(Baonghean) - Hàng ngày, anh Katsuhiro Ando, chuyên gia thuộc dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp của tổ chức JICA (Nhật Bản), lại đến với các bản làng của xã Môn Sơn (Con Cuông) để hỗ trợ bà con ở đây phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đất nước xa xôi, đến, ở rồi gắn bó với nơi này trong hơn 1 năm qua, Katsuhido Ando gần như đã thuộc từng con đường bê tông chạy giữa những hàng trạng nguyên hoa đỏ thắm ở Môn Sơn, một bên là cánh đồng lúa thì con gái mượt mà, một bên là đại ngàn hùng vĩ. Và đến mùa lúa chín, Katsuhido Ando đội nón lá, cầm liềm cùng bà con Môn Sơn đi cắt lúa...
Sang Việt Nam, anh mới được chứng kiến con trâu kéo những cái cày làm bằng gỗ cày ruộng, những cô gái Thái với váy áo sặc sỡ trong ngày hội cấy lúa, những em bé Đan Lai vùng vẫy dưới dòng sông Giăng trong xanh bắt loài cá mát đặc sản nổi tiếng...
Cảnh sắc Con Cuông còn nguyên sơ đẹp đến ngỡ ngàng khi anh ngồi trên thuyền độc mộc đi trên dòng sông Giăng về phía thượng nguồn. Nước sông biếc xanh soi bóng rừng già và có những buổi hoàng hôn khi thuyền đứng im trên sông, anh ngỡ mình lạc đến chốn bồng lai...
Katsuhiro Ando diễn tả: “Cái cảm giác thú vị khó diễn đạt bằng lời khi tôi bắt đầu bước chân lên thuyền để ngắm sông Giăng, sông như tơ lụa vắt qua đại ngàn, dòng nước quý bao đời vỗ về các bản làng với không chỉ con cá, con tôm và nước uống mà còn là con đường giúp bà con dân bản giao lưu với thế giới bên ngoài. Cảm giác ấy theo suốt chặng hành trình, nhất là đoạn cuối dòng sông, nơi tôi gặp một bản làng tộc người Đan Lai mà ý nghĩa về thời gian không còn tồn tại ở đây, không hề có dấu vết của cuộc sống hiện đại... Sông Giăng với tôi rất hiếm trên thế giới bởi sự hoang sơ đến ngỡ ngàng”.
Là người đi nhiều nơi, hỗ trợ phát triển du lịch cho nhiều cộng đồng, Katsuhiro Ando cho rằng cảnh núi rừng Con Cuông rất đặc biệt, những ngọn núi bao quanh các bản làng, thỉnh thoảng lại đứt quãng, nhìn vào bản đồ thấy tất cả những dòng sông, suối đều chảy ra từ đại ngàn Pù Mát. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn bó mật thiết với những dòng sông, con suối này, mọi sinh hoạt của người dân đều xoay quanh các con sông, con suối cho nên các dự án phải nghiên cứu điều này thì mới thành công. “Điều đó tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa con người và thiên nhiên, là một hệ sinh thái rất tốt” - Katsuhiro Ando nhận xét -
“Tôi đã từng đến Mai Châu – Hòa Bình của Việt Nam, nơi nổi tiếng bởi những nếp nhà sàn quần cư giữa thung lũng đại ngàn. Nhưng khung cảnh ở Con Cuông còn quyến rũ hơn bởi ngoài nhà sàn còn có những thắng cảnh thơ mộng như thác Khe Kèm, rừng nguyên sinh Pù Mát.... Nếu người dân Con Cuông biết phát huy các tiềm năng ấy sẽ rất tốt cho phát triển du lịch. Chẳng hạn người nước ngoài rất thích khi thấy các vật dụng được làm từ tre, mây nứa, nhất là đồ dùng cho nấu nướng, bữa ăn, cụ thể như lá chuối gói xôi, ép khẩu (hộp đựng xôi bằng tre đan), hay giỏ đựng cam, bồ đựng thóc bằng mây, tre đan... "
"Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã đến dạy cho bà con bản Nưa cách nấu ăn và sử dụng những dụng cụ của thiên nhiên để nấu ăn, hỗ trợ dụng cụ bằng tre đan để sản xuất, giúp bà con khôi phục nghề truyền thống. Và người dân nếu hiểu được sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, tận dụng nó để phát triển du lịch thì thật tốt. Các bạn tôi đến Con Cuông đều thú vị khi trải nghiệm du lịch homestay, ngủ nhà sàn, thưởng thức các thức ăn tự nhiên, sáng ra được đánh thức bởi tiếng gà gáy, tiếng suối chảy, ngắm mặt trời lên sau đỉnh đại ngàn. Hiện nay, điều đáng mừng là người dân Con Cuông đã hợp tác rất tích cực để làm du lịch, các công ty lữ hành cũng đã đưa du khách tới...”- Katsuhiro Ando phấn khởi.
Cảm nhận của Katsuhiro Ando - một người bạn đến từ Nhật Bản cũng là cảm nhận của nhiều du khách phương xa khi đến với Con Cuông. Ai cũng nóng lòng được khám phá thác Khe Kèm, được đi thuyền trên sông Giăng, ngắm đập Phà Lài như trôi trong mây, khởi nguồn từ đại ngàn Pù Mát nguyên sơ với bạt ngàn đại thụ trổ bông mùa xuân sắc.
Nằm giữa vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007, Con Cuông là huyện chứa nhiều tiềm năng hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Đây cũng là vùng đất cổ, sông núi nguyên sơ với bao háo hức khám phá, tấm lòng người miền núi chân chất đậm đà, phong tục văn hóa được lưu giữ, bảo tồn...
Con Cuông cách Hà Nội khoảng 330km, cách thành phố Vinh 130 km, nằm bên dòng Lam Giang thơ mộng. Tuy là địa bàn miền núi cao nhưng huyện có mặt bằng rộng rãi với đất đai màu mỡ xanh tươi, thế núi dáng sông quyến rũ lòng người. Ai lên với Kỳ Sơn, qua Lào đều dừng chân tại đây để nghỉ ngơi trước khi tiếp một chặng đường. Cũng bởi vậy mà Con Cuông nổi tiếng với nhiều đặc sản của miền Tây xứ Nghệ như măng muối, cá mát, cá lăng, chạch sông kho, canh đọt mây, rau dún... Các nhà hàng ở Con Cuông từ trước nay đã rất phát triển với các món ăn đậm văn hóa ẩm thực bản địa.
Con Cuông đang khát khao những dự án xứng tầm khai mở. Hiện nay, Con Cuông đã được phê duyệt là thị xã theo hướng đô thị sinh thái, là trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Tây Nam Nghệ An. Cụ thể định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu xây dựng Con Cuông trở thành một đô thị sinh thái; đô thị động lực của vùng Tây Nam; có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái của vùng Tây Nam.
Trở lại với người bạn Nhật Bản Katsuhiro Ando. Anh và các cộng sự vẫn tiếp tục dự án với những mong ước cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào Con Cuông, góp phần tạo dựng những khu vườn sinh thái cho hiệu quả kinh tế, những sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách mà bà con Con Cuông có thể tự sản xuất được như rượu cam, mứt cam, xà bông từ cam...
Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng cho hay: “Bên cạnh tập trung khai thác du lịch sinh thái vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, huyện Con Cuông sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Pha Lài và bản Cò Phạt xã Môn Sơn; Tạ Bó, Thác Kèm (Yên Khê). Xây dựng các tua, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn gắn kết với các tuyến du lịch của tỉnh, chú trọng điểm đến du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, các điểm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh. Bảo tồn và xây dựng các di tích lịch sử (di tích lịch sử quốc gia Bia Ma Nhai, Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên miền Tây Nghệ An)... Phấn đấu để Con Cuông trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Tây Nghệ An”. |
Châu Lan