Anh Phùng Đức Bình, phường Nghi Thu (T.X Cửa Lò)
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ cao cấp đến bình dân, khiến người dân chúng tôi như lạc vào “ma trận” của hàng thật, giả trên thị trường.
Chúng tôi không có nhiều kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn để có thể xác định được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, nên việc mua phải hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra hàng ngày, ảnh hưởng đến chính sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, vừa “tiền mất, tật mang” cũng vừa làm giảm uy tín các nhà sản xuất chân chính.
Không chỉ hàng hóa bày bán tràn lan tại các chợ, siêu thị mà trên các trang mạng xã hội, việc buôn bán hàng hóa ngày càng phổ biến với nhiều hình thức đăng bài, livestream bán hàng. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng đăng bán, quảng cáo hàng thật nhưng ship hàng giả, hàng kém chất lượng.
Người dân chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc kiểm soát, xử lý việc bán hàng qua mạng.
Bà Trần Thị Hoa – Tiểu thương chợ Vinh
“Tôi kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo tại chợ Vinh, đây là một trong những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái trên thị trường, nhất là vào dịp cuối năm. Đối với các mặt hàng này, tiểu thương chúng tôi thường nhập hàng theo 2 con đường, nếu hộ nào có điều kiện sẽ đánh xe hàng đến nhập hàng trực tiếp tại nhà máy bánh, kẹo với giá ưu đãi. Ưu điểm của hình thức này là biết được chính xác nguồn gốc xuất xứ của bánh, kẹo, thực phẩm. Số còn lại không đến được nhà máy sản xuất thì nhập hàng tại các đại lý lớn rồi mang về bán lẻ.
Công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, do đó có khi chính tiểu thương cũng không phân biệt được hàng thật, giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Có những hộ thường xuyên nhập hàng tại đại lý, gọi là “khách quen” trong làm ăn nên thường tin tưởng nhau, do đó, việc kiểm định chất lượng hàng hóa cũng không đặt nặng, đó là lỗ hổng để hàng giả, hàng nhái có thể tồn tại trên thị trường…
Ông Võ Văn Quế - Phó ban Quản lý chợ Vinh
“Với đặc thù là chợ lớn nhất của Nghệ An nên việc giao thương, buôn bán tại chợ Vinh rất sầm uất, mỗi ngày với hơn 1.800 ki-ốt hoạt động. Do diện tích lớn, gian hàng nhiều nên việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng luôn được BQL chợ đặt lên hàng đầu và thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an phường Hồng Sơn ra quân kiểm tra.
Mặc dù vậy, vào những dịp cao điểm, nhất là cuối năm vẫn phát hiện ra các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng… tập trung chủ yếu tại đình chính, nơi buôn bán các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng… và đình Tây, nơi buôn bán lương thực, thực phẩm, bánh, kẹo.
Quá trình kiểm tra, kiểm soát vẫn còn nhiều khó khăn, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường hoạt động tinh vi, trong khi đó lực lượng của BQL chợ còn mỏng, không có chuyên môn sâu về việc giám định hàng hóa thật, giả, do đó, khi nghi ngờ một ki-ốt, gian hàng có hàng kém chất lượng chúng tôi phải liên hệ ngay với lực lượng quản lý thị trường để giám định và phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, BQL chợ cũng thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh để các tiểu thương, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với hàng giả, hàng nhái…
Bà Nguyễn Thị Khuyên – Chủ tịch UBND xã Tân Hợp (Tân Kỳ)
Một thực trạng đang tồn tại hiện nay là dù người dân phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng cho qua vì tâm lý ngại kiện cáo, ngại đụng chạm, không dám lên tiếng vì sợ “phiền”.
Do đó, để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, để họ tự giác tố cáo những hành vi gian lận. Bên cạnh đó, cần động viên, khen thưởng xứng đáng cho các cá nhân khai báo khi phát hiện những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái...