Các nhà khoa học tin rằng phần lớn thế giới chứa sự sống ngoài vũ trụ được bao phủ hoàn toàn bởi nước, nghĩa là sinh vật sống trên đó nhiều khả năng giống cá hơn con người.

Người Mon Calamari trong phim Star Wars là những người cá ngoài hành tinh. Ảnh: Sun.

Fergus Simpson, chuyên gia làm việc tại Viện Khoa học Cosmos thuộc Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, sử dụng một dạng toán phức tạp gọi là xác suất Bayesian để dự đoán khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất. Kết quả cho thấy, bề mặt các hành tinh có thể sinh sống được trong vũ trụ chứa nhiều hơn 90% là nước, theo Sun.

Những giả thuyết về hình dáng của người ngoài hành tinh 

Điều này nghĩa là nếu tồn tại các dạng sống trong vũ trụ, chúng nhiều khả năng giống như cá hoặc có nét tương đồng với những sinh vật sống ở đại đương trên Trái Đất. Tuy nhiên, rất khó để chúng có được nền văn minh tiên tiến như con người.

"Nếu nói về sinh vật thông minh có thể chế tạo tàu vũ trụ, tôi nghĩ rằng họ sẽ giống như con người. Tôi hoài nghi về việc có nhiều loài sinh vật thông minh ngoài hành tinh sống dưới nước. Nguyên nhân là do sinh vật sống dưới nước, chẳng hạn như cá heo trên Trái Đất, gặp nhiều khó khăn hơn để sử dụng công cụ hoặc tạo ra lửa", Simpson cho biết.

Bề mặt Trái Đất được bao phủ chủ yếu bởi nước, chỉ có khoảng 29% là đất liền. Simpson cho rằng, sự chênh lệch lớn giữa nước và đất liền có thể liên quan đến quá trình tiến hóa của sự sống trên Trái Đất.

"Hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của sự sống còn rất lâu nữa mới hoàn thiện. Mọi hành tinh có sự sống chưa hẳn có cơ hội ngang nhau chứa các dạng sống thông minh", Simpson nói.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN