Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, thông tin về những chính sách cho người lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc muốn hồi hương.
PV: Thưa ông, phía Hàn Quốc có những chính sách hỗ trợ gì hay không?
+ Theo quy định của phía Hàn Quốc, những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này nếu tự nguyện đăng ký về nước trong thời gian từ 1-4 đến 30-9 sẽ không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc, được miễn xử phạt, được trở lại Hàn Quốc sau khi được cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài cấp thị thực.
PV: Người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thắc mắc rằng họ cần làm những thủ tục gì, liên hệ với cơ quan nào để đăng ký tự nguyện về nước?
+ Có hai cách đăng ký: Mang hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Hàn Quốc để đăng ký làm thủ tục tự nguyện về nước.
Hoặc họ có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc (số điện thoại 02 393 6868) hoặc Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (số điện thoại 02 364 1043/45) để được hướng dẫn chi tiết thủ tục khai báo.
PV: Khi về nước, người lao động có phải đăng ký với chính quyền?
+ Tại Việt Nam, sau khi về nước, người lao động cần khai báo với cơ quan chức năng theo các bước sau: Đối với những người đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì khai báo tự nguyện về nước tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, đồng thời nộp kèm theo một bản phôtô hộ chiếu hoặc giấy thông hành.
Đối với những lao động chưa bị xử phạt vi phạm hành chính: Gửi một bản phôtô hộ chiếu hoặc giấy thông hành về Trung tâm Lao động ngoài nước (số 1 Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 04 3734 6751).
PV: Sau ngày 30-9-2016, người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn không đăng ký tự nguyện về nước thì họ bị chế tài gì theo luật pháp Việt Nam lẫn Hàn Quốc?
+ Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Trường hợp bị phát hiện sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (tương đương 768 triệu đồng Việt Nam - PV) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trường hợp không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Sau đó, những lao động này sẽ bị trục xuất về nước.
Về phía Việt Nam, các trường hợp không đăng ký tự nguyện về nước trong thời gian ân xá thì từ ngày 1-10-2016 sẽ bị xử phạt theo NĐ 95/2013/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 100 triệu đồng.
15.000 lao động đi theo chương trình EPS (Chương trình luật cấp phép lao động nước ngoài) đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm 34% tổng số lao động nước ngoài bất hợp pháp theo chương trình này. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH |
Theo PLO