Áp dụng công nghệ vào hệ thống quản lý truy xuất, người tiêu dùng ở TP.HCM có thể dùng smartphone để kiểm tra nguồn gốc thịt heo.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc là một phần của dự án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” được UBND TP.HCM giao cho Sở Công thương thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Sở Công thương vừa báo cáo UBND TP.HCM về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt lợn bằng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hội Công nghệ cao TP.HCM là đơn vị được giao nghiên cứu, triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo. Công nghệ dựa trên nền tảng “Te-card” của châu Âu. Thịt heo khi được quản lý bởi chuỗi ứng dụng công nghệ này sẽ qua một con tem.

Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh quét lên “con tem” và biết được ngay đầy đủ thông tin: xuất xứ trại heo, ngày xuất chuồng, tên kiểm dịch viên (trại), thời gian giết mổ, lò giết mổ, kiểm dịch viên (lò mổ), tên chợ sỉ, tên đại lý bán sỉ, tên chợ lẻ, tên tiểu thương, thời gian nhập hàng, thời gian bán hàng...

Để truy xuất được thông tin, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau (sản xuất theo công nghệ khắc laser tại Malaysia, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao, chống giả mạo và không thể tháo ra lắp lại), chế độ theo dõi được kích hoạt liên tục cho đến khi con lợn xuất chuồng. Lợn đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.

images1630655___nh__di_p___c_minh__thanh_ni_n__57943964130fd.jpgẢnh: Diệp Đức Minh; Thanh niên

Tổng chi phí truy xuất nguồn gốc cho một con lợn từ trang trại đến bàn ăn mất 9.800 đồng. Thông tin được lưu trữ đến 10 năm bằng cơ sở dữ liệu.

Chỉ bằng một chiếc smartphone có cài ứng dụng, người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng cần lưu ý ở khâu phân phối. Theo đó, thịt khi ra chợ được phân ra nhỏ lẻ để bán, con tem được tiểu thương mua về có thể mang dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. Vì vậy, người tiêu dùng dù soi tem ra thịt sạch, nhưng thực chất nguồn gốc miếng thịt thì chẳng ai biết được.

Dự kiến chương trình bước đầu sẽ triển khai tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ sỉ là Bình Điền và Hóc Môn; 5 chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông; các chuỗi siêu thị là Co.opmart, Satra Foods, Vissan và Sagrifoods.

Sau thử nghiệm thí điểm với thịt lợn, sẽ triển khai mở rộng ra toàn thành phố và các mặt hàng khác như rau, củ quả…

Theo Tri thuc tre

 

TIN LIÊN QUAN