(Baonghean.vn)- Khi thấy chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại xóm 6, Thạch Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) đi 'xin' các hài nhi xấu số ở các phòng khám quanh vùng về chôn cất, nhiều người cho rằng chị bị điên, làm việc dở hơi.
“Không làm thì tội các con lắm!”
Dưới cái nắng những ngày giữa tháng 5 khá gay gắt, chúng tôi tìm về nhà chị Thủy người phụ nữ hơn 10 năm làm công việc thu gom, chôn cất và xây nghĩa trang cho những hài nhi xấu số bị chối bỏ quyền được sống.
Nơi sinh sống của chị cùng 2 đứa trẻ là kết quả của những cuộc tình lầm lỡ là một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, chật chội nằm khuất sau khu nhà thờ giáo xứ Lãng Điền. Bên góc thềm, chị kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa chị đến với công việc chôn cất các hài nhi bị chối bỏ quyền làm người.
Mười năm trước, khi vô tình bắt gặp những hài nhi chưa thành hình bị nhẫn tâm vứt bỏ nơi bãi rác của một phòng khám sản, không đành lòng, chị đã gom lại và đưa ra nghĩa trang an táng. Cũng từ đó, nỗi day dứt về những sinh linh bé nhỏ bị chính người mẹ chối bỏ cứ đeo bám suy nghĩ của chị.
Sự thương xót thôi thúc hằng đêm khiến chị quyết định phải làm gì đó giúp cho những đứa trẻ tội nghiệp kia bớt lạnh lẽo, cô đơn. Từ điều đó, chị quyết định đi “xin” các hài nhi xấu số ở các phòng khám quanh vùng về chôn cất.
Những ngày đầu làm công việc này, ai cũng cho rằng chị bị điên, dư hơi sức. Người nói trước mặt, kẻ nói sau lưng. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, chị vẫn âm thầm làm dẫu ngày nắng gắt hay mưa giông.
“Mỗi khi chứng kiến những sinh linh tội nghiệp bị bỏ lại một góc nào đó trong phòng khám, tôi không bỏ đi được. Không làm thì tội các cháu lắm!”, chị Thuỷ kể.
Thời gian đầu, chị tìm đến các phòng khám để “xin”, các bác sĩ, nhân viên y tế đều nhìn chị với ánh mắt lạ lẫm, nghi hoặc. Tuy nhiên, sau khi nghe tâm tư của chị, nhiều người hiểu và cảm thông mà đồng ý để chị đưa các cháu về an táng. Song, cũng có không ít người nhất định từ chối vì nghĩ chị có ý đồ khác không tốt. Không nản lòng, chị vẫn cần mẫn, kiên trì đi khắp các phòng khám, các khoa sản trong vùng. Một lần, hai lần mọi người còn bỡ ngỡ và có chút nghi hoặc nhưng đến lần thứ ba, thứ tư họ bắt đầu hiểu dần ra rồi chẳng cần chị tìm đến mà mỗi khi có những trường hợp như vậy, các bác sỹ lại gọi điện báo cho chị.
Hàng ngày, chị vừa chăm lo việc đồng áng, vừa lo việc ở nhà rồi lại ghé qua các bệnh viện, phòng khám sản trong vùng.
“Nhiều lần trực tiếp trò chuyện với các sản phụ mới thấu hoàn cảnh của mỗi người. Có người vì đông con không đủ khả năng nuôi dưỡng, người thì do hoàn cảnh không muốn sinh. Cũng có bạn trẻ muốn dùng cách này để ép gia đình chấp nhận nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối. Song, phần nhiều là thiếu nữ lầm lỡ trong tình yêu. Càng trò chuyện, tôi càng thương xót cho những đứa trẻ vô tội”, chị tâm sự.
Và cũng từ suy nghĩ đó, nhiều lần chị còn cất công tìm gặp và khuyên bảo các sản phụ mong họ có thể thay đổi quyết định. Có những người hiểu được mà thay đổi ý định nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh mà buộc phải phá bỏ.
