(Baonghean) - Nhà trường được đánh giá là 1 trong 40 trường đầu tư trọng điểm của cả nước theo QĐ 761/2014 của Thủ tướng Chính phủ; 1 trong 6 trường được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn để đào tạo thí điểm cấp bằng quốc tế; 3 cơ sở đào tạo nghề (2 ở Thị xã Cửa Lò và 1 ở TP. Vinh), trung bình hàng năm đào tạo trên 2.000 học sinh - sinh viên; được đánh giá là một trong những ngôi trường chuyên đào tạo nghề về du lịch, khách sạn chất lượng nhất hiện nay của khu vực Bắc Trung bộ.

Đồng chí Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Đức Bích, Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: SM
Đồng chí Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Đức Bích, Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: SM

Bán “Dream” nuôi dưỡng “giấc mơ”

Cuối năm 1998, lúc đó thầy Lê Đức Bích đang là Thư ký thường trực HĐND Thị xã Cửa Lò, ngày nhận quyết định của Thị xã điều động về làm Giám đốc Trung tâm xúc tiến việc làm, thầy có chút bất ngờ và e ngại. Bởi hồi đó, Trung tâm xúc tiến việc làm chỉ là 1 gian nhà cấp 4 chừng 20m2, tài sản gồm một bộ bàn ghế lung lay với 5 nhân viên hưởng lương ngoài ngân sách. “Sốc” hơn nữa là lúc về nhận nhiệm vụ mới, thầy phải giải quyết số nợ 178 triệu đồng. Làm sao để vực dậy Trung tâm? Biết bao trằn trọc, suy tính, rồi tìm hiểu, đọc tài liệu, tham khảo ý kiến bạn bè… Và thầy quyết không bỏ cuộc, phải đưa Trung tâm phát triển bằng mọi cách. Thầy bắt tay vào chỉnh đốn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ nhân viên ở Trung tâm theo đúng chức năng, nhiệm vụ để họ có thể phát huy hết năng lực bản thân. Đồng thời mở rộng và phát huy tối đa những mối quan hệ sẵn có, khai thác, tiếp cận với những đối tác mới. 

Để có thể tiếp cận, nói chuyện hay trao đổi với đối tác, nhất là các đối tác chuyên doanh về XKLĐ thì cần phải có “nguồn lực”. Nhưng thời điểm đó Trung tâm “âm” 178 triệu đồng thì lấy đâu ra? Cuối cùng thầy bàn với vợ: quyết định bán chiếc xe Dream Thái (là tài sản duy nhất có giá trị và cũng là phương tiện đi lại duy nhất lúc bấy giờ của gia đình). 25 triệu đồng từ tiền bán xe, thầy đưa lại cho vợ một ít để chi tiêu, còn mình giữ cùng với một số kinh phí từ cộng sự (vì cảm kích trước tấm lòng nhiệt huyết của thầy).

Có kinh phí, thầy lên kế hoạch cụ thể để gặp gỡ, tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động, thị trường việc làm. Thầy ra tận Hà Nội, Hải Dương, Hà Tây, vào tận Đà Nẵng để tìm hiểu xem các Trung tâm, các cơ sở đào tạo, giới thiệu việc làm ở đó người ta làm ăn như thế nào và nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của người dân hiện nay cần những ngành nghề gì. Từ cách làm đó, sau 3 tháng về tiếp quản Trung tâm, thầy đã mở được 1 lớp xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gồm 31 học viên. Xác định đây là lớp học đầu tiên cũng là lớp học có ý nghĩa quan trọng để Trung tâm từng bước tạo dựng uy tín với khách hàng. Vì thế hầu như mọi việc từ làm thủ tục, hướng dẫn đưa đón học viên… thầy đều đứng ra bảo lãnh...

Từ thành công ban đầu đó đã tạo động lực để thầy tiếp tục mở thêm các lớp đào tạo xuất khẩu lao động, không chỉ ở thị trường Hàn Quốc mà có cả thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và các nước Trung Đông…

Đến cơ sở đào tạo uy tín

Nhận thấy Trung tâm đã phát huy được hiệu quả, tháng 12/1999, Tỉnh và Bộ đã đưa Trung tâm phát triển thành Trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm. Và chính thời điểm này Trung tâm quyết định sẽ đi theo hướng: đào tạo du lịch và khách sạn. Bởi tại thời điểm đó ở Nghệ An chưa có một cơ sở nào đào tạo về du lịch và khách sạn.

