Người thầy giáo lặng thầm gieo chữ nơi 'trời cao đất thấp'
(Baonghean.vn)- Bản Phà Nọi, xã Đoọc Mạy là bản xa xôi, hiểm trở của huyện biên giới Kỳ Sơn. Ở nơi trời cao đất thấp này, thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn đang âm thầm gieo chữ, xây ước mơ cho những em học sinh người Mông.
17/11/2021 - 15:11
Đoọc Mạy là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, nằm tiếp giáp với nước bạn Lào, được xem là một trong những nơi cư trú đông đúc của cộng đồng người Mông. Đây cũng được xem là nơi "trời cao đất thấp" với khí hậu phức tạp, mùa mưa lầy lội, mùa hè khô khốc còn mùa đông giá rét, nhiều năm có tuyết rơi. . Ảnh: Hoài Thu Con đường đến xã Đoọc Mạy vô cùng gian nan, vất vả. Đường lầy lội, có nhiều con dốc thẳng đứng, vào những ngày mưa đi bộ cũng khó mà qua được. Thế nhưng, đã hơn 20 năm nay thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn vẫn miệt mài để "ươm mầm" những con chữ cho mảnh đất này. Thầy Nguyễn Trọng Toàn, sinh năm 1979, trước khi lên với bản Phà Nọi vào năm 2020, đã có nhiều năm công tác tại các bản ở xã biên giới Đoọc Mạy. Ảnh: Đức Anh Điểm trường bản Phà Nọi chỉ có duy nhất 1 giáo viên - là thầy Toàn. Vì vậy, thầy phải làm mọi việc, từ lao công, dọn dẹp lớp học đến đánh trống trường... Hàng ngày, thầy Toàn dậy sớm lau bàn ghế, quét dọn phòng học để đón các em học sinh. Niềm vui của thầy chỉ đơn giản là mong muốn các em đến trường đầy đủ, không có em nào ốm đau hay bỏ học để lớp học luôn rộn vang tiếng cười. Ảnh: Đức Anh Bằng tình yêu chân thành với các trò nhỏ, thầy Toàn đã âm thầm truyền lửa sự học các em niềm yêu thích khi mỗi ngày được đến trường. Ảnh: Đức Anh Vì sĩ số học sinh lớp 1 chỉ có 6 em, lớp 2 chỉ có 4 em, nên thầy Toàn phải gộp 2 lớp lại để thành 1 lớp ghép. Dạy cả 2 lớp cùng lúc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bởi làm sao bài giảng ở mỗi lớp phải luôn liền mạch, luôn tạo được sự thích thú, chăm chú nghe giảng của các em. Ảnh: Đức Anh Bản Phà Nọi là bản chưa có điện nên việc học của các em phải phụ thuộc vào thời tiết. Hôm nào buổi sáng trời nhiều sương, ánh sáng yếu thì các em phải vào học muộn. Ảnh: Đức Anh Để dạy cho các học sinh ở đây ngoài sự hy sinh, chịu khó, thầy Toàn còn phải gần gũi với các em, hiểu được tính cách từng học sinh. Trong mỗi bài giảng thầy gửi trọn tình yêu, trách nhiệm của mình vào đó với mong ước các em ngày càng học tập tiến bộ hơn. Ảnh: Đức Anh Các em học sinh người Mông chăm chỉ nghe thầy Toàn giảng bài. Ảnh: Đức Anh Ngoài giờ học thầy và trò cùng nhau chăm sóc vườn rau. Đây cũng là việc làm mà thầy Toàn muốn giúp các em học sinh có thêm kỹ năng sống. Ảnh: Đức Anh Phải sống ở nơi xa xôi, heo hút, thầy Toàn phải tự mình làm tất cả từ nấu ăn, dọn dẹp nhà, lớp học... Thầy Toàn chia sẻ: "Cả ngày được gần gũi chăm sóc các em cho nên cũng bận rộn. Ngày xưa khi mới lên đây, mình cũng nhớ nhà lắm, nhưng bây giờ đã quen, thương các học trò vùng cao còn nhiều thiếu thốn, mỗi ngày thầy Toàn càng gắn bó và "yêu" cái khó khăn, vất vả ở nơi đây. Cuộc sống mỗi ngày của thầy Toàn cũng đơn giản lắm, sớm mai dậy sớm nấu nồi cơm cho cả ngày, còn thức ăn thì có gì ăn nấy thôi, không cầu kỳ". Ảnh: Đức Anh Ban đêm không có điện nên tranh thủ vào buổi trưa là thời gian để thầy Toàn soạn bài lên lớp cho ngày mai. Vẫn biết cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tình yêu con trẻ, thầy Nguyễn Trọng Toàn vẫn ngày đêm miệt mài để "ươm mầm" con chữ cho các em. Ảnh: Đức Anh