Cầm chiếc xi lanh tiêm cỡ lớn để hút nước cháo loãng, rồi bơm vào chiếc ống nhựa thông qua mũi, đó là cách bà Vi Thị Toóng (SN 1966) bón thức ăn cho con trai. Khi ống nhựa bị tắc, người con khẽ rên, bà tạm dừng bơm cháo, dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con, rồi tiếp tục công việc. Những động tác được bà Toóng thực hiện một cách thuần thục, bởi lẽ đây là việc diễn ra hàng ngày trong gần 7 năm qua.

Bà Vi Thị Toóng kể lại: “Nó là con thứ 2, học xong THPT thì nhập ngũ, đầu năm 2012 được về phép thăm nhà rồi không may bị tai nạn giao thông, được chẩn đoán là chấn thương sọ não và nằm viện từ đó đến giờ. Và cũng từ ngày đó, tôi túc trực ở đây để chăm nó, tính ra gần 7 năm rồi chưa về nhà”.

bna_cham_con_1anh_ho_phuong4213029_2882018.jpgBà Vi Thị Toóng bơm cháo loãng qua mũi cho con trai bị chấn thương sọ não đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 4. Ảnh: Hồ Phương

Gia đình bà Toóng ở bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn), chồng bà là Lương Văn Phương (SN 1962), ông bà có 4 người con (3 trai, 1 gái). Anh Lương Văn Khăm (SN 1990) - người bị tai nạn đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 là con thứ 2 trong gia đình.

Lương Văn Khăm từng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và làng bản bởi chăm học và có nhiều thành tích trong học tập. Học xong THPT, vì hoàn cảnh khó khăn, Khăm không dự thi đại học mà ở nhà giúp bố mẹ lao động sản xuất. Có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh đăng ký tham gia, trúng tuyển và được điều về làm nhiệm vụ tại BCH Quân sự tỉnh Nghệ An.

Trong lần về phép đầu năm 2012, Lương Văn Khăm không may bị tai nạn xe máy, cú va chạm mạnh khiến anh bị chấn thương sọ não. Mặc dù đã đi chữa trị ở nhiều bệnh viện, được đơn vị và gia đình nỗ lực cứu chữa nhưng chấn thương nặng làm anh liệt toàn thân, gần như phải sống thực vật.

Bà Vi Thị Toóng xoa ngực giúp con trai mỗi khi việc truyền thức ăn bị tắc. Ảnh: Công Kiên

Con trai gặp nạn, vợ chồng ông Lương Văn Phương và bà Vi Thị Toóng đã bán hết gia sản để chạy chữa. Trong nhà hiện không có một thứ gì có giá trị, tuổi đã cao nhưng ông Phương vẫn phải cặm cụi lên rẫy trồng lúa, trồng ngô để có cái ăn qua ngày. Thi thoảng ông mới có tiền xuống Vinh thăm con, thấy anh Khăm nằm bất động ông Phương chỉ biết ôm lấy con trai mà khóc.

Còn bà Toóng, gần 7 năm không một ngày rời xa con, chưa một lần về thăm nhà, ngần ấy thời gian “bám trụ” ở bệnh viện để lo việc ăn uống, thuốc thang cho anh Khăm. Bà chia sẻ: “Gia tài đã bán hết, không còn thứ gì, nếu đưa thằng Khăm về sẽ không còn gì để ăn, cũng không có tiền mua thuốc. Ở đây may ra có bữa cơm, bữa cháo và có thêm niềm hy vọng một ngày nào đó nó sẽ hồi tỉnh”.

Số tiền chi tiêu hàng ngày cơ bản chỉ biết trông chờ vào khoản phụ cấp hơn 700 nghìn đồng/tháng của anh Khăm. Biết rõ hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định hỗ trợ suất ăn cho bà Toóng. Cùng với đó, đơn vị của anh Khăm cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất nên cũng đỡ được phần nào gánh nặng cho người mẹ bất hạnh.

Bà Vi Thị Toóng gom nhặt phế liệu, bán kiếm tiền chạy chữa cho con. Ảnh: Hồ Phương

Nhưng với người xác định sống “chung thân” ở bệnh viện sẽ không bao giờ có đủ tiền cho các khoản phát sinh và nhu cầu thiết yếu. Để có thêm tiền trang trải, hàng ngày bà Toóng đi khắp khuôn viên bệnh viện để nhặt chai nhựa, lon nước và bìa các-tông đem nhập cho các điểm thu mua.

Chia sẻ với người mẹ nghèo, hầu hết người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội 4 và các khoa khác đều gom các loại phế liệu giúp đỡ bà Toóng. Nhờ vậy, mỗi ngày bà kiếm thêm được 20 nghìn đồng, số tiền không lớn nhưng vô cùng quý giá đối với người mẹ gần 7 năm ở bệnh viện chăm con bại liệt toàn thân.

Bác sỹ Nguyễn Đức Anh - Chủ nhiệm Khoa Nội 4 cho biết: “Bệnh nhân Lương Văn Khăm bị chấn thương sọ não nặng, khả năng hồi phục rất thấp, chỉ có thể mong chờ vào điều kỳ diệu. Vì thế, việc điều trị chắc chắn còn lâu dài. Bà Toóng chắc còn phải ở đây lâu để chăm con”.