(Baonghean) Một nắm ngô từ bàn tay người phụ nữ đã bước vào tuổi 36 được tung lên, chưa kịp chạm mặt đất, hàng ngàn con gà lông óng vàng, mượt mà từ đâu lao đến quây lấy chủ. Phía bên có đến cả hàng chục con lợn  đen, ngan, ngỗng từ trong các lùm cây, trên những đồi lao về bu lấy hàng rào dây thép cạnh trại gà... Đó là khung cảnh ấn tượng khi chúng tôi đến thăm trại gà chị Pay Thị Huyền, bản Bón, xã  Yên Na (Tương Dương)…

 

Không cam chịu cảnh nghèo

Sinh năm 1976, vài năm về trước, chị  Pay Thị Huyền chỉ với hai bàn tay trắng đã làm nên cơ nghiệp. Vừa học xong THCS, nhìn xóm quê  nghèo xác xơ, người dân chỉ biết trông chờ vào  đồng áng và rừng, nhiều hộ bao năm cũng chẳng thoát được nghèo chứ chưa nói đến làm giàu. Cũng vì nhà nghèo mà Huyền không thể có  điều kiện đi học THPT. Ở lại quê hương, nhiều lúc nhìn bạn bè đi học, Huyền thèm đến chảy nước mắt. Với một ước mơ cháy bỏng, Huyền quyết tâm học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đọc sách báo, xem ti vi để có thêm kiến thức cơ bản về chăn nuôi, thú y. Đang ấp ủ ước mơ thoát nghèo thì chồng Huyền mất bởi căn bệnh ung thư quái ác, để lại cho Huyền 2 đứa con thơ  dại, nhà có bao nhiêu tiền đều dành cho việc chữa bệnh cho chồng, nay chồng mất cũng là lúc của nả dành dụm của cả gia đình đã hết.  Các con của Huyền đã lớn, đứa nào cũng ngoan ngoãn, hay làm nên Huyền cũng đỡ phần vất vả và có  thêm chỗ dựa tinh thần.

Năm 2010, dự án giảm nghèo hỗ trợ  Huyền 50 con gà giống mới qua vài tuần tuổi, thêm một ít vốn liếng là chút  kiến thức về  chăn nuôi, thông qua Hội LHPN xã, Huyền mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã  hội để đầu tư nuôi gà, nuôi lợn. Thấy Huyền có chí, mọi người ủng hộ.Người phụ nữ với trang trại“gà ta, lợn bản” ảnh 1

              Chị Pay Thị Huyền với ước mơ làm giàu từ trang trại gà

Khởi nghiệp từ 50 con gà, đất nhà sẵn có khoảng chừng 2.000 m2 ven đồi, vốn liếng vay được chút ít, Huyền mạnh dạn đầu tư vào làm chuồng trại, đồng thời chịu khó  đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi xa như Bắc Giang, Bắc Ninh. Đêm đêm Huyền ngồi hàng giờ xem ti vi, đọc báo tại điểm bưu điện văn hóa xã để học tập cách chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ vài chục con gà, vài ba con lợn thịt, với tính chịu khó, dành dụm cộng với kiến thức sẵn có, chỉ hơn 1 năm Huyền  đã dần dần ăn nên làm ra. 

Năm 2011, trang trại của Pay Thị Huyền có trên 3.000 con gà ta, cùng cả chục con lợn bản, ngoài ra còn có ngan, ngỗng, vịt. Tết Nhâm Thìn vừa qua, Huyền xuất chuồng hơn 2.000 con gà, bình quân mỗi con 1,5kg, giá bán ra bình quân là 180.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất Huyền cũng thu lãi gần 300 triệu đồng. Theo Huyền nói, bản Bón tuy xa với trung tâm huyện lỵ nhưng các lái buôn từ khắp nơi thường xuyên vào đây hỏi mua gà và lợn, nhiều người gọi điện đến đặt hàng và  yêu cầu đưa ra cho họ tận ngoài Thị trấn Hòa Bình, nhưng chăn nuôi đến đâu bán hết đến đó, không đủ đáp ứng yêu cầu cho khách.

