(Baonghean) - Gần 80 tuổi, ông Phan Bùi Tường ở khối 16, phường Hà Huy Tập - Thành phố Vinh vẫn lần dở từng trang sách, báo để sưu tầm ảnh tư liệu về Bác Hồ. Với ông, mỗi khi tìm được tấm ảnh của Bác, trong lòng thêm một niềm vui. Niềm đam mê đó của ông không chỉ mang lại niềm vui, mà còn hết sức thiết thực có ích, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Ông Phan Bùi Tường với tập ảnh về Bác Hồ do chính ông sưu tầm.
Ông Phan Bùi Tường với tập ảnh về Bác Hồ do chính ông sưu tầm.

Chúng tôi đến đường Tôn Thất Thuyết trên địa bàn phường Hà Huy Tập - Thành phố Vinh, được một cụ ông tên Giao nhiệt tình dẫn đường đến nhà ông Phan Bùi Tường, ở số nhà 14, ngõ 10. Biết chúng tôi tìm hiểu viết bài báo ca ngợi về tấm lòng thành kính của mình đối với Bác, ông Tường từ tốn mang ra tập ảnh Bác Hồ dày cộp cho chúng tôi xem. Ông cho biết, từ ngày nghỉ hưu đến nay đã 14 năm, việc lớn nhất là sưu tầm ảnh của Bác để làm lưu niệm. Đến nay, ông đã sưu tầm được gần 1.000 bức. Điều đặc biệt là, mỗi bức là một góc nhìn không lặp lại, và mang nhiều ý nghĩa. 

Trước đây, ông Tường là cán bộ kế toán của nhiều cơ quan thuộc ngành Nông nghiệp Nghệ An. Suốt hơn 40 năm làm công chức nhà nước, ông luôn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và ấp ủ một điều rất giản dị là sau này nghỉ hưu, sẽ làm một việc gì đó có liên quan đến con người và sự nghiệp của Bác. Thế là ý định sưu tầm ảnh Bác thường trực trong ông. Tâm niệm ấy chỉ thành hiện thực sau khi ông đã nghỉ hưu năm 2000. Về nhà, con cái đã có việc làm, chỉ còn 2 ông bà, ông bắt đầu hành trình sưu tầm ảnh Bác. Để có điều kiện ông đặt mua báo Tiền Phong và một số tờ báo khác, trong quá trình đọc báo, nếu có ảnh Bác Hồ là ông dùng kéo cắt cẩn thận, đem dán vào tập ảnh đã đóng sẵn. Tập ảnh do ông tự đóng bằng giấy A4, đơn sơ mộc mạc, dày tới 150 tờ. Mỗi tờ giấy, ông dán ảnh vào 2 mặt, tùy kích cỡ, bình quân có tới 5 ảnh được dán trên 1 tờ giấy. Sưu tầm trên báo hàng ngày chưa đủ, ông còn đến các hiệu sách, thư viện đặt mua sách, báo cũ về đọc. Nhiều đêm, ông thức đến tận khuya. Thời gian đầu, vợ ông thấy vậy, thì có ý không bằng lòng vì lo ông mệt... Thấy sự đam mê, nhiệt huyết của ông đối với vị lãnh tụ kính yêu, sau này bà hết mực ủng hộ, động viên chồng. Mặc dù không trực tiếp giúp ông sưu tầm ảnh Bác, nhưng hàng ngày bà quán xuyến mọi việc nhà cho ông có thời gian dành cho công việc. 

Ở đâu trong Thành phố Vinh, có người mách sách, báo cũ bán là ông tìm đến để mua bằng được. Mua xong, ông cẩn thận xếp sách, báo lên xe chở về nhà. Có những lúc trên đường về gặp trời mưa, ông dành áo mưa bảo vệ bằng được sách báo, dù quần áo mình ướt sũng. Ông nghĩ, quần áo ướt thì mình về nhà thay bộ khác, còn nếu sách, báo không may bị ướt coi như thành giấy loại. Đi đâu, gặp ai ông cũng dặn, nếu thấy bức ảnh nào về Bác hãy cất giữ cho. Đưa sách báo về đến nhà, hàng ngày ông dành từ 5 - 7 giờ đồng hồ để giở từng trang. Có những hôm say sưa đến mức quên cả bữa cơm trưa, nhiều đêm hè, ông chong đèn ngồi đến 12 giờ khuya mới nghỉ. Với ông, mỗi lần nhìn thấy ảnh Bác là niềm vui như được một lần gặp Bác ở ngoài đời. Ông Tường nói: “Một điều rất lạ là mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh của Bác, dù ở đâu, cũng thấy toát lên trên gương mặt Bác niềm tin, thể hiện sự lạc quan của một con người!”. 

