(Baonghean) - Với cô giáo Đào Thị Dinh - Chủ nhiệm Trung tâm luyện chữ đẹp (số 91, Đinh Công Tráng, TP.Vinh), thì việc mở lớp luyện chữ như một cơ duyên. Mỗi ngày, được đứng lớp giảng dạy, uốn nắn và ngắm nhìn các em say sưa với từng nét chữ đã trở thành niềm đam mê không thể dứt bỏ. Trung tâm của cô thành lập đã 9 năm, một quá trình chưa dài nhưng đã cho “ra lò” nhiều học trò xuất sắc, nhiều người trong số đó đã là những thầy, cô giáo đang hàng ngày đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho các học sinh - sinh viên. 

Trước, cô Đào Thị Dinh là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghi Kim, sau khi nghỉ hưu, cô thành lập trung tâm này để tiếp tục sự nghiệp trồng người, tiếp nối truyền thống gia đình nhiều đời làm nghề giáo và cũng bởi tình yêu lớn lao dành cho chữ quốc ngữ. Cô chia sẻ: “Tiếng Việt đẹp và trong sáng lắm. Tôi đã nuôi dưỡng tình yêu ấy từ thuở bé, và chọn nghề giáo viên như một cách thể hiện tình yêu của mình. Nay, với trung tâm luyện chữ đẹp này, tôi muốn góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt đến các thế hệ mai sau”. Trung tâm luyện chữ đẹp của cô Dinh là một trong những trung tâm luyện chữ đầu tiên ở Vinh. Học viên của trung tâm có nhiều lứa tuổi, ngành nghề, phần nhiều vẫn là học sinh, sinh viên, thư ký văn phòng, giáo viên… Phần vì đam mê chữ đẹp, phần vì yêu cầu công việc, nên ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia lớp luyện chữa đẹp.

Cô Đào Thị Dinh đang hướng dẫn học viên luyện chữ
Cô Đào Thị Dinh đang hướng dẫn học viên luyện chữ

Tôi đã thử một buổi làm học viên của trung tâm ấy, và thực thấm thía những nhọc nhằn của quá trình rèn chữ, nhất là sau thời gian dài gõ máy tính và “vuốt” điện thoại thông minh nhiều hơn là sử dụng bút giấy! Cô Dinh bảo, nhiều học viên mới cũng có cảm nhận như tôi, và nếu không kịp thời động viên cũng như bản thân không kiên nhẫn thì rất dễ nản. Bí quyết trong cách rèn chữ của cô, là khi đến trung tâm, cô sẽ hướng dẫn mọi người học cách… quên! Quên đi cách cầm bút, quên đi cách đưa tay trên trang giấy mà tất cả phải học từ đầu. “Mọi người thường viết theo thói quen, thế nên, để luyện chữ đẹp, phải bỏ đi thói quen cũ ấy. Bắt đầu lại từ cách cầm bút, tư thế ngồi đến chia khoảng cách giữa các chữ, rồi viết hoa, viết in… tất cả đều được hướng dẫn cụ thể, chi tiết”, cô Đào Thị Dinh chia sẻ. Học viên đến đây chỉ cần mua một chiếc bút máy ngòi sắt và vài quyển vở ô-ly là được, với mức học phí 600.000 đồng cho một khóa học 15 buổi thì sau khi học xong, học viên có thể tự tin thể hiện. 

Nghề rèn chữ kỳ công nhưng bù lại, với cô Đào Thị Dinh, những niềm vui nghề mang lại cũng không ít. Cô thường xuyên nhận được những tâm tư, chia sẻ đầy tình cảm của học viên và phụ huynh bởi bên cạnh việc rèn nét chữ, thì tính cách của người học cũng thay đổi tích cực. Chị Trần Thị Thương - một phụ huynh đang chờ đón con sau giờ học tâm sự: “Dù mới học được thời gian ngắn, nhưng tôi thấy cháu tiến bộ rõ rệt, chữ viết không còn xiêu vẹo nữa mà rõ ràng, ngay hàng thẳng lối. Nhưng quan trọng hơn là cháu nó rèn được tính kiên trì, chịu khó và không nóng tính như trước”. Khi luyện viết chữ đẹp, học viên phải tập trung cao độ, chú ý từng lời giảng của giáo viên, đồng thời thực hiện các nét thanh, nét đậm, đưa nhẹ kéo mạnh phải thật sự nhuần nhuyễn, các ngón tay, cổ tay đều phối hợp hợp lý. 9 năm gắn bó với nghề rèn chữ, nhiều thế hệ học viên của cô Dinh đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp thành phố, tỉnh và thậm chí cả quốc gia.

Mỗi học viên đến với các trung tâm luyện chữ đẹp với những lý do khác nhau. Tôi chú ý đến học viên lớn tuổi nhất tại lớp học của cô Dinh, đó là anh Phạm Hữu Toàn - chủ một công ty chuyên cung cấp ổ khóa và các linh kiện về khóa kéo. Cẩn thận viết hết 4 câu thơ theo đề bài cô giáo ra trên bảng, anh mới thở phào, thổ lộ: “Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng hàng tuần vẫn đưa vợ và con đến để luyện chữ, bây giờ các cháu đã lớn và đi du học cả rồi. Nhiều người thắc mắc là tại sao lớn tuổi rồi còn học làm gì, nhưng thật ra mục đích của tôi là muốn làm gương cho các con, hơn nữa tôi bị “nghiện” các nét chữ của các cô giáo ở đây rồi”. Hiện nay, cô Dinh nhận dạy miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, các em bị khuyết tật. Cô luôn tâm niệm rằng, mình gốc là nhà giáo, giờ về hưu thì càng có thêm thời gian rảnh để tiếp tục sự nghiệp đào tạo, cống hiến cho xã hội và hơn cả, muốn truyền hết ngọn lửa đam mê nghề nghiệp tới thế hệ mầm non, đó cũng là một cách để trả ơn cuộc đời. Và như một điều tất yếu, hiện nay con gái của cô Đào Thị Dinh cũng tiếp nối ngọn lửa đam mê trồng người của mẹ, chị đã thành lập một trung tâm luyện chữ đẹp trong TP. Hồ Chí Minh cũng thu hút rất nhiều học viên tham gia rèn luyện. Điều này là một nguồn động viên rất lớn đối với cô vì nghề của cô không bị “thất truyền” như cô vẫn hay dí dỏm khi nói về con gái mình.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

(57 Phùng Phúc Kiều, TP.Vinh)