(Baonghean.vn) - Lưng bị còng hẳn vì thời trẻ bị tiêm nhầm thuốc, bố mẹ không còn, anh chị em họ hàng mỗi người mỗi ngả, một mình bà lang thang nay đây mai đó. Đã 53 tuổi nhưng vì nghèo khổ nên bà Thảo “còng” phải mưu sinh bằng việc đi đánh giày.

images1553515_1.jpgBà Thảo "còng" vẫn được nhiều người nói vui là người phụ nữ đánh giày nhiều tuổi nhất "Vịnh Bắc bộ".

Quán cà phê bên bờ hồ Goong, trên tuyến đường Phan Đăng Lưu (TP Vinh) là chốn “làm ăn” của bà Đinh Thị Thảo ( còn gọi là Thảo “còng”) hơn 3 năm nay. Bà Thảo “còng” thường ngồi nép một góc phía ngoài quán, để chờ đợi những vị khách có nhu cầu đánh giày.

Bà đi đánh giày đã hơn 3 năm nay, cộng với “nghề tay trái” bán hàng rong đủ thứ lỉnh kỉnh: tăm bông ngoáy tai, bút bi... Kiêm cả 2 công việc ấy, nhưng kiếm một miếng cơm hàng ngày cũng vô cùng khó. Những ngày “cao điểm” bà kiếm được 50.000 – 70.000 đồng nhưng cả năm có lẽ chỉ được vài ngày như thế.

 Bà Thảo quê ở làng Vạn Lộc, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên), 23 tuổi, bà bị bệnh thần kinh tọa, chẳng hiểu thuốc thang nhầm lẫn như thế nào, người ta khiến bà bị còng lưng ngay sau khi tiêm thuốc. Mọi ước mơ với bà đến đó lụi tắt hẳn. Anh chị em dần lập gia đình riêng. Cha mẹ bà đến tuổi rồi cũng về với tổ tiên ông bà. Mình bà sống lay lắt. Đến túp lều cũng không có để ở. Bà vào Vinh, gửi tấm thân già cỗi của mình bên hành lang khách sạn Giao Tế khi đêm xuống. Người ta thương tình cho hoàn cảnh éo le của bà, cho bà ăn đậu, ngủ nhờ. Sáng ra, bà giúp lau nhà, quét dọn để trả ơn.

“Từ dạo làm nghề đến giờ, chẳng ai chê bà lấy một câu” - bà Thảo rất tự hào khi nói về công việc của mình.

Sống mãi trong cảnh ấy khiến bà không thoải mái. Trong người không có một xu dính túi để làm vốn, nhưng bà vẫn quyết định đi đánh giày. Chủ hàng thương bà nghèo khổ, tin tưởng vào con người bà Thảo “còng” lưng nhưng  tính ngay thẳng, thật thà nên họ cho bà nợ vốn để lấy hàng. Bộ đồ “hành nghề” đánh giày của bà từ đó mà có: một chiếc làn cũ, vài ba đôi dép nhựa xanh, 1 chai nước đựng dầu rửa bát trộn lẫn với nước lạnh, mút đánh bóng giày, bàn chải, chổi lông quét xi, những hộp xi đủ màu sắc đen, vàng, nâu, rồi lót giày, miếng vải nhỏ để lau giày...

Đều đặn như vắt chanh, cứ 6h30 bà rời trong phòng trọ. Dù nắng nóng hay mưa to gió lớn, bà cùng ôm bộ đồ nghề dắt díu nhau đi làm. Bà “trực” ở góc quán cà phê ven hồ Goong, lâu dần có nhiều khách ruột ở đó. “Từ dạo làm nghề đến giờ, chẳng ai chê bà lấy một câu” – bà Thảo “còng” nói điều này mà mắt ánh lên tự hào.

Người thương bà ở những nơi bà đi qua cũng nhiều lắm. Chỗ bà trọ, căn phòng cho thuê giá 450 nghìn đồng/tháng, bà chủ thương tình giảm cho bà Thảo “còng” còn 250 nghìn/ tháng. Nhiều lần đi đánh giày về khuya, bà còn được bà chủ gọi sang mời ăn cơm. Thương bà, có cái máy điện thoại “cục gạch”, bà chủ nhà trọ cũng cho bà Thảo.

Ngày "cao điểm" bà Thảo kiếm được 60.000 đồng

Bà Thảo “còng” kể: “Đi ra, ai cũng thương bà. Phần đông người họ đánh giày vì thương, tội nghiệp bà già còng lưng này thôi. Nhưng cũng có không ít người chọn bà đánh giày vì bà làm cẩn thận, đánh giày sạch sẽ lắm”. Bà bảo, cùng quẫn lắm nên mới đi đánh giày. Nếu đang còn bố mẹ, chắc chắn không bao giờ bà bỏ quê cha đất mẹ vào thành phố. Ở nhà có cơm ăn cơm, rau ăn rau, khổ mấy cũng chịu được. Nhưng cuộc đời đâu phải dễ dàng. Bố mẹ, nhà cửa trong quê không còn, bà chỉ còn nước đi lang thang kiếm cơm nay đây mai đó. Chỗ nào kiếm được cơm thì bà đến, nghề nào có miếng ăn thì bà làm. Bà chỉ mong có được túp lều, lụp xụp cũng được, để có chốn đi về những lúc ốm đau mà thôi...

Thiên Thiên

TIN LIÊN QUAN