Không lập gia đình để nuôi trẻ mồ côi
Ngoài việc thu gom, chôn cất và xây nghĩa trang cho các hài nhi xấu số, dù kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn, chị Thủy vẫn cưu mang nhiều nữ sinh trót lỡ lầm trong tình yêu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Cách đây gần 6 năm, trong một lần đến bệnh viện thăm họ hàng, chị Thủy tình cờ gặp một cô bé (quê Thanh Chương, Nghệ An) mặc đồng phục học sinh đang rụt rè tìm phòng phá thai. Nhìn khuôn mặt non nớt với vẻ lo lắng của cô bé, chị Thủy lân la dò hỏi. Khi biết cô bé đã mang thai tháng thứ 5, chị ra sức can ngăn, rồi đưa về nhà chăm sóc đợi đến ngày “mẹ tròn con vuông”. Sau khi sinh con được gần 12 ngày, người mẹ trẻ ấy bỏ đi, để lại đứa trẻ cho chị Thủy chăm sóc. Chị đặt tên cháu là Hoài Thu và khai sinh theo họ của mình.
Cách lần gặp mẹ bé Hoài Thu được 2 tháng, chị Thủy lại nhận cưu mang thêm một cô gái 19 tuổi (quê Tương Dương, Nghệ An), là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội, cũng vì yêu đương nên trót dại mang bầu. Sau khi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, chị Thủy đặt tên Trần An rồi đưa cả hai mẹ con về nhà chăm sóc. Một tháng sau, cô gái ấy cũng để lại con cho chị Thủy rồi đi lo cuộc sống riêng.
Năm 2013, khi đó cháu Trần An được gần 1 tuổi, bị viêm phổi cấp, chị lại lặn lội ôm con chạy khắp các bệnh viện để điều trị. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, chị Thủy phải cầm cố vay mượn ngân hàng 30 triệu đồng để có tiền trang trải thuốc men, tiền sữa cho con.
Ở cái tuổi ngoài 40, ngoài công việc đồng áng vất vả, chị còn nuôi thêm lợn, gà và trồng rau. Những lúc nông nhàn, chị lại tranh thủ đi làm thuê hoặc nhặt ve chai bán kiếm tiền mua sữa cho con.
Được biết, ngày chị ở cái tuổi đẹp nhất của con gái, vì đức hiếu sinh mà chị không lấy chồng để chăm lo cho cha mẹ. Thời gian trôi đi khiến chị quên luôn ý định lập gia đình riêng. Và cho đến khi những cô gái trẻ lầm lỡ trong tình yêu được đưa về nhà cưu mang, gửi gắm những đứa con, chị trở thành người mẹ bất đắc dĩ. Hiện giờ, cả 3 mẹ con chị phải đi ở nhờ nhà anh trai vì căn nhà mà mẹ để lại đã chẳng còn ở được nữa.
Chia sẻ về dự định tương lai, chị ôm ấp hai đứa nhỏ rồi bảo: “Tôi thương hai đứa như con ruột của mình. Mong sao các con chơi ngoan và mạnh khoẻ, sau này lớn lên thành người có ích cho xã hội. Còn bản thân tôi thì chỉ mong có nhiều sức khỏe để làm việc và chăm sóc các con đến khi chúng trưởng thành".
Chia tay ba mẹ con trong ánh nắng chiều muộn, tiếng chuông bên khu nhà thờ vang lên từng hồi, chị Thuỷ tần ngần: “Tôi luôn nhắn nhủ những em nào không may lầm lỡ, nếu không có nơi nương tựa cứ đến đây. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ cưu mang, bao bọc. Đừng dại dột bỏ đi những đứa trẻ vô tội. Đáng thương, đáng trách lắm!”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn chia sẻ: Chị Thủy là một người phụ nữ đôn hậu, từng cưu mang nhiều nữ sinh trót lỡ lầm trong tình yêu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Chính quyền xã đã đến gặp gỡ, động viên chị Thủy tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng để những đứa trẻ mồ côi có một mái ấm gia đình.
Như Sương