(Baonghean) - Chúng tôi từng may mắn có cuộc gặp gỡ ông Nguyễn Văn Phượng (nay đã mất) - nguyên Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, người được phân công nhiệm vụ đón tiếp Bác Hồ trong những lần về thăm quê.

Qua lời kể của ông Phượng, chúng tôi được hiểu thêm về con người và nhân cách Hồ Chí Minh.

Khi Bác về thăm quê lần thứ nhất năm 1957, lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ định ông Nguyễn Văn Phượng - cán bộ Văn Phòng Tỉnh uỷ, ông Đặng Thọ Cán - Chánh Văn phòng UBND tỉnh tiếp cận phục vụ Bác.

Lúc ấy, nhà của Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ có 3 gian, gian giữa tiếp khách, một gian làm chỗ ở của đồng chí Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh uỷ, một gian làm chỗ ở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu uỷ Liên khu IV. Ông Khoát tạm thời sơ tán để Văn phòng dọn dẹp, thu xếp làm chỗ nghỉ của khách, mãi chiều tối 13/6/1957 các đồng chí Thường vụ Tỉnh uỷ mới biết tin Bác về thăm  quê.

Nhân dân Thị xã Vinh đón Bác tại sân bay Vinh (năm 1961) (ảnh tư liệu)
Nhân dân Thị xã Vinh đón Bác tại sân bay Vinh (năm 1961). Ảnh tư liệu

Tối 13/6, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá - đồng chí Ngô Thuyền dẫn đầu đoàn tháp tùng xe Bác đến khe Nước Lạnh giáp giới Thanh Hoá - Nghệ An, tại đây các đồng chí: Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Sỹ Quế - Chủ tịch UBND tỉnh đã có mặt để đón Bác. Xe Bác vào thẳng Hội trường Tỉnh uỷ, nơi mọi người đang nóng lòng chờ đón. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo Lễ đón phải ngắn gọn để Bác nghỉ sau gần một ngày trên lộ trình 300 cây số.

Sáng ngày 14/6, Bác gặp BCH Tỉnh uỷ, đến tối hôm đó gặp Đoàn chuyên gia đến từ khắp các nước cộng hoà thuộc Liên Xô đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh. Suốt buổi chiều hôm đó ông Phượng và ông Cán lo sửa soạn hội trường để 19h tối Bác gặp các chuyên gia. Công việc gần xong thì khoảng 17h Bác bách bộ vào hội trường, Người đẹp như tiên ông, râu bạc, tóc bạc; bộ quần áo nâu quen thuộc. Bác hỏi: “Các chú chuẩn bị để tối nay Bác tiếp chuyên gia Liên Xô tại đây?”.

 “Dạ!” – ông Phượng đáp lời Bác. Bác đưa mắt nhìn chiếc ghế gụ đặt trang trọng giữa Hội trường: “Các chú đặt chiếc ghế gụ này để làm gì?”. Hai ông đang lúng túng chưa biết trả lời Bác thế nào, Bác hỏi tiếp: “Có bao nhiêu khách?”.  Ông Phượng đáp: “Thưa Bác! 40 chuyên gia, 20 cán bộ của Trung ương và tỉnh!”. “Các chú có đủ 60 chiếc ghế gụ không”- Bác lại hỏi tiếp.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đón Bác tại sân bay Vinh (năm 1961). Ảnh tư liệu

“Thưa Bác, chỉ có 4 chiếc, chúng cháu mang đến một chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng!” – ông Phượng và ông Cán thay nhau trả lời. Nghe vậy, Bác liền nói: “Các chú hãy cất chiếc ghế gụ đi, để Bác ngồi chung với mọi người!”. Dù rất băn khoăn nhưng hai cán bộ văn phòng cũng phải khiêng chiếc ghế gụ trả về chỗ cũ.

Bác nhìn lên hai chiếc quạt trần trong hội trường: “Bữa nay trời nóng, liệu hai chiếc quạt có đủ mát cho sáu chục người không?” Ông Phượng và ông Cán thực sự lo lắng. Bác nói tiếp: “Các chú điện sang Thương nghiệp nhờ mua 60 chiếc quạt giấy, không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, quạt mo cau cũng được, miễn là mỗi người một chiếc để mọi người tự quạt lấy!”.

Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia sử dụng hai thứ tiếng Việt và Nga, đồng chí Sức là phiên dịch tiếng Nga tốt nhất của Nhà máy điện Vinh được giao nhiệm vụ phiên dịch. Bốn mươi chuyên gia đến từ các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, khi Bác trực tiếp nói chuyện với từng người thì đồng chí Sức không chuyển ngữ nổi, bởi đồng chí chỉ được học tiếng Nga Matxcơva phổ thông. Thấy vậy, Bác bảo: “Cháu ngồi xuống để Bác nói chuyện trực tiếp với khách!”.

Bác nói đại ý rằng, cũng như các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, đất nước Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, đang gặp phải muôn vàn khó khăn và thiếu thốn. Các đồng chí sang đây giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy điện trên quê hương của Bác, mong các đồng chí sớm hoàn thành công việc, có điện là có tất cả! Sau lời mở đầu của Bác, cả Hội trường râm ran tiếng Việt và tiếng Nga, sự đồng cảm sẻ chia đã xua đi ranh giới giữa chủ và khách.

Mọi người vui vẻ cụng những ly bia, ăn bánh kẹo và hoa quả. Đang giữa cuộc vui,  các chuyên gia Liên Xô đồng loạt viết lên nan quạt dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Mãn cuộc vui, các bạn sung sướng xin được cất giữ những chiếc quạt giấy - món quà đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm kỷ niệm.

Bác hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Tỉnh ủy Nghệ An (năm 1961).  Ảnh tư liệu

Năm 1961, Nghệ An tổ chức đón Bác về thăm quê lần 2 rất long trọng, ông Nguyễn Văn Phượng lại vinh dự được đồng chí Võ Thúc Đồng – Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tổ chức tiếp đón. Bấy giờ cả Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ có 2 chiếc xe cũ, lãnh đạo tỉnh quyết định mượn chiếc xe mới của Quân khu IV ra sân bay Vinh đón Bác. Xe được trải ga trắng và kết hoa xung quanh.

Đúng 12h30 phút ngày 08/12, máy bay hạ cánh, các đồng chí Chu Huy Mân - Chính uỷ Quân khu IV, Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh uỷ, Võ Trọng Ân - Phó chủ tịch UBND tỉnh mời Bác lên chiếc xe. Bác nhìn khắp lượt, Người nhanh nhẹn tiến đến chiếc xe u - oát của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, rồi bảo các đồng chí bảo vệ tháo tấm bạt để Bác vẫy chào đồng bào hai bên đường.

Khi các đồng chí trong Tỉnh uỷ và Quân khu đang tập trung đón Bác tại Nhà khách, vừa bước xuống xe Bác bảo đồng chí Võ Thúc Đồng dẫn vào nhà ăn tập thể. Người tự tay nâng chiếc lồng bàn trong đó đã bày cơm trắng và mấy món ăn thịnh soạn, Bác nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: “Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ?”.

Bác hồ kiểm tra mâm cơm tại nhà ăn tập thể của Tỉnh ủy Nghệ An (năm 1961). Ảnh tư liệu

“Thưa Bác! Hôm nay Bác về thăm quê cơ quan quyết định cho anh em cải thiện, ngày thường không có đâu ạ!”- đồng chí Võ Thúc Đồng trả lời Bác. Hôm ấy, văn phòng chuẩn bị bữa trưa thịnh soạn để tiếp Bác, gần đến giờ khai tiệc nhận thông tin Bác sẽ dùng cơm với đồng chí Võ Thúc Đồng và Nguyễn Sỹ Quế tại phòng riêng (ngoài ra có đồng chí Nguyễn Khai – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương).

Ông Phượng xuống nhà bếp lấy cơm và thức ăn, trong đó có 2 món cà Nghi Lộc tương Nam Đàn, mọi thứ được bày soạn tươm tất trên bàn. Bác cùng 3 người ăn hết gói cơm độn ngô Người mang theo, sau đó mới dùng đến cơm do Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị. Bác khen cà Nghi Lộc ngon, tương Nam Đàn tốt, đậm hương vị quê nhà.  

Qua câu chuyện của ông Nguyễn Văn Phượng, chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm của Bác dành cho quê hương và thêm thấm thía những bài học về nhân cách và tư tưởng của Người. Ở đó, toát lên sự gần gũi, giản dị và thương yêu đồng bào, đồng chí của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. 

Giao Hưởng - Công Kiên

TIN LIÊN QUAN