ô tô do ông mở ở phía mặt đường, trước cơ sở sản xuất gạch tuynel. Cơ sở sửa chữa ô tô cũng tạo việc làm cho từ 3 - 5 lao động có nghề.
Bên cạnh việc sản xuất gạch tuynel, gia đình ông Đàm còn tận dụng các ao, hồ lấy hết đất làm gạch để cải tạo thành ao nuôi cá, lúa với diện tích khoảng 1.000m2. Trong 6 tháng năm 2012, thu hoạch 2.2 tấn cá, 1 tấn lúa, thu 120 triệu đồng, lãi 40 triệu đồng. Năm 2013, dù bị lũ lụt, nhưng ao cá của ông Đàm vẫn duy trì sản xuất để giải quyết việc làm và cung ứng thực phẩm cho gia đình và trong vùng. Bên cạnh đó, ông Đàm còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 2004 đến 2014, liên tục trong 10 năm ông làm xóm trưởng, khối trưởng khối Tân Hồng, luôn được bà con nhân dân và cán bộ địa phương tín nhiệm. Năm 2012, Thị trấn Nghĩa Đàn gặp khó trong việc tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn do đơn vị thực hiện hợp đồng làm việc thiếu trách nhiệm, rác thải không thu dọn hết, người dân bất bình, phản đối. Lãnh đạo thị trấn đã vận động gia đình ông đảm nhận việc thu gom rác thải cho thị trấn, vì có phương tiện vận chuyển. Biết việc này, người nhà ông Đàm đều không đồng tình.
Tuy nhiên, trách nhiệm với cộng đồng, ông Đàm đã quyết định đảm nhận việc thu gom rác thải cho toàn thị trấn. Gia đình chỉ có một chiếc xe tải 2,5 tấn, mỗi tuần 2 ngày sử dụng xe đi thu gom rác thải, thì việc vận chuyển gạch tạm thời bị gián đoạn, hoặc phải thuê xe ngoài. Từ khi nhận thêm dịch vụ thu gom rác thải đến nay đã 3 năm, ông Đàm vẫn vui vẻ bảo: “Mình quyết định nhận làm là đúng. Mình có thiệt thòi chút ít, nhưng cũng giúp cho địa bàn được xanh – sạch – đẹp”. Việc thu gom rác thải cũng giúp ông giải quyết cho 3 lao động có việc làm ổn định vào các ngày thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó, gia đình ông Đàm còn đi đầu trong việc ủng hộ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, phong trào khuyến học, khuyến tài, Ngày Vì người nghèo của địa phương như: nhận nuôi dưỡng cháu Phan Thị Thủy, ở khối Tân Hồ bị đau tim nặng cho đến khi qua đời; hỗ trợ anh Trương Công Cường thuộc diện hộ nghèo 30 triệu đồng không lấy lãi để xây nhà ở…
Bài, ảnh: Đức Dương