Do có nhiều nguồn, nên trong tập ảnh sưu tầm của ông rất phong phú. Từ lúc Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, lúc Người hoạt động ở nước ngoài, rồi về nước trực tiếp chỉ đạo kháng chiến chống Pháp, Mỹ… Cho đến lúc Bác mất... Tất cả đều được ông sưu tầm. Rồi ảnh Bác cùng hành quân với bộ đội, Bác với các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác tham gia tăng gia sản xuất, ra đồng cày ruộng, tát nước với bà con nông dân, hay Bác đến với công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy, Bác tập thể dục, chẻ củi… đều có cả! Dù ở lĩnh vực nào, Bác luôn làm việc với tinh thần lạc quan, vui vẻ, ân cần với mọi người, được mọi người dân quý mến. Nhìn vào tập sưu tầm ảnh Bác của ông Tường, chúng ta như được xem một cuốn phim quay chậm về Bác Hồ trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Mỗi một tấm ảnh đều toát lên một nội dung, một thông điệp rõ nét với người xem...

Các con, cháu của ông bà vào những ngày nghỉ, đến động viên ông bằng cách giúp ông dán từng tấm ảnh vào tập ảnh, hoặc lần giở từng trang để xem ảnh Bác. Thấy ông sử dụng cái giá sách tạm thời, con cháu còn hứa sẽ mua cho ông cái tủ kính để bảo quản được lâu dài. Người con rể của ông bà làm nghề nhà giáo, rất trân trọng việc làm của ông, coi đây là tài sản quý về mặt tinh thần không chỉ riêng ông mà cho thế hệ con cháu sau này. Bà con trong phố, thấy ông Tường đam mê sưu tầm ảnh tư liệu về Bác Hồ, mỗi khi nhìn thấy ảnh của Bác trong các trang báo là mang đến cho ông. Ông Giao, một người cao tuổi cùng sinh sống trong khối 16 bộc bạch: Nghỉ hưu thì mỗi người có một sở thích, với ông Phan Bùi Tường thì sưu tầm ảnh tư liệu về Bác Hồ là rất đáng trân trọng! Việc làm của ông Tường đòi hỏi phải dày công, chịu khó. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi đến nhà ông Tường xem, đây cũng là cách để động viên ông tiếp thêm niềm vui.

Trong quá trình dày công sưu tầm ảnh tư liệu về Bác, ông Tường bắt gặp nhiều tấm ảnh rất đẹp khác của những con người nổi tiếng, nên ông có điều kiện sưu tầm thêm nhiều loại ảnh khác nhau. Dẫn chúng tôi đến cái giá sách tạm được đặt trong góc tường. Ông Tường cho biết, toàn bộ các tập ảnh ở đây là do ông tự sưu tầm và tự đóng lấy. Chúng tôi lần giở trên cái giá sách của ông, có tới gần 150 tập ảnh các loại. Ngoài ảnh tư liệu về Bác Hồ, còn sưu tầm ảnh của những người thành đạt, ảnh ca sỹ nổi tiếng… Mỗi tập ảnh, được ông bố trí, cắt dán một cách khoa học, cẩn thận. Sau 14 năm sưu tầm ảnh, ông đã có trong tay khoảng 5 vạn tấm ảnh các loại, trong đó ảnh Bác Hồ khoảng 1.000 tấm. 

Như cánh chim không mỏi, dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu, ông vẫn đạp xe đến các hiệu sách, thư viện mua sách, báo cũ về sưu tầm ảnh Bác. Với ông, đây là niềm đam mê và cũng chính là niềm hạnh phúc trong phần đời còn lại. Chắc không chỉ 1 tập ảnh về Bác như hôm nay, mà sẽ còn nhân lên nhiều tập ảnh về Bác nữa. Càng sưu tầm, ông càng thấy mình được hiểu biết sâu rộng hơn về con người lãnh tụ của Bác. Việc làm của ông Tường suốt 14 năm qua, thể hiện ý nghĩa thiết thực về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và còn mang giá trị cho mai sau. Ông Tường nói, mình già rồi, cố gắng sưu tầm ảnh tư liệu về Bác Hồ, cũng là một cách để giáo dục thế hệ trẻ đối với Bác Hồ kính yêu!

Xuân Hoàng