Gắn mác tinh vi để “hô biến” đồ Trung Quốc thành hàng "Made in Vietnam," hay bằng thủ đoạn quảng cáo tải ứng dụng xem phim miễn phí, hệ thống chợ nội dung số mmoney.vn đã khiến khoảng 700 thuê bao “sập bẫy” bị chiếm đoạt số tiền trên 9 tỷ đồng đã làm dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng về vấn đề sử dụng các phương thức điện tử hàng ngày.
Tuy đã bước sang năm thứ 3 sau khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng đi vào cuộc sống nhưng dường như người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc những người hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để họ thực thi những quyền lợi được hưởng.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo: “Không lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị người kinh doanh móc túi.”
Nhiều chiêu trò “móc túi” chuyên nghiệp
Chỉ cần vài cái click chuột vào một đường link hot như “diễn biến mới của vụ án Cát Tường,” xem clip hot của hoa hậu…là người tiêu dùng đã vô tình cho phép phần mềm gián điệp thâm nhập vào điện thoại của mình. Trong vụ án mà công an Hà Nội mới khám phá, thậm chí có những tin nhắn rất đời thường, rất dễ trả lời cũng bị đem ra làm mồi nhử.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc vì một ngày nhận được đôi, ba chục tin nhắn điện thoại với các nội dung quảng cáo, chào mời dịch vụ hoặc dụ dỗ chơi cá cược… Các tin nhắn này phần lớn có mục đích lừa đảo, hướng dẫn người xem thực hiện theo các yêu cầu để có thể thu lợi bất chính. Biết vậy, nhưng ai cũng ngại lên tiếng để ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của chính bản thân mình. Những người biết đến Luật thì cũng chậc lưỡi cho qua vì cho rằng có “gõ cửa” các cơ quan công quyền để nhờ can thiệp thì lại ngại va chạm và dễ dàng bỏ qua.
Một trong những chiêu trò nữa đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là lựa chọn mua hàng Việt cho an toàn, nhiều cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” mọc lên như nấm trên khắp các con phố Thủ đô. Đặc biệt, trên các diễn đàn mua bán, mạng xã hội,... thị trường này sôi động hơn cả. Chỉ cần gõ từ khóa “Việt Nam xuất khẩu,” hàng trăm các shop online hiện ra trong nháy mắt, với những lời quảng cáo rầm rộ, có cánh.
Chị Mộc Miên nhân viên văn phòng tại Hà Nội phản ánh: “Không tin tưởng quần áo Trung Quốc, từ lâu mình chuyển sang dùng hàng Việt Nam, thường là hàng Việt Nam làm xuất khẩu của các hãng như Mango, Zara, Forever 21...”
Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện nhiều chiếc áo, váy mua về nhà có hiện tượng mác gắn ở cổ áo bị cắt một nửa. Lật tìm trong thân áo chị mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ “Made in China” in chìm trên mác. Dẫu biết rằng những thương hiệu có tên tuổi trên thế giới vẫn được sản xuất gia công ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác, song vấn đề ở chỗ chị vào hàng "Made in Vietnam" để mua hàng hiệu sản xuất ở Việt Nam, không phải ở nước khác. Quần áo đã mặc rồi nên chị chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt,” biết để tránh cửa hàng đó ra và rút ra được kinh nghiệm mua hàng cho bản thân.
Trên thực tế, lợi dụng các cửa hàng "Made in Vietnam" đang được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều cửa hàng đã trà trộn bán hàng giả "Made in Vietnam," giới bán hàng vẫn gọi là "hàng dựng," tức là hàng may trong nước, hoặc hàng nhái nhập từ Trung Quốc rồi gắn mác made in Vietnam và bán trà trộn với hàng "Made in Vietnam" thật để đánh lừa người tiêu dùng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ không chỉ là vấn đề kinh tế, bây giờ nhìn vào các lĩnh vực đo lường, dịch vụ…, thậm chí cả y tế đều thấy hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Những hành vi này càng nguy hiểm hơn khi người tiêu dùng bị xâm phạm từ dược phẩm, hay thực phẩm nhiễm tồn dư thuốc bảo quản, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích…
Năm 2013, Hội đã tiếp nhận trên 1.000 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã xử lý thành công trên 75% vụ việc. Trong số chưa thành công có một phần lỗi từ người tiêu dùng mua hàng nhưng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí.
Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, chính việc không lên tiếng đó khiến người kinh doanh tiếp tục “móc túi" người tiêu dùng. Nhỏ nhất là người tiêu dùng bị ăn gian về trọng lượng. Một gói đường, một gói mỳ chính thiếu một chút thì một tháng, một năm, người kinh doanh đã “móc túi” người tiêu dùng một lượng không nhỏ.
Chủ động bảo vệ mình
“Người tiêu dùng bị xâm hại không biết phản ánh tới đâu, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và Hội Bảo vệ người tiêu dùng”- ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) thẳng thắn nhận xét.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, mức độ xâm hại người tiêu dùng ngày càng tăng, số lượng phản ánh mà Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận được từ người tiêu dùng cũng tăng dần lên, nhưng chưa phản ánh đúng tình hình. Với một nền sản xuất như hiện nay thì những phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng đến các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp chắc chắn phải hơn nhiều.
Sau 3 năm Luật bảo vệ quyền lợi tiêu dùng có hiệu lực, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Luật vẫn còn không ít vấn đề bất cập nảy sinh. Không những thế, công tác tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Qua những cuộc trắc nghiệm nhỏ của Hội cho thấy số người tiêu dùng nắm vững luật còn rất ít.
Ngoài ra, Luật có một chương riêng, quy định chức năng của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong đó có chức năng giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, "đến nay, Hiệp hội vẫn chưa được cấp kinh phí để hoạt động. Theo đó, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam còn có thẩm quyền trong việc đưa một vụ việc ra tòa nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng", ông Hùng nói.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cố gắng hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các công cụ hỗ trợ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và có thể liên lạc trực tiếp, phản ánh về sự xâm hại.
Ngoài ra, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã hoàn thành website bảo vệ người tiêu dùng và liên kết với hệ thống các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Asean nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn . Tuy vậy vẫn nên phổ biến kiến thức rộng rãi từ chính người tiêu dùng để họ được nâng cao nhận thức, quyền được pháp luật bảo vệ để khi bị xâm hại, họ phải biết làm gì, khiếu nại ở đâu.
Đặc biệt, việc hợp tác giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương là vô cùng quan trọng nhằm tăng cường tính hiệu quả của công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá.
Ông Nguyễn Phương Nam cũng cho rằng cần phải có một chính sách chiến lược toàn diện về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải được trang bị đầy đủ các công cụ pháp lý cần thiết và được chỉ đạo xuyên suốt để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả cao. Vấn đề còn lại là người tiêu dùng phải được giáo dục, được trang bị đầy đủ các kiến thức có liên quan để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.
Theo Vietnam+