Người dân suy nghĩ trước khi chọn loại xăng nào tại một trạm xăng ở TP.HCM. Ảnh:Hữu Khoa
Mức chênh lệch không bền vững?
Nếu như ngày 4/1/2018, giá xăng A95 cao hơn xăng E5 trên 1.820 đồng thì cập nhật bảng giá xăng dầu đến ngày 14-3, mức chênh lệch chỉ còn khoảng 1.600 đồng/lít.
Đặc biệt, chênh lệch giá hiện nay giữa xăng E5 và A95 chủ yếu đều nhờ vào quỹ bình ổn xăng dầu.
Khảo sát các kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công thương kể từ đầu năm 2018 đến nay cho thấy xăng E5 đã liên tục được chi sử dụng quỹ bình ổn, trong khi mặt hàng này không phải trích vào quỹ.
Cụ thể, tại kỳ điều hành ngày 4/1/2018 xăng E5 được tăng chi sử dụng quỹ bình ổn từ 546 đồng/lít lên 857 đồng/lít.
Đến ngày 3/2, mức chi quỹ bình ổn cho E5 thậm chí còn tăng mạnh lên 1.141 đồng/lít.
Dù đang được người dân chọn nhiều, nhưng suốt các kỳ điều hành đầu năm 2018 vừa qua, xăng A95 gần như không được chi quỹ bình ổn, chỉ duy nhất kỳ điều hành ngày 3-2 quỹ bình ổn chi ra 400 đồng/lít cho A95.
Một chuyên gia ngành dầu khí cho rằng việc ưu tiên trích quỹ bình ổn cho xăng E5 trong giai đoạn đầu có thể là cần thiết để khuyến khích người dân sử dụng.
Nhưng cách này không bền vững vì như thế sẽ phải lấy nguồn đề phòng giá tăng đột biến ra để sử dụng hàng ngày.
Hơn nữa, E5 không phải trích quỹ nhưng lại được xả lớn, nghĩa là người dùng xăng A95 đang phải bù cho người dùng E5, trong khi nguồn quỹ bình ổn không phải dư dả, nên nguồn lực sẽ có hạn.
Một lãnh đạo của Saigon Petro cho rằng việc tạo chênh lệch giữa hai loại xăng E5 và A95 chủ yếu từ trích và sử dụng quỹ bình ổn là chưa hợp lý.
Vị này dự báo tháng 4-2018, giá cơ sở xăng A95 dự kiến sẽ được công bố, khoảng cách của hai mặt hàng này sẽ... không tới 1.000 đồng.
"Xăng E5 không trích quỹ nhưng lại được sử dụng quỹ, có nghĩa phải sử dụng tiền đóng quỹ của các mặt hàng xăng dầu khác. Đó là bất hợp lý" - đại diện Saigon Petro cho hay.
Doanh nghiệp muốn giảm, Bộ Tài chính muốn thu
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, hiện dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường đã được đưa ra nhưng chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5.
Thực tế, mức thuế với xăng A95 là 4.000 đồng/lít thì xăng E5 là 3.800 đồng/lít, tức chênh lệch chỉ 200 đồng/lít - quá thấp, không khuyến khích sản xuất, sử dụng xăng E5.
Do đó, theo vị lãnh đạo này, cần phải xem xét giảm thuế cho xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít... để tạo chênh lệch giá từ 2.000 - 2.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, xác nhận thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 thực chất chỉ thu phần xăng khoáng.
"Đạo lý là như vậy. Nên việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 như kiến nghị của doanh nghiệp là không khả thi", ông Thi nói.
Theo ông Thi, mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng khoáng là 3.000 đồng/lít, còn xăng E5 2.850 đồng/lít.
Với mức thuế đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng khoáng dự kiến là 4.000 đồng/lít thì thuế với xăng E5 sẽ thấp hơn xăng gốc hóa thạch là 200 đồng/lít. Như vậy, xăng E5 sẽ có lợi hơn xăng khoáng, nhưng chỉ hơn 50 đồng/lít.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN, cho rằng người dân rất quan tâm đến chênh lệch giá giữa các mặt hàng là bao nhiêu trong khi đó, cấu thành giá xăng dầu đã có nhiều khoản thuế, phí do Nhà nước quy định.
"Muốn người dân sử dụng xăng E5 nhiều hơn thì phải tạo ra độ hấp dẫn đủ lớn giữa E5 và A95. Khoảng cách này nên ở mức 1.700 - 2.000 đồng/lít là hợp lý" - ông Dương đề nghị.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng một trong những vấn đề mà nhiều người dân quan tâm tới E5 là chất lượng, nên giá xăng E5 có rẻ hơn mà chất lượng không tốt thì vẫn lựa chọn dùng A95.
Do đó, theo ông Độ, xăng E5 cần phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy hiệu quả, đảm bảo chất lượng khi sử dụng...
Sức ép tăng giá xăng E5
Một trong những yếu tố quan trọng để cấu thành giá xăng E5 là nguyên liệu ethanol vốn đang có xu hướng tăng tác động đến giá thành xăng E5.
Thực tế, nếu trong nửa đầu năm 2017 giá ethanol dao động từ 13.700-13.800 đồng/lít thì từ tháng 10-2017 đã tăng liên tục, vượt qua mốc 14.200 đồng/lít.
Từ đầu năm 2018 giá ethanol tiếp tục tăng lên mức 14.315 đồng/lít.
Dù có giảm còn trên 13.820 đồng/lít nhưng nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn lo ngại giá ethanol khó giảm thêm.