Anh Hồ Sỹ Trúc (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), là Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ở Kiev - thủ đô Ukraina. Anh Trúc kể rằng, tại thành phố này, trước Tết vài tuần, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh đã tích cực chuẩn bị mọi thứ cho việc đón Tết cổ truyền. Tuy chỉ là một hội đồng hương nhỏ với hơn 60 gia đình, nhưng năm nào cũng thế, việc vui Tết đón Xuân được mọi người tổ chức khá chu đáo.
Ban chấp hành Hội đã lên kế hoạch cho buổi gặp mặt tất niên khá sớm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các anh em. Đội văn nghệ “dã chiến” được triệu tập, để dàn dựng những tiết mục cây nhà lá vườn, mang đậm bản sắc quê hương, như múa lân sư rồng, múa nón, hát dân ca ví dặm...
"Gần Tết, mọi người sẽ hội tụ về một gia đình có không gian rộng rãi để gói bánh chưng, bánh tét, cùng thức đêm nấu bánh Tết như ở quê hương", anh Trúc cho hay.
Anh em đồng hương xứ Nghệ ở thành phố Kiev (Ucraina) gói bánh đón Tết cổ truyền. Ảnh: Hà Lê Năm nay, chương trình “Mừng Xuân Kỷ Hợi” của Hội người Việt Nam ở Kiev diễn ra vào đúng ngày Mồng 1 Tết, nên buổi gặp gỡ tất niên của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp.
Theo Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Kiev, ngày này, một số người sẽ vào rừng, chặt cây anh đào mang về gắn thêm hoa nhựa, bóng nháy, kèm những câu hỏi để “hái hoa dân chủ”. Tại buổi gặp mặt, ngoài chương trình văn nghệ, liên hoan ẩm thực, chúc tụng mừng Xuân, ban tổ chức còn phát quà lì xì cho các em nhỏ và trao quà khuyến học cho những học sinh xuất sắc
Không gian Tết Việt trong một gia đình người Nghệ An ở thành phố Kiev. Ảnh: Hà Lê Anh Trúc nói rằng, 31 năm sống ở xứ người, nhưng mỗi lần đón Tết cổ truyền, trong anh lại rộn lên bao cảm xúc, nhớ quê hương, nhớ Tết xưa da diết. "Xa quê đã mấy chục năm, nhưng trong tôi, Tết quê vẫn cứ thiêng liêng. Thật may, giữa trời Tây trong cuộc mưu sinh, anh em Nghệ Tĩnh vẫn kề vai sát cánh, Tết vẫn ấm nóng tình đồng hương, nhờ đó mà vơi đi nỗi nhớ nhà”, anh Trúc nói.
Vui đón năm mới của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ở thành phố Kiev. Ảnh: Hà Lê Trong khi đó, với những bạn trẻ đi du học, lao động ở Hàn Quốc, Tết ở quốc gia Đông Á này có vẻ thoải mái hơn, tưng bừng hơn. Bởi Hàn Quốc cũng ăn Tết âm lịch như Việt Nam.
Thành phố Ansan tỉnh Gyeonggi được xem là “thủ phủ” của người Việt trên đất Hàn. Ở đây, ngày Tết, đồng hương Nghệ Tĩnh sẽ tổ chức gặp mặt theo hội đồng hương huyện, xã, tại các nhà hàng hoặc ký túc xá các công ty.
Ngô Trí Ngọc - quê huyện Đô Lương - nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc cho biết, Tết Việt ở Hàn dường như “không thiếu một thứ gì về vật chất, ở Việt Nam có cái gì thì ở Hàn Quốc có cái đó”. Từ bánh chưng, giò chả, dưa hành, rượu gạo… đều đầy đủ trong các tiệm hàng trên phố, hoa đào bát ngát ở các công viên. Vấn đề còn lại chỉ là “thích mua hay thích tự tay thiết kế mà thôi”.
Đồng hương xứ Nghệ ở Okayama (Nhật Bản) gói bánh chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Lê Hiếu Do múi giờ ở Hàn Quốc chênh Việt Nam 2 tiếng, đồng hương xứ Nghệ ở đây cũng như những người Việt khác, mỗi dịp Tết Nguyên đán thường có thói quen đón giao thừa hai lần. Cả của nước sở tại và của Việt Nam.
Tại “đất nước Mặt trời mọc”, do người Nhật Bản hiện nay chỉ ăn Tết theo dương lịch, nên sát ngày Tết Cổ truyền, du học sinh, thực tập sinh, công nhân lao động người Nghệ vẫn đi học, làm việc bình thường. Chỉ ngày 30, Mồng 1 Tết mới xin nghỉ để vui Tết đón Xuân. Tuy thời gian hạn hẹp, nhưng mỗi lần Tết đến, những người con xứ Nghệ trên khắp nước Nhật vẫn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để đón chào năm mới.
Ấm tình đồng hương bên bàn thờ Tổ quốc lúc Xuân về. Ảnh: Võ Tú Đoàn Quân, quê huyện Yên Thành, sinh sống ở vùng Kanto – nơi có nhiều người Nghệ nhất ở Nhật Bản cho hay, ngày Tết anh em đồng hương thường hội tụ về một tỉnh trung tâm có vị trí thuận lợi, để tổ chức gặp mặt, giao lưu. Ở tỉnh Okayama, năm nào cũng thế, mỗi dịp cuối năm, hàng trăm lao động người Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ tập trung gói, nấu bánh chưng, bánh tét, làm mâm ngũ quả, chế biến những món ăn truyền thống như thịt nấu đông, giò lụa, nem rán, “thiết kế” cành đào, trang trí bàn thờ Tổ quốc … tạo nên không khí đón Tết vô cùng ấm cúng.
Trong khi đó, Hồ Văn Thủy quê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu - đang làm việc tại tỉnh Saitama chia sẻ: “Tết đang về, bọn em nhớ nhà đến bâng khuâng, nhớ cảnh thức đêm nấu bánh với gia đình, đi chúc Tết người thân giữa mưa Xuân lất phất, cùng mùi hương trầm ngào ngạt… Em đã có 2 năm ăn Tết ở Nhật, mỗi lần đón Tết, anh em bạn bè lại quây quần đông vui. Giữa đất Nhật, khi Xuân về thiếu vắng người thân, tình đồng hương là một thứ gì đó rất đặc biệt mà em cảm nhận được trong những cái Tết xa quê này”.
Niềm vui trong ngày đầu năm mới của đồng hương Nghệ Tĩnh ở Nhật Bản. Ảnh: Đoàn Quân Tết cổ truyền với “bánh chưng xanh, câu đối đỏ” trong trái tim những người con xa xứ thật đỗi thiêng liêng. Không chỉ ở Ukraina, Hàn Quốc, Nhật Bản, mà ở Đức, Ba Lan, Úc và nhiều nước khác trên thế giới, do những điều kiện khác nhau không thể về quê được, nhưng người Nghệ muôn phương vẫn tranh thủ mọi điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động vui Tết đón Xuân, gìn giữ thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh các sân chơi đầy ắp giọng Nghệ như liên hoan gặp mặt, vui đón giao thừa, giao lưu bóng đá, biểu diễn văn nghệ, thăm hỏi người thân… anh em đồng hương còn phối hợp với các hội, đoàn Việt kiều, các cơ quan Nhà nước trong những chương trình đón Tết cộng đồng sôi động, hòa chung niềm hân hoan của người Việt trên khắp thế giới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Gặp gỡ vui Xuân đón Tết của đồng hương Nghệ Tĩnh ở Matxcơva (Liên bang Nga). Ảnh: Sỹ Bằng