Làm giàu cho quê hương

Sẵn có kiến thức chăn nuôi, thấy nuôi gia súc, gia cầm có lợi nhuận cao, trong năm 2012 này em sẽ tiếp tục mở rộng trang trại. “Nhưng cái khó là không có máy ấp trứng, hiện tại em phải chuyển hàng ngàn quả trứng ra tận Bắc Giang để ấp” - Huyền cho biết. Thấy gia đình Huyền  ăn nên làm ra, nhiều người dân trong xã cũng tìm hiểu  để học cách làm giàu. Bất cứ ai đến, Huyền  đều tận tâm giúp đỡ, từ giống, cách chăn nuôi cho đến các loại thuốc phòng bệnh gia súc, gia cầm. Vì  vậy, nhiều người dân ở bản Bón, xã Yên Na giờ đang dần tiếp cận với chăn nuôi quy mô  lớn. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây, giờ nhiều hộ đã có hàng trăm con gà, vài chục con lợn, cả lợn bản địa và lợn bản địa lai với lợn rừng.

Ngắm đàn gà cỏ, gà ác và  đàn lợn đen vờn nhau trên bãi đất bằng, xa xa vài chú lợn nít, gà choai thoắt ẩn, thoắt hiện trong lùm cây ra sức gặm lá dại trong rừng, tôi vừa nghe Huyền tâm sự: “Yên Na nhiều lợi thế  để làm giàu lắm! Có ruộng, có rừng...điều quan trọng là người dân có quyết tâm làm giàu hay không thôi”. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là những giống đặc sản càng ngày khách hàng càng ưa chuộng. Chính vì vậy, ngoài nông nghiệp, hướng đi bền vững nhất đối với người dân Yên Na về lâu về dài chủ yếu vẫn là chăn nuôi.

Trong tâm khảm, Huyền thành thực: “Một mình gia đình em giờ làm tuy cũng có của ăn, của để nhưng để tạo ra một vùng hàng hóa và  được nhiều người biết đến thì cần có  sự chung tay của nhiều hộ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch, hơn nữa lại là đặc sản với nhu cầu bây giờ bao nhiêu mà chẳng tiêu thụ được. Như  năm nay, đến ngày 26 Tết, em phải treo biển và nhắn trên 30 tin nhắn hết gà mới yên đó anh. Vì  vậy, mong muốn lớn nhất của xã Yên Na là tận dụng thế mạnh về đất, nguồn thức ăn vừa sạch, vừa sẵn có cho gia súc, gia cầm cùng nhau góp sức, góp của, nhất là hỗ trợ nhau về  tài chính tạo ra một vùng chăn nuôi quy mô lớn. Có  như vậy, người dân mới vươn lên làm giàu được”. Còn có ai đó mơ ước hão huyền, chạy theo vàng tặc, không những vi phạm luật pháp mà còn nguy hiểm cho tính mạng, chứ làm sao mà giàu được!

Trăn trở với ước mong tiếp tục làm giàu cho gia đình, quê hương, Pay Thị Huyền bày tỏ: “Nếu người dân bản Bón nói riêng và  cả xã Yên Na này vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến chăn nuôi, trong thời gian tới, gia đình em sẽ đầu tư để mở rộng thêm trang trại nuôi gà ta và lợn đen bản địa. Thấy gia đình em làm ăn theo hướng bền vững, nhiều bà  con sẽ tiếp tục học theo cách làm của em thôi. Quả  thật, em rất muốn làm điều gì đó để người dân thập phương khi nghĩ đến Yên Na sẽ nghĩ  đến cộng đồng của một thương hiệu nào đó. Ít ra, trước mắt dù chưa thật sự được nhiều hộ hưởng ứng, nhưng đã có nhiều người mỗi khi nhớ đến Yên Na đã có thể nghĩ đến gà ta và lợn bản”.

Vi Hợi