Người Thổ Nhĩ Kỳ đã di dời một lăng mộ đá 541 tuổi nặng 1.100 tấn để nhường chỗ cho hồ chứa của đập thủy điện lớn nhất nước này.
Được xây dựng từ năm 1475 bởi một nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, lăng Zeynel Bey được di chuyển từ vị trí ban đầu ở thị trấn Hasankeyf 12.000 năm tuổi đến một “công viên văn hóa” mới cách đó hơn 1,6km - và cao hơn bề mặt ban đầu 60m.
Việc di chuyển tốn kém này đưa lăng mộ ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi một hồ chứa khổng lồ sẽ làm ngập thung lũng sông Tigris khi đập Ilisu đi vào hoạt động.
Mặc dù một số ý kiến phản đối “tái định cư” vì lo ngại lăng mộ cổ sẽ bị thiệt hại, những người ủng hộ lại cho rằng động thái này được thực hiện với mục đích bảo tồn văn hóa.
Lăng mộ này là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc Anatolian: hai mái vòm để thông gió, cao hơn 15 m và có đường kính 7,5m. Phần gạch lát phức tạp và vị trí bao quát được sông Tigris khiến nó thành một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất trong khu vực.
Các kỹ sư và nhà bảo tồn đã cân nhắc vài lựa chọn, bao gồm việc để lăng mộ bị ngập, hoặc xây dựng một hầm bê tông bao quanh nó – người ta có thể đến đó bằng hệ thống đường hầm dưới nước dài hơn 3km và đường sắt nhẹ.
Ngay cả khi Cơ quan Công trình Thủy lợi Nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ (DSI) xác định cho tái định cư và đồng ý chi trả 4,2 triệu đô la, những chướng ngại vẫn còn.
Hàng chục công nhân bắt đầu bằng việc khoan các dầm đỡ ngang trên nền của lăng mộ để dựng một nền móng bê tông mới. Sau đó, hệ thống thủy lực nâng phần nền móng, tháp đá và toàn bộ lên, để xe vận chuyển có thể vào vị trí.
Ahmet Turer, một kỹ sư tham gia giám sát dự án, cho biết: "Như thường lệ, mọi thứ không phải lúc nào cũng thuận lợi như bạn dự định. Chúng tôi đã gặp rất nhiều rắc rối trong ngày di chuyển".
Ngay ở đầu con đường được xây dựng đặc biệt cho việc di dời, máy phát điện hết xăng. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống sự ổn định của cấu trúc trong quá trình vận chuyển đã hoạt động. Một bánh xe còn bị xịt lốp.
Nhưng nhiên liệu nhanh chóng được nạp lại, một hệ thống giám sát dự phòng được lắp đặt và loại bỏ bánh xe bị hỏng.
Được bao quanh bởi quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ, lăng mộ bắt đầu chầm chậm đi lên. Phải mất hơn ba tiếng rưỡi, nó mới đến được đích. Các kỹ sư đã lắp đặt một hệ thống cách ly cơ bản, có khả năng hấp thụ các cú sốc địa chấn và bảo vệ tháp khỏi các trận động đất trong tương lai.
Công việc khôi phục sẽ tiếp tục tại địa điểm mới. Hài cốt của chủ nhân lăng mộ Zeynel Bey – đã được khai quật từ vài năm trước và được đem đi lưu giữ để tránh trộm cướp – sẽ được chôn cất lại.
Có 8 công trình lịch sử khác sẽ được di chuyển đến địa điểm mới, gọi là Công viên Văn hóa Hasankeyf. Nhưng Ahmet Turer lo ngại về lần di dời sau: một vài công trình nằm phía bên kia sông Tigris gần như không thể tiếp cận và thời gian có thể quá ngắn.
Một ngày đập Ilisu không hoạt động được tính là mất 1 triệu đô la. Nhiều khả năng hồ chứa sẽ ngập nước trước khi di dời nhiều công trình.
Đập Ilisu gây tranh cãi ngay từ khi nó được đề xuất xây dựng vào năm 1954 và các vấn đề tranh luận ngày càng phức tạp.
Đập Ilisu sẽ tạo ra 2% lượng điện của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nó sẽ nhấn chìm hàng chục thị trấn bên bờ sông Tigris, bao gồm cả thị trấn 12.000 năm tuổi Hasankeyf; đe dọa làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán dưới hạ lưu thuộc Iraq và Syria.
Theo Khoahoc.tv