Cụ thể, dự thảo đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng, cũng như 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thiên về hướng đề xuất ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng. Cùng với đó, những người sở hữu nhà cũng sẽ phải nộp thuế 0,3 - 0,4% cho đất mình sở hữu. Giá trị tính thuế đất là giá UBND tỉnh, TP công bố tại thời điểm tính thuế.
Thuế chồng thuế
Với cách tính như trên sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Bởi theo quy định hiện nay, mỗi hộ gia đình sẽ thực hiện nộp thuế đất hằng năm với mức thuế suất từ 0,03 - 0,15% tùy diện tích trong hạn mức, hay vượt hạn mức, đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư... Có nghĩa là nếu luật Thuế tài sản có hiệu lực, người dân sẽ phải chịu 2 lần thuế. Trong trường hợp bỏ thuế đất, áp dụng luật Thuế tài sản thì tiền thuế mà người dân phải đóng sẽ tăng lên từ 2 - 10 lần so với trước kia.
Chưa kể, để có được tài sản nhà đất, người dân thường phải tích lũy thu nhập trong một thời gian dài. Những thu nhập này là thu nhập sau thuế khi cá nhân đã thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân. Xây nhà, họ phải đóng thuế giá trị gia tăng khi mua các vật liệu xây dựng, tiền hoàn công nhà, phí bản vẽ... Đến khi thực hiện bán nhà đất, người dân sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước như tiền chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá bán... Nếu tính thêm thuế tài sản thì các loại thuế này lại chồng lên nhau.
Một thực tế khác là hầu hết người dân mua nhà đất, đặc biệt là giới trẻ thường sử dụng vốn vay ngân hàng trả góp từng tháng. Việc áp dụng thuế tài sản sẽ làm cho nhu cầu mua nhà đất, vay mua nhà đất sẽ chững lại.
Hàng triệu người đóng thuế tài sản
Không đồng tình với dự án luật Thuế tài sản, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật ITPC, nhận xét: “Tôi cảm thấy những quy định dự kiến áp dụng mang cảm tính cao mà không xét đến thực tế hiện nay người dân đang chịu quá nhiều mức thuế. Những tài sản như đất đai, nhà cửa, ô tô, du thuyền đã đóng thuế đất, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân khi mua bán... bắt đóng thêm thuế tài sản là thuế chồng thuế. Với người dân, nhà đất là một tài sản hợp pháp, phải tích cóp trong thời gian dài mới có được, nay phải nộp thuế tài sản khiến họ không hài lòng”.
Ông Hùng cho rằng bất động sản thường có giá trị lớn nên việc áp dụng thuế đối với lĩnh vực này sẽ tăng thu nhanh. Nhìn vào sẽ thấy thuế này nhằm tăng thu ngân sách nhiều hơn tạo sự công bằng vì gần như tất cả người dân, đặc biệt ở những TP lớn, hầu hết người dân sẽ chịu sắc thuế này vì ngưỡng thuế quá thấp. Ở Hà Nội, TP.HCM..., giá trị nhà trên 700 triệu đồng rất nhiều nhưng đã phải đóng thuế, trong khi đó ô tô, du thuyền... trên 1,5 tỉ mới chịu thuế. Tôi không hiểu cơ sở nào đưa ra các mức này.
Ông Hùng nêu vấn đề và phân tích: “Ban soạn thảo đưa ra lý lẽ theo thông lệ quốc tế, quốc tế thì cũng có nước làm, có nước không, vậy sao không làm theo những nước không áp dụng sắc thuế này. Những nước áp dụng thuế tài sản, họ có thu các loại thuế khác như VN hay không cũng cần làm rõ. Cứ mỗi năm, cơ quan tài chính lại nghiên cứu để áp dụng một sắc thuế mới hay tăng thuế cũ sẽ khiến người dân hoang mang, gây bức xúc không ít”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nhiều nước áp dụng thuế tài sản nhưng an sinh xã hội của họ cao, VN nếu có muốn áp dụng cũng phải xem lại sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển cũng như thu nhập của người dân. Thuế tài sản thường đánh vào người giàu, vào nhà cửa, ô tô, du thuyền... có giá trị lớn cỡ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Còn quy định dự thảo VN đưa ra ở mức 700 triệu đồng, hay 1 tỉ đồng thì những người thu nhập thấp cũng sẽ chịu.
“Cách đây vài năm, các cơ quan triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mua nhà có giá trị dưới 1,05 tỉ đồng. Vậy tiêu chí nào ban soạn thảo đưa ra nhà trên 700 triệu đồng đóng thuế tài sản?”, ông Đức đặt câu hỏi.