Để đáp ứng nhu cầu của học viên, bước đầu Trung tâm chủ yếu đào tạo ngắn hạn và liên kết với các trường trong cả nước để đào tạo về du lịch và khách sạn. Thời điểm này, hàng năm Trung tâm tư vấn việc làm cho gần 1.500 lượt người, trong đó giới thiệu đi làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn và một số khách sạn, nhà hàng trong tỉnh, ngoài ra còn giới thiệu cho gần 200 lao động đi xuất khẩu ở các nước. 

Học viên thực hành chế biến món ăn tại trường. Ảnh: S.M

Tháng 12/2005, thầy đã xây dựng Trung tâm phát triển thành Trường kỹ thuật nghiệp vụ du lịch – thương mại Nghệ An trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, đào tạo công nhân chuyên về du lịch, khách sạn. Để có thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là khi trở thành trường kỹ thuật, thầy xác định điều cần thiết đầu tiên đó là phải củng cố lại đội ngũ giáo viên, tăng cường giáo viên có tay nghề cao về du lịch, khách sạn. Muốn làm được như thế bắt buộc phải thu hút nhân tài từ ngoài vào. Thầy đã gặp gỡ, làm việc với một số trường đại học như Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học KHXH&NV, Cao đẳng du lịch Hà Nội và đến tận các doanh nghiệp có uy tín trong ngành du lịch - khách sạn… để thu hút sinh viên và những kỹ thuật viên giỏi.

Mặt khác thầy cử giáo viên có năng lực đi học cao học, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài với những chính sách đặc biệt: Hỗ trợ 35 triệu đồng đối với thạc sỹ, 70 triệu đồng đối với tiến sỹ ở trong nước và 300 triệu đồng đối với tiến sỹ ở nước ngoài. Bằng cách làm này, Trường đã dần có thêm những nhân tố trẻ, có triển vọng và hiện nay đang trở thành những hạt nhân của trường như thầy Bùi Văn Đức là 1 trong 21 nghệ nhân ẩm thực Việt Nam được phong tặng năm 2014 hiện đang là trưởng khoa kỹ thuật chế biến món ăn của trường; cô giáo Phạm Thị Hường (trưởng khoa Du lịch) là sinh viên xuất sắc khoa Du lịch của Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội… 

Làm thế nào để có cơ sở vật chất thực hành cho sinh viên? Có xe ô tô chở các em đi thực tế trong điều kiện kinh phí của trường còn hạn hẹp? Thầy Lê Đức Bích đem trăn trở này trao đổi với thầy Đậu Chính Nghĩa - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đồng thời là Chủ tịch công đoàn và cũng là cộng sự tin cậy. Hai cuộc phát động trong cán bộ giáo viên toàn trường đã diễn ra. Chỉ trong vòng 4 ngày nhà trường đã huy động được gần 4 tỷ đồng (người ít nhất 3 - 5 triệu đồng, nhiều nhất như thầy hiệu trưởng 200 – 300 triệu đồng).  

Và ngay sau đó, nhà trường đầu tư mua 2 xe ô tô khách để có phương tiện chở học sinh đi thực tế, hoàn thiện trung tâm thực hành khách sạn với đầy đủ hệ thống thực hành chế biến món ăn, buồng, nhà hàng, quán bar… đạt chuẩn. Tháng 6/2006 trường phát triển thành Trường Trung cấp Du lịch – Thương mại và chỉ sau hai năm: năm 2008 phát triển thành Trường Cao đẳng nghề Du lịch – Thương mại.

Sau 19 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã có gần 200 CBGV với 3 tiến sỹ, 4 nghiên cứu sinh, 101 thạc sỹ, 54 đại học. Năm học 2014 – 2015, có 2.978 sinh viên  được đào tạo tại trường với hệ trung cấp, cao đẳng và liên kết đào tạo hệ đại học và cao học trong nước và nước ngoài. Phấn đấu năm 2018 trường sẽ phát triển lên thành đại học.

15 năm liền thầy Lê Đức Bích là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 15 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (trong đó 2 lần được suy tôn CSTĐ cấp tỉnh, 1 lần CSTĐ toàn quốc), được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba,  Huân chương Lao động hạng Nhì, cùng 14 Bằng khen của Chính phủ, bộ, Tổng liên đoàn Lao động, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Năm 2014 tự hào được vinh danh tốp 100 danh nhân quản lý giỏi Asean.

Thanh Thủy