(Baonghean) -Hồi bé nhà gần chợ Ngã Sáu, suốt ngày lon ton theo bà đi chợ. Hôm nào hư bị mẹ đánh đòn phải ở nhà là mình buồn ghê lắm, vì không được ăn bánh bèo của bà béo đầu chợ. Có thế thôi mà gọi là chợ Ngã Sáu “thần thánh” thì hơi điêu, thật ra chỉ có mỗi một góc chợ khiến mình rờn rợn một cái gì không thuộc về cõi trần. Ấy là hàng vẽ truyền thần - khắc bia đá ảnh mộ của một ông già tóc cước. Bây giờ hình như cái nghề ấy đã mai một rồi.
Bẵng đến một hôm đi đám cưới cô bạn cấp 2, giật mình trước bức tranh truyền thần thay cho ảnh cưới như ở các đám cưới thông thường. Ai cũng xuýt xoa khen người vẽ sao mà khéo thế, tranh như người, có hồn, có thần. Cô bạn kéo mình vào một góc, thủ thỉ mách rằng vẽ ở đâu, ai vẽ để “sau này mày cưới thì biết chỗ mà vẽ”. Mình cười bẽn lẽn, cô dâu trong bức tranh như đang nháy mắt với mình. Hết cả hồn!
Không phải vì lời giới thiệu có cánh của cô bạn mà có lẽ vì chút hoài niệm, ám ảnh về ông già vẽ truyền thần của chợ Ngã Sáu xưa, mình tìm đến phòng tranh của anh Chu Vinh Đức - người vẽ truyền thần duy nhất của Thành phố Vinh. Căn nhà xây theo kiểu nhà ống cũ từ những năm 80, 90 nằm gần đường tàu hoả toát lên một vẻ gì trầm tư giữa bộn bề tàu xe. Tầng 1 của căn nhà được anh Đức thuê toàn bộ để làm xưởng vẽ, thoáng trông có chút bừa bộn, ngổn ngang nào giá để bút, màu; giá vẽ; máy cắt khung tranh. Một bên tường treo những bức tranh sơn dầu thuỷ mặc màu sắc tươi sáng, tương phản hoàn toàn với sắc đen - trắng của những bức vẽ truyền thần treo đối diện. Những người trong tranh toát lên vẻ cũ kỹ với cái nhìn tạo nên một thứ áp lực mơ hồ. Như thể không khí trong căn phòng bỗng trở nên ngột ngạt, bao trùm một cảm giác bị dõi theo bởi những đôi mắt lạ qua cửa sổ thời gian bụi bặm. Hoặc cũng có thể là mùi sơn váng vất quyện vào kí ức về ông già vẽ truyền thần đã khiến mình mụ mẫm đi trong căn phòng nhuốm màu cổ xưa.
Chính chủ nhân của căn phòng này cũng đầy mâu thuẫn như những mảng màu đối lập trên hai bức tường. Anh tiếp chuyện khách bằng giọng điệu vui tươi, nhưng những câu chuyện phảng phất buồn của anh cứ gợi nhớ về lớp người của một thời xưa cũ. Anh kể chuyện năm lên 4 tuổi, hai chân anh bị bại liệt sau một trận sốt, không quên chêm vào một câu bông đùa: “Buổi chiều hôm ấy mình vẫn theo bố đi nhổ lạc cơ đấy!”. Rồi chuyện bố anh xuất ngũ đưa anh đi chạy chữa trong Nam ngoài Bắc, chuyện tập đi đau đớn và khó khăn, chuyện vòi bố mẹ mua sách vở để anh tự học ở nhà, chuyện học Tiếng Anh... nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất là chuyện anh ngồi lì trước phòng tranh của một ông hoạ sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nằng nặc đòi “bái sư”. Anh vừa cười vừa kể: “Thật ra hồi bé mình cũng thích vẽ, cũng đi học ở Ten-lơ-man. Lần ấy tình cờ đi ngang qua một phòng tranh, thích quá nên nài nỉ xin học. Mới đầu ông ấy không chịu nhưng mình lì, cứ ngồi “ăn vạ” mãi. Sau ông thầy mới chịu thua, bảo mình về xin bố tiền mua màu, giấy, bút rồi quay lại. Đúng là “đẹp trai không bằng chai mặt!”. Học nghề đến năm 1998 thì anh về Vinh, đến năm 2000 mở xưởng vẽ.
Anh Chu Vinh Đức tại phòng tranh ở số 10, đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh).
Ảnh: Thục Anh
Ngắm những bức tranh truyền thần vẽ trên thứ giấy lụa màu trắng ngà cũ kỹ, tưởng như những con người đang im lặng, bất động kia sẽ bất chợt bắt chuyện với mình lúc nào không hay. Anh Đức kể về từng bức tranh, say sưa và trìu mến như nói về cố tri, bằng hữu. Này là Lê Công Tuấn Anh, anh vẽ đúng vào dịp nam diễn viên này mất. Này là Bae Yong Joon, tài tử Bản tình ca mùa đông mà các cô thiếu nữ thời ấy si mê. Còn đây, tranh một cô bạn nhờ anh vẽ tựa theo bức ảnh thời cấp 3 trong veo như trẻ con, có lẽ để lưu giữ một thuở ngây ngô đã đánh mất đi rồi, khi đề huề chồng con lại đem ra hồi tưởng. Những bức tranh trên 10 năm tuổi mà anh không nỡ bán - những bức tranh không già đi bao giờ, lưu giữ một tuổi xuân, một con người như trêu ngươi quy luật luân chuyển của tạo hoá.
Nghề vẽ tranh truyền thần quả đã mai một rồi - cuộc gặp gỡ với anh Đức khiến cho suy nghĩ của mình được xác thực. Người ta tìm đến anh chủ yếu để đặt những bức tranh thuỷ mặc để chưng chơi. Ngày Tết, có ngày anh nhận đặt hàng đến 10 bức, còn tranh truyền thần thì anh chỉ nhận vẽ vào ngày thường. Chính ra vẽ tranh truyền thần khó hơn vẽ tranh phong cảnh nhiều, vì cái người ta cần không phải là vẽ sao cho đẹp hơn thật mà vẽ sao cho giống. Mà có phải chỉ giống thôi là đủ? Phải thổi vào đó cái hồn, cái thần của người làm mẫu, rồi mấy mươi năm sau trông tranh lại nhớ đến người. Làm được như thế, người vẽ phải sống trong tranh và người trong tranh phải sống trong từng nét bút. Để rồi khi tranh vẽ nên thì câu chuyện của người làm mẫu cũng thành câu chuyện của người vẽ - một dạng thần giao cách cảm chăng?
Nhưng thôi, mình lại suy nghĩ vẩn vơ mấy tầng trời thần thánh rồi. Trong khi người hoạ sĩ trước mặt mình đây thì rất thực, rất đời, rất người. Anh không giảng giải về hội hoạ bằng giọng điệu của một nghệ sĩ lánh xa cuộc đời trần tục. Bằng giọng tỉnh bơ, anh kể về những đôi tình nhân vẽ tranh kỉ niệm rồi chia tay, về những người già vẽ ảnh thờ đã ba, bốn năm mà vẫn hồ hởi chạy thể dục trước nhà anh mỗi sáng. Anh kể về những học trò anh dạy Tiếng Anh buổi tối, về những bài hát được giải trong Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật, về chuyện ngày mai Câu lạc bộ Người khuyết tật thành phố tổ chức đi tham quan, về xưởng vẽ rồi đây sẽ được xây trên mảnh đất được chính quyền thành phố cấp cho những người khuyết tật có ý chí vươn lên... Cuộc đời người hoạ sĩ với đôi chân khuyết như một bức tranh lưu giữ không chỉ những kí ức của riêng anh mà của cả một thời đại. Mong sao “bức tranh” mà mình đang vẽ này có thể truyền tải được cái thần, cái hồn của anh vào những con chữ in mực đen trên nền giấy trắng.