(Baonghean.vn)- "Chúng tôi biết bốn bị cáo cũng đi làm công nhân, làm thuê như chúng tôi, họ cũng có gia đình, có vợ con ở nhà, chúng tôi đề nghị xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo", người thân vụ sập giàn giáo nói trước tòa.
Hôm nay 18/12, phiên tòa xét xử vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương, bước sang ngày thứ ba và đang ở phần xét hỏi.
Trong số 4 bị cáo thì bị cáo Lee Jae Myeong và Kim Jong Wook (quốc tịch Hà Quốc) quanh co chối tội. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, trú xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đứng trước vành móng ngựa ân hận khóc nức nở, xin lỗi các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bị cáo Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, quê xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trình bày gia đình khó khăn thuộc diện hộ cận nghèo, được giảm án để sớm trở về làm lại cuộc đời, chuộc lại lỗi lầm. Đức cũng xin lỗi gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng và các đồng nghiệp công nhân bị thương.
Tại phiên tòa, nhiều người mẹ, người vợ, người cha, người anh của các công nhân bị thiệt mạng đứng lên mở lòng bao dung đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đồng thời, yêu cầu Công ty Công ty CP xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc)-cung cấp nguồn nhân lực và Công CP Samsung C&T - là đơn vị thi công, hỗ trợ bồi thường thêm và thực hiện đúng cam kết với người nhà và công nhân.
Chị Nguyễn Thị Minh (ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) - vợ nạn nhân Nguyễn Công Sơn, ngồi khóc nức nở tại phiên tòa khi nghe các bị cáo quanh co chối tội. Chị Minh cho biết, chị đã nhận được đền bù và hỗ trợ 450 triệu đồng và sổ bảo hiểm 200 triệu đồng.
"Chồng mất đi, tôi đang phải nôi mẹ già ngoài 70 tuổi và bốn người con còn quá thơ dại. Mỗi khi thấy đứa con út chạy đến bàn thờ gọi cha ơi, lòng tôi thắt nghẹn lại. Tôi đề nghị phía công ty xem xét chế độ bảo hiểm cho gia đình tôi. Người đã mất rồi, dù biết không có gì đền đáp đủ cho tôi và các con. Tôi xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo". Đại diện Công ty Nibelc và Samsung C&T đều đưa ra ý kiến đồng cảm với sự khó khăn của gia đình chị Minh, và hứa sẽ báo cáo với lãnh đạo với công ty xem xét vấn đề bảo hiểm.
Chị Chu Thị Kiều (quê Nghệ An) - vợ của anh Lâm Hữu Chính, nói: "Con tôi còn nhỏ cũng như con của các bị cáo. Tôi không muốn những đứa trẻ không có bố dạy dỗ, do vậy, tôi mong muốn xem xét giảm án để các bị cáo sớm về với vợ và con".
Đại diện công ty đứng lên hứa sẽ xem xét đề nghị trên và cho rằng, những ai thắc mắc chế độ chưa thỏa đáng thì phải liên hệ với công ty.
Chiều nay 18/12, tại phiên tòa, hai công nhân bị thương là Hoàng Văn Thụ (ở xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) và anh Nguyễn Văn Tài (ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu) đều đứng lên phản ánh: Chúng tôi yêu cầu công ty phải có trách nhiệm cam kết hỗ trợ cho chúng tôi kể cả kết thúc phiên tòa. Chúng tôi biết bốn bị cáo cũng đi làm công nhân, làm thuê như chúng tôi, họ cũng có gia đình, có vợ con ở nhà, chúng tôi đề nghị xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo".
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Đức và Tuấn đứng lên hỏi phía Công ty Samsung C&T: "Hệ thống giàn giáo nhập vào Vũng Áng là mới hay cũ, có khai báo với cơ quan thẩm quyền không. Có phương án đảm bảo an toàn lao đồng hay không ?".
Đại diện Công ty Samsung C&T trả lời: Giào giáo nhập vào Việt Nam mới 100%. Khi nhập giàn giáo vào có khai báo với Hải Quan và cơ quan chức năng ở Việt Nam. Công ty có phương án để đảm bảo an toàn lao động cho các công nhân".
Như đã đưa tin, đêm 25/3/2015, tại khu vực thi công giếng chìm cầu cảng Sơn Dương (cầu cảng số 7) nằm trong khu vực thi công dự án của Fomosa (Khu kinh tế Vũng Áng), xảy ra vụ sập giàn giáo thương tâm làm 13 công nhân quê (Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) tử vong và 29 công nhân bị thương.
Chiều ngày 18/12, phiên tòa đang tiếp tục xét hỏi làm rõ trách nhiệm của các công ty trong việc đảm bảo an toàn lao động tại công trường.
An